Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 24 tháng 5 năm 2023 | 10:41

Phát động cuộc thi sáng tác biểu trưng quận Long Biên

Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập (06/11/2003-06/11/2023), UBND quận Long Biên (Hà Nội) phát động cuộc thi sáng tác biểu trưng quận Long Biên với chủ đề “Long Biên khởi sắc”.

Tham dự Lễ phát động sáng tác biểu trưng “Long Biên khởi sắc” sáng nay (24/5) có sự hiện diện của lãnh đạo Sở VHTT, Sở Du lịch, lãnh đạo quận Long Biên và các nhà sử học, kiến trúc sư, họa sỹ.

 Vùng đất "địa linh nhân kiệt"

Long Biên là quận được thành lập trên cơ sở tách một phần đất tự nhiên và dân số của huyện Gia Lâm, nằm giữa tả ngạn sông Hồng và hữu ngạn sông Đuống. Đó là về mặt địa lý hành chính, còn về mặt lịch sử, văn hoá, địa danh Long Biên khá nổi tiếng, gắn với biết bao nhân vật và sự kiện lịch sử từ thời Hai Bà Trưng. Long Biên là vùng đất "địa linh nhân kiệt".

Quận Long Biên ngày càng phát triển khang trang, hiện đại.

Đây là vùng đất ghi dấu ấn đến Lý Nam Đế, vị anh hùng kháng chiến thắng lợi giặc Lương xâm lược, lập nên nhà nước Vạn Xuân, người được coi là có thiên hướng đầu tiên trong việc định đô ở Thăng Long với việc dựng chùa Khai Quốc. Hiện nay, ngôi đình làng Tình Quang (Giang Biên) còn lưu giữ được những sắc phong, thần phả ghi nhận công tích của Ngài, đặc biệt là những truyền thuyết dân gian còn được lưu truyền ở khu vực này.

Long Biên là nơi lưu dấu tên tuổi của Lý Thường Kiệt, với bài thơ thần "Nam quốc sơn hà, Nam đế cư" - bản tuyên ngôn đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Ông vốn là người ở khu vực phường Cơ Xá, sau chuyển sang bờ bắc sông Hồng (Bắc Biên, Ngọc Thuỵ), nay còn di tích thờ ở đình làng Bắc Biên.

Dinh Bồ Đề là nơi Bình Định Vương Lê Lợi và Nguyễn Trãi chọn làm đại bản doanh chỉ huy bao vây thành Đông Quan vào năm 1426. Tại nơi này, Nguyễn Trãi đã thảo những bức "tâm thư" làm cho giặc Minh phải nao núng xin hàng. Có nhiều truyền thuyết có liên quan đến Lê Lợi, Nguyễn Trãi và các tướng sĩ nhà Lê như truyền thuyết về Đào Duy Trinh chèo thuyến cứu giúp Lê Lợi ở Cự Khối.

Đình làng Lệ Mật thờ Hoàng Quí Công là người có công "chống Tống, bình Chiêm", quan tâm mở mang sản xuất, chăm sóc dân lành, được vua ban lộc, chỉ xin phân binh lập trại, dựng nên khu "Thập tam trại" ở phía Tây thành Thăng Long.

Người dân vùng Thanh Am rất tự hào bởi vùng quê mình là nơi lưu dấu Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà văn hoá lớn của thế kỷ 16. Ông vốn người Vĩnh Bảo (Hải Phòng), năm Ất Mùi (1535) đỗ Trạng nguyên, ra làm quan ít lâu, ông về vùng Thanh Am, lập nên Am Bạch Vân, dựng Quán Trung Tân làm nơi dạy học. Việc thờ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Thanh Am đã nói lên việc tôn trọng văn hoá, danh sĩ, đề cao học vấn của người dân nơi đây.

Ở Ngọc Trì (Thạch Bàn) có ngôi đền thờ Trấn Vũ. Truyền thuyết kể rằng khi vua Lê chinh phạt phương nam, qua đất Cự Linh, nửa đêm được báo mộng, bèn cho xây dựng ngôi quán tại đây. Trấn Vũ ở Thăng Long được thờ với tư cách là một trong Tứ Trấn, nhưng với Ngọc trì thì ông là hiện thân của thần chống lũ lụt, cầu mong mưa thuận, gió hoà, an tâm sản xuất.

Trên địa bàn Long Biên hiện nay còn nhiều di tích thờ các vị anh hìng dân tộc khác như: Linh Lang đại vương dọc theo tả ngạn sông Hồng từ Ngọc Thuỵ về đến Cự Khối; Bố Cái Đại Vương và biết bao danh nhan văn hoá khác: Trần Hưng Đạo, công chúa Ngọc Hân (đền Gênh, đình Tình Quang...).

