Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 6 tháng 11 năm 2023 | 21:15

Những con số “thần kỳ” trong ngành sầu riêng

Các chuyên gia đều có chung nhận định năm đầu tiên xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc đã đạt kim ngạch trên 2 tỉ USD là một con số "thần kỳ" mà chưa ngành nào có được. Giá sầu riêng tại vườn lại lên cơn "sốt", hiện đã vượt 100.000 đồng/kg. Dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng cả năm 2023 có thể đạt 2,4 tỉ USD.

Sầu riêng không chỉ là "vua" của các loại trái cây mà còn trở thành ngôi sao sáng trong số các mặt hàng xuất khẩu tỉ USD.

“Vua” trái cây đắt hàng

Khi Gia Lai đang vào cuối vụ thu hoạch và miền Tây bước vào thu hoạch sầu riêng vụ nghịch, nhu cầu chào mua lập tức sôi động. Hàng loạt hội, nhóm giao dịch đã được lập ra để thu hút thương lái, chủ vườn… Giá cả cũng được cập nhật mỗi ngày trên các nhóm làm không khí càng thêm nóng. Tuy nhiên, thị trường hiện nay đang trong bối cảnh thương lái chào mua với mức giá tăng liên tục nhưng nguồn cung vẫn còn hạn chế và nông dân cũng chưa vội "chốt" nên chủ yếu vẫn là những lời hỏi mua.

Tại khu vực tây Nam bộ, giá sầu riêng Ri-6 loại A được một số thương lái "thổi" lên đến 125.000 đồng/kg, loại B có giá khoảng 110.000 đồng/kg, loại dạt cũng được thu mua với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg. Giá sầu riêng Monthong cũng đã được điều chỉnh tăng khoảng 3.000 đồng so với trước, loại A được chào mua 145.000 - 150.000 đồng/kg, loại B từ 125.000 - 130.000 đồng/kg, loại C từ 113.000 - 123.000 đồng/kg; sầu riêng Thái mua xô có giá 100.000 - 105.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền đông Nam bộ, diễn biến giá cũng theo sát với thị trường miền Tây, chỉ thấp hơn khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg. Các thương lái tranh mua nên đẩy giá tăng mỗi ngày. Chị U.N.H, một thương lái sầu riêng khu vực miền Tây, nhấn mạnh: "Em mua sầu riêng Ri-6 không giới hạn số lượng, có bao nhiêu cũng mua hết. Ai có vườn bán hoặc giới thiệu vườn cho em, có hoa hồng cho người giới thiệu". Nhiều thương lái khác cũng cạnh tranh bằng cách quảng cáo trả tiền tươi, chốt hàng chuyển khoản thanh toán ngay.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty XNK Vina T&T, nhận định: "Đối với sầu riêng, nhu cầu các nước vẫn khá lớn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay chính là tình trạng cạnh tranh "thổi giá" để thu mua. Các doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch thì đã có hợp đồng trước và chốt giá cố định với đối tác tiêu thụ, trong khi đó giá trong nước đang quá cao khiến cho doanh nghiệp xuất khẩu khó chạy đua được. Về phía nông dân thì họ luôn muốn bán được giá cao hơn, do đó không vội chốt sớm mà chờ đợi giá cao hơn nữa. Vụ sầu riêng vừa qua ở Tây nguyên cho thấy tình trạng cạnh tranh đẩy giá kiểu này, và đến nay thì có dấu hiệu tái diễn ở tây Nam bộ".

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, sắp tới sẽ có một đợt thu hoạch sầu riêng tại Thái Lan trùng với VN, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ đang rất nhiều nên việc "đụng" mùa không còn đáng ngại. Với việc giá sầu riêng tăng nhanh, các doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch khó chốt giá được ngay mà phải chờ đợi diễn biến tiếp theo.

Giá sầu riêng tăng do nguồn cung hạn chế và nhu cầu tiêu thụ ở mức cao vì được tiểu thương và doanh nghiệp thu mua để phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Thời điểm này, sầu riêng tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã hết mùa thu hoạch chính vụ nên nguồn cung giảm mạnh so với trước.

