Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Để nắm rõ hơn những nét đặc sắc, công tác bảo tồn gìn giữ, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình.
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Di sản văn hóa Lễ hội truyền thống Khai hạ của dân tộc Mường có ý nghĩa như thế nào trong công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, du lịch trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, thưa ông?
Di sản Lễ hội Khai hạ của người Mường Hòa Bình có lịch sử từ lâu đời và được cộng đồng người Mường ở các địa phương bảo tồn, gìn giữ phát huy qua nhiều thế hệ; lễ hội đã đi sâu vào tâm thức của đồng bào dân tộc Mường ở các vùng Mường lớn của tỉnh Hòa Bình (Bi, Vang, Thàng, Động - nay thuộc các huyện Tân lạc, Lạc Sơn, Cao Phong và Kim Bôi).
Ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình.
Có thể khẳng định, việc đưa di sản văn hóa Lễ hội truyền thống Khai hạ dân tộc Mường Hòa Bình vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đó là được ghi nhận là di sản và là tài sản văn hóa quý giá mang tầm cỡ quốc gia, di sản văn hóa được tôn vinh và quảng bá, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa rất thiết thực, đặc biệt quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh, con người Hòa Bình với những nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc.
Xin ông cho biết những độc đáo của Lễ hội truyền thống Khai hạ?
Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường ở Hòa Bình hay còn gọi là lễ hội Khuống mùa (Thuống tồông - Tiếng Mường) là lễ hội truyền thống đã có từ rất lâu đời và là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất của người Mường Hòa Bình. Lễ hội gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ; là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào người Mường ở Hòa Bình, đặc biệt là ở bốn vùng mường lớn của tỉnh Hòa Bình: Bi, Vang, Thàng, Động.
Ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình trao quyết định công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh cho các địa phương.
Lễ hội mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, những điều tốt đẹp đến với người dân, xóm bản. Lễ hội là dịp để nhân dân hội tụ, đoàn kết cùng nhau vui hội với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, thể hiện tình đoàn kết dân tộc, cố kết cộng đồng trường tồn. Và có thể nói rằng, Lễ hội Khai hạ người Mường Hòa Bình có sức sống mãnh liệt trong đời sống nhân dân, cộng đồng dân cư tham gia đông đảo với ý thức trách nhiệm rất cao, tự nguyện và thành kính với các nghi trình, nghi thức trong phần lễ, nhiệt huyết tham gia các trò chơi và hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong không gian của lễ hội.
Trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử và sự đổi thay của đời sống kinh tế - xã hội, đến nay, lễ hội Khai hạ vẫn được đồng bào dân tộc Mường tổ chức thường niên, các nghi thức về phần lễ, phần hội tuy có nhiều biến đổi để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới, nhưng về cơ bản vẫn giữ được các yếu tố truyền thống từ thời gian, địa điểm tổ chức, nghi thức. Nghĩa là phần nghi lễ thờ cúng các vị thần Thành Hoàng đã có công lập đất, lập mường. Phần lễ của lễ hội được tổ chức trang trọng, linh thiêng và thành kính. Phần hội với các trò chơi phong phú, hấp dẫn, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc như hát Thường đang, bộ mẹng, hát đối đáp, trình diễn Chiêng Mường, các trò chơi dân gian như: ném còn, đánh mảng... thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Mường.
Tỉnh Hòa Bình đã và đang từng bước khôi phục, tổ chức các lễ hội cổ truyền dân tộc nhằm mục đích gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Đồng thời, với mục tiêu vừa kế thừa, phát huy, vừa khai thác có hiệu quả những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc để thúc đẩy mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong những năm qua, việc phục hồi và duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống luôn được dự quan tâm của các cấp chính quyền và tham gia đông đảo của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
Hiện nay, lễ hội Khuống mùa vẫn được duy trì tổ chức tại các vùng Mường của tỉnh Hòa Bình
Thời gian tới, tỉnh Hòa Bình có những giải pháp, phương án nào để tiếp tục bảo tồn, giữ gìn và phát triển du lịch bằng giá trị văn hóa truyền thống mới được công nhận là di sản văn hóa quốc gia này, thưa ông?
Đối với lễ hội Khai hạ của người Mường ở Hòa Bình, trong thời gian tới, cần triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để bảo vệ và phát huy lễ hội.
Cụ thể, tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về tổ chức lễ hội. Nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn trong công tác chỉ đạo, quản lý và hướng dẫn toàn bộ hoạt động của lễ hội; cần có sự phối hợp chặt chẽ vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về giá trị của di sản văn hóa cho cán bộ cơ sở và cộng đồng dân cư. Cần định hướng trong việc bảo tồn những yếu tố tích cực phù hợp với thuần phong mỹ tục như: duy trì hoạt động hát Thường đang, bộ mẹng, hạn chế sân khấu hóa; duy trì, vận động người dân mặc trang phục truyền thống, tránh các loại trang phục đã được cách điệu sử dụng để biểu diễn khi tham gia lễ hội; khôi phục và duy trì các trò chơi dân gian, đẩy mạnh việc dạy và học chữ Mường …
Xây dựng chính sách hỗ trợ nghệ nhân và đẩy mạnh hoạt động truyền dạy di sản. Đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thì vẫn đề truyền dạy di sản là một vấn đề hết sức quan trọng, liên quan đến sự tồn tại và phát triển đối với các di sản văn hóa phi vật thể. Để làm tốt nhiệm vụ này, việc đầu tiên là phải quan tâm đến các nghệ nhân. Các nghệ nhân liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Khai hạ của người Mường chủ yếu là các nghệ nhân Mo Mường, những người trực tiếp thực hành các nghi lễ trong lễ hội, đội ngũ nghệ nhân này chủ yếu là người đã cao tuổi.
Do vậy, việc xây dựng các chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân trong thời gian tới cần đựơc quan tâm và thực hiện ngay. Đưa hoạt động truyền dạy di sản trong Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường Hòa Bình cho thế hệ trẻ về các nghi thức cũng như nội dung các bài mo, tế sử dụng trong lễ hội. Chính quyền địa phương nơi di sản tồn tại cần tạo điều kiện, khuyến khích các nghệ nhân am hiểu về lễ hội này truyền dạy cho thế hệ trẻ để tránh tình trạng mai một, thất truyền. Đây là giải pháp hữu hiệu và cấp thiết nhất trong việc bảo tồn bền vững di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Khai Hạ.
Quang cảnh khai mạc Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 2023 tại Sân vận động xã Phong Phú (Tân Lạc).
Có chính sách tôn vinh những nghệ nhân, những người có công sưu tầm, lưu giữ tri thức và truyền dạy tri thức dân gian của Bộ Lịch tre trong cộng đồng.
Tổ chức tuyên truyền, quảng bá và tôn vinh các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc Mường với cộng đồng các dân tộc anh em trong tỉnh nói riêng và các dân tộc trong cả nước nói chung,
Về công tác quản lý, tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Di sản văn hóa và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ, quản lý và phát huy các giá trị di sản văn hoá nói chung và giá trị tiêu biểu của Lịch tre dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình.
Trong công tác quản lý cần quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các ngành, các cấp và mọi người dân trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá tri thức dân gian Lịch tre của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình.
Triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này và phải đặc biệt chú trọng đến tính ứng dụng thực tiễn của các đề tài đó.
Xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi!