Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 7 tháng 12 năm 2023 | 8:45

OCOP phát huy vai trò “đòn bẩy" trong phát triển kinh tế ở Hà Nam

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã thổi “luồng gió mới”, làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân, giúp họ chuyển dần từ nông nghiệp an sinh sang sản xuất hàng hóa, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Hà Nam.

Đồng thời, Chương trình OCOP còn góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động ở khu vực nông thôn.

Bà Lê Thị Thủy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam cùng lãnh đạo tỉnh thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại Hội chợ triển lãm, trưng bày sản phẩm OCOP tỉnh Hà Nam  2023.

Những tác động tích cực

Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Nam, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Hà Nam đã có 92 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 45 chủ thể: Thị xã Duy Tiên 32 sản phẩm, thành phố Phủ Lý 18 sản phẩm, huyện Lý Nhân 9 sản phẩm, huyện Bình Lục 11 sản phẩm, huyện Thanh Liêm 14 sản phẩm, huyện Kim Bảng 8 sản phẩm.

Các sản phẩm OCOP trên địa bàn được công nhận luôn bảo đảm về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm các điều kiện, quy định về tem, nhãn mác và có mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên sau khi được công nhận đã xây dựng chiến lược marketing, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá nên đã được nhiều người tiêu dùng biết đến, như các sản phẩm: Ruốc cá trắm cỏ, Chả cá rô phi, Cá kho của HTX thủy sản sông trong ao Hải Đăng; các sản phẩm sữa của Công ty cổ phần Sữa và Giống bò sữa Mộc Bắc; Bánh đa nem làng Chều; bún, miến, phở, bánh tráng chùm ngây của Công ty TNHH Morice Noodles Việt Nam…

Phải khẳng định rằng, Chương trình OCOP đã thực sự có những tác động tích cực đến việc phát triển các mô hình sản xuất mới có hiệu quả,  nâng tầm các sản phẩm truyền thống theo hướng chuyên sâu giúp hình thành các vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị, công tác ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật góp phần nâng cao chất lượng, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam -  Nguyễn Đức Vượng và Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam - Cao Xuân Thu Vân đánh giá rất cao chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm Đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH Dược thảo Minh Đức.

Chương trình OCOP bước đầu đã có đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, tạo điều kiện phát triển sản phẩm đặc trưng, truyền thống, khai thác hiệu quả hơn những tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương và đây là cơ hội để nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu thị trường và tái cơ cấu kinh tế theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị; các sản phẩm OCOP có nhiều chuyển biến tích cực rõ nét về chất lượng, bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mã số, mã vạch... Đồng thời, làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự tin, sáng tạo, khởi nghiệp trong các tầng lớp nhân dân; hướng người dân vào kinh tế thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực nông thôn.

Mẫu mã sản phẩm Đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH Dược thảo Minh Đức.

Anh Nguyễn Trọng Bằng ở xã Công Lý (Lý Nhân), chủ nhân công nghệ sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo, là 1 trong 63 nhà nông tiêu biểu, đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021, cho biết: Từ khi sản phẩm Đông trùng hạ thảo của tôi được công nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao và đưa lên sàn thương mại điện tử, được người tiêu dùng đánh giá rất cao cả về chất lượng sản phẩm cũng như mẫu mã sản phẩm.

Theo anh Bằng, từ sự tin yêu của khách hàng, anh sẽ cố gắng nghiên cứu đưa ra những sản phẩm tốt nhất để không phụ sự tin tưởng của khách hàng. Rất mong các cơ quan chức năng, các cấp có thẩm quyền xem xét nâng hạng cho sản phẩm Đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH Dược thảo Minh Đức (thôn Trung Tiến, xã Công Lý) từ 3 sao lên 4 sao.

Ngoài ra, anh Bằng còn chia sẻ, đối với sản phẩm đã được công nhận đạt hạng 3 sao trở lên, mong muốn các cấp các ngành, các địa phương có sự quan tâm hỗ trợ các chủ thể phát triển mở rộng sản xuất, để các chủ thể có điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là khâu bảo quản chế biến, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm để phát triển sản phẩm OCOP của chính mình.

Phát huy vai trò “đòn bẩy”

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hải Đăng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Nam, cho biết: Hiện ngành Nông nghiệp đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp để Chương trình OCOP tiếp tục phát huy vai trò “đòn bẩy” trong phát triển kinh tế địa phương, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động ở khu vực nông thôn; các chủ thể không ngừng hoàn thiện, nâng cấp chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì, kiểm soát mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc... xây dựng thương hiệu, uy tín để nâng cao sức cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trên thị trường và có thể dễ dàng đưa vào hệ thống các siêu thị. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở có sản phẩm được chứng nhận OCOP phát triển cả về sản lượng và doanh thu (sản lượng tăng từ 15 - 20%, doanh thu tăng 10%).

Chum sành của Cơ sở sản xuất gốm Liên Kiểm( Quyết Thành - Kim Bảng) đã được công nhận sản phẩm OCOP vào năm 2022.

Để sản phẩm OCOP phát triển hơn nữa, các cấp, các ngành, các chủ thể cần tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương. Đặc biệt là sản phẩm từ các làng nghề, làng nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn. Đồng thời, cần đẩy mạnh phát triển sản phẩm chế biến, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa. Cùng với đó, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, chú trọng các kỹ năng về tổ chức sản xuất, quản trị, đổi mới sáng tạo về sản phẩm, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm, sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, marketing và phát triển thị trường.

Trang trại nuôi gà bằng phương pháp thảo dược trong hệ thống chuồng kín để lấy trứng của Công ty CP Go Fresh Việt Nam tại xã Thanh Phong, huyện Thanh Liêm.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần đẩy mạnh chuẩn hóa sản phẩm gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương, bao gồm: các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương mình. Đặc biệt là sản phẩm đã có thương hiệu, sản phẩm làng nghề, làng nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn; sản phẩm mới hình thành dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, nền tảng lợi thế của địa phương, chất lượng nổi trội, đặc sắc, trong đó ưu tiên sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống được nghệ nhân, cộng đồng sáng tạo; sản phẩm được chế biến, chế biến sâu từ sản phẩm đặc sản, nguyên liệu và tri thức địa phương; sản phẩm có đóng góp vào bảo tồn văn hóa truyền thống. Nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm: Hỗ trợ các chủ thể đã có sản phẩm được đánh giá, phân hạng, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, tập trung đổi mới và cải tiến công nghệ, quy trình kỹ thuật, mở rộng vùng nguyên liệu của địa phương, quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện bao bì, nhãn mác theo quy định, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Các cấp, ngành, nhất là UBND các huyện, thị xã, thành phố, cần chỉ đạo quyết liệt các xã, phường, thị trấn trong rà soát, đăng ký sản phẩm tiềm năng, có lợi thế, thế mạnh của địa phương, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình phát triển kinh tế địa phương nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn và đây cũng là một chỉ tiêu quan trọng để xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

 

Hà Nam
Ý kiến bạn đọc
Top