Đối với sầu riêng, nhu cầu các nước vẫn khá lớn.

Ngôi sao sáng trong số các mặt hàng xuất khẩu tỉ USD

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (VINAFRUIT), cho biết: Hiện tại VN chỉ còn sầu riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai với diện tích khoảng 5.500 ha, bằng 1/5 so với tỉnh Đắk Lắk. Do là cuối vụ và chỉ còn ở VN nên giá sầu riêng thu mua tại vườn của bà con lên tới trên 100.000 đồng/kg. Chính nhờ giá cao nên ước tính giá trị xuất khẩu chỉ riêng Gia Lai trong tháng khoảng 100 triệu USD. Tháng 11 cũng sẽ kết thúc vụ thu hoạch sầu riêng của Gia Lai cũng như mùa sầu riêng năm 2023 của cả nước. Tuy nhiên, ngoài vùng trồng này chúng ta vẫn còn thu hoạch "lai rai" sầu riêng vụ nghịch ở một số địa phương ĐBSCL. Giá trị xuất khẩu có thể gần tương đương với Gia Lai.

Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, ông Nguyên phân tích, tính đến thời điểm cuối tháng 9, xuất khẩu sầu riêng của VN đã đạt kim ngạch 1,7 tỉ USD. Ước tính trong tháng 10 giá trị có thể đạt mức cao kỷ lục 450 - 500 triệu USD, nâng tổng kim ngạch đến hết tháng 10 lên khoảng 2,2 tỉ USD. Như phân tích ở trên, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong tháng 11 của tỉnh Gia Lai và vùng ĐBSCL cộng lại có thể tương đương 200 triệu USD. Trong tháng 12 VN vẫn có sầu riêng vụ nghịch để xuất khẩu. Như vậy, ít nhất trong 2 tháng cuối năm chúng ta có thể thu về khoảng 200 - 300 triệu USD từ xuất khẩu mặt hàng này, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2023 lên 2,4 - 2,5 tỉ USD. "Sầu riêng không chỉ là "vua" của các loại trái cây mà còn trở thành ngôi sao sáng trong số các mặt hàng xuất khẩu tỉ USD khi mang về kim ngạch xuất khẩu kỷ lục trong bối cảnh nhiều ngành khác đang gặp khó khăn", ông Nguyên phấn khởi.

Các chuyên gia đều có chung nhận định năm đầu tiên xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc đã đạt kim ngạch trên 2 tỉ USD là một con số "thần kỳ" mà chưa ngành nào có được. Cũng vì chính là năm đầu tiên nên chúng ta vẫn còn nhiều điều phải khắc phục để mở rộng thị trường nhiều tiềm năng này. Ông Nguyên khuyến nghị điều đầu tiên cần chú ý là mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Bà con nông dân và doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm các quy định về mã số vì đây là yêu cầu bắt buộc của thị trường. Cần tuyệt đối tránh tình trạng "mạo danh" mã số vùng trồng như đã xảy ra hồi đầu năm nay vì sẽ ảnh hưởng đến uy tín không chỉ của doanh nghiệp mà là cả ngành sầu riêng VN. Điều quan trọng thứ hai là nâng cao chất lượng theo yêu cầu của thị trường; tránh tình trạng hái non, xuất khẩu những sản phẩm không đạt chất lượng.

Một số thông tin gần đây cho biết trong năm 2024 Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa thị trường sầu riêng cho một số nước ASEAN, đáng kể nhất là Malaysia. Phân tích về "đối thủ" này, ông Nguyên đánh giá: Thực tế thì diện tích sầu riêng của Malaysia không nhiều, phương thức sản xuất thu hoạch cũng khác chúng ta. Malaysia chỉ để sầu riêng chín rụng tự nhiên và cấp đông, sau đó mới xuất khẩu. Họ đánh vào phân khúc cao cấp. Còn sầu riêng của VN là phân khúc phổ thông và đối thủ chính là Thái Lan. Nước này có nhiều kinh nghiệm ở thị trường Trung Quốc và đang từng ngày cải thiện chất lượng để chiếm lĩnh thị trường. VN cần học tập kinh nghiệm của người Thái, vì thị trường Trung Quốc có dung lượng đủ lớn cho cả Thái Lan và VN.

Sầu riêng có thể cạnh tranh với tất cả các nước trong khu vực

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy tuy Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính sầu riêng tươi của VN nhưng các thị trường quan trọng khắp thế giới như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng tăng trưởng mạnh trong 9 tháng năm 2023. Sầu riêng đang trở thành món ăn yêu thích của nhiều thị trường chứ không còn của người châu Á.

Ông Nguyên dự báo, thời gian tới, hàng càng khan hiếm, sầu riêng có thể còn tăng giá tiếp. Như năm ngoái từng có đợt sầu riêng trái vụ tại vườn lên đến 200.000 đồng/kg.

Các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng cần nắm rõ quy định, yêu cầu của Trung Quốc.

“Hiện nay nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc rất lớn. Năm 2022 khoảng 4 tỷ USD, năm nay có thể lên đến 6 tỷ USD. Dự báo trong những năm tới Trung Quốc có thể nhập khẩu đến gần 20 tỷ USD, trong đó hơn 80% sản lượng là nhập khẩu của Thái Lan, còn lại chia đều cho các nước khác như Việt Nam, Malaysia, Philippines” , ông Nguyên phân tích.

Ông Nguyên cho biết, Trung Quốc có nhu cầu về sầu riêng rất lớn, trong khi đó họ chưa trồng được sầu riêng. Để có thể cung cấp đủ trong nước và không phụ thuộc nguồn nhập khẩu từ nước ngoài, Trung Quốc cần ít nhất 20 năm nữa phát triển vùng trồng. Chưa kể cây sầu riêng phải mất ít nhất 6 năm mới có thể cho thu hoạch.

“Sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam đến 20 năm nữa vẫn có giá trị, thị trường xuất khẩu vẫn rất tốt và riêng thị trường Trung Quốc sẵn sàng bao sân hết khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó Việt Nam rất có lợi thế về logistic đường bộ, cảng biển rất thuận lợi, thời gian vận chuyển nhanh, chi phí thấp… Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ giúp chi phí rẻ hơn, thời gian nhanh hơn, giúp cho hàng hoá nông sản có sự cạnh tranh tốt hơn so với các nước khác”, ông Nguyên nói.

Cũng theo ông Nguyên, hiện nhiều nước đang phát triển cây sầu riêng, còn nước ta có sẵn lợi thế. Việt Nam cần khuyến khích người dân trồng nhưng cần theo quy hoạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không trồng ở vùng có nguy cơ xâm nhập mặn, vùng kém hiệu quả.

“Nếu hàng của mình có chất lượng, giá hợp lý, logistic thuận lợi, đảm bảo an toàn theo yêu cầu của nhà nhập khẩu thì mình yên tâm, sầu riêng có thể cạnh tranh với tất cả các nước trong khu vực”, ông Nguyên nói./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • The S-Vista “tạo sóng” cho phân khúc căn hộ tại thị trường phía Đông Thủ đô

    The S-Vista “tạo sóng” cho phân khúc căn hộ tại thị trường phía Đông Thủ đô

    Những sản phẩm số lượng giới hạn luôn có sức hút nhờ tiềm năng tăng giá vượt trội so với mặt bằng chung. Cũng vì lý do đó mà ngay sau khi mở bán, tòa căn hộ cuối cùng The S-Vista thuộc phân khu Sapphire - Vinhomes Ocean Park 1 đã khuynh đảo thị trường phía Đông Hà Nội.

  • Agribank tích cực hỗ trợ vốn phát triển nhà ở xã hội

    Agribank tích cực hỗ trợ vốn phát triển nhà ở xã hội

    Phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân thu nhập thấp là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững. Trong bối cảnh việc triển khai các chương trình nhà ở xã hội trong thời gian qua còn nhiều vướng mắc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) với trách nhiệm của NHTM Nhà nước, Ngân hàng vì cộng đồng đã tích cực đồng hành cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp tín dụng ưu đãi để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2030.

  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

Top