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trong buổi làm việc tại quận Long Biên

Phát triển nông nghiệp chất lượng cao gắn với dịch vụ - du lịch sinh thái

Ông Đường Hoài Nam, Bí thư Quận uỷ Long Biên cho biết, quận Long Biên được thành lập, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2004. Đến nay dân số trên địa bàn là 347.700 người (tăng 1,6 lần so với thời điểm thành lập)

Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, kinh tế Long Biên duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tốc tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm ở mức cao (15-21%/năm), đảm bảo ổn định, bền vững; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là 86,9 triệu đồng, dự kiến năm 2025 sẽ là 107 triệu đồng.

Cơ cấu ngành kinh tế có sự chuyển dịch đúng định hướng, trong đó, năm 2022, thương mại- dịch vụ tăng nhanh, chiếm 73,4% tỷ trọng; ưu tiên phát triển những ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh như: Trung tâm thương mại lớn, dịch vụ Logistic, dịch vụ giáo dục, y tế chất lượng cao, tài chính ngân hàng, vui chơi giải trí, du lịch, ẩm thực và lưu trú, kinh doanh ô tô. Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 26,5% (mức tăng bình quân hằng năm tăng 21,8%). Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghiệp sản xuất không gây ô nhiễm môi trường. Sản xuất nông nghiệp giảm còn 0,1% trong tổng cơ cấu; phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao gắn với phát triển dịch vụ - du lịch sinh thái...

Đến năm 2022, quận Long Biên đã cơ bản hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung; khớp nối hạ tầng khu vực  với các quận, huyện bạn, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; 100% đường giao thông trên địa bàn được đầu tư, cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường đô thị. Công tác bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân luôn được coi trọng, cải thiện... Giai đoạn 2021-2025, quận quyết liệt triển khai thực hiện về quản lý đất đai; đặc biệt chú trọng tới khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng, sông Đuống. Tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện xử lý, khắc phục vi phạm về đất đai theo kết luận thanh tra…

Trong buổi làm việc của Thường trực Thành ủy Hà Nội với quận Long Biên về kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và những năm tiếp theo, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã khẳng định, thành phố sẽ chọn Long Biên là một trong những nơi ưu tiên làm điểm những vấn đề mới của thành phố trên các lĩnh vực, kể cả giao cho quận làm chủ đầu tư những dự án của thành phố trên địa bàn, qua đây tạo sức bật mới cho quận. Đề nghị quận chú trọng thực hiện nhiệm vụ phân cấp, ủy quyền, nhất là khâu cụ thể hóa; qua đó tham mưu, kiến nghị cụ thể đối với hơn 700 thủ tục hành chính đã phân cấp, ủy quyền và các thủ tục còn lại... 

Phát động cuộc thi Sáng tác biểu trưng quận Long Biên

Chủ tịch UBND quận Long Biên - Nguyễn Mạnh Hà phát biểu tại Lễ phát động sáng tác biểu trưng “Long Biên khởi sắc”.

 

Quảng bá hình ảnh quận Long Biên với sức sống mới, trẻ trung, năng động và tiến bộ

Phát biểu tại Lễ phát động sáng tác biểu trưng “Long Biên khởi sắc”, Chủ tịch UBND quận Long Biên - Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh, cuộc thi sáng tác biểu trưng quận Long Biên là chuỗi hoạt động kỷ niệm chào mừng 20 năm ngày thành lập quận Long Biên. Cuộc thi sáng tác biểu trưng quận Long Biên phục vụ cho mục đích quảng bá hình ảnh quận Long Biên với sức sống mới, trẻ trung, năng động và tiến bộ, đồng thời tìm kiến hình ảnh biểu trưng thể hiện rõ nét về những giá trị lịch sử, văn hóa của quận Long Biên. Góp phần gìn giữ và phát huy những tiềm năng đóng góp vào sự phát triển của quận Long Biên trong thời kỳ mới.

Chủ tịch UBND quận Long Biên mong muốn  nhận được sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà sử học, kiến trúc sư, nhà điêu khắc, họa sỹ, mọi tầng lớp nhân dân yêu thích quận Long Biên tham gia thiết kế biểu trưng quận Long Biên.

Phát động cuộc thi Sáng tác biểu trưng quận Long Biên

Các đại biểu thực hiện nghi lễ phát động cuộc thi.

 

Tác phẩm dự thi phải là mẫu sáng tác mới, không trùng lặp hoặc tương tự gây nhầm lẫn với các logo, biểu tượng, hình ảnh, nhãn hiệu hoặc dấu hiệu đặc trưng của quốc gia, cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc bất cứ quốc gia nào trên thế giới và chưa được công bố, công khai trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang mạng xã hội nào.

Tác phẩm dự thi phải thể hiện được hình ảnh văn hóa và mang nét đặc trưng riêng của quận Long Biên bằng hình ảnh cô đọng.

Tác phẩm dự thi phải đạt được các tiêu chí cụ thể như sau:

  • Cảm hứng chủ đề: Ý tưởng chủ đề và góc độ tiếp cận thể hiện được được từ khoá đắt và trúng. Ý tưởng biểu đạt nét đặc trưng bản sắc văn hóa, lịch sử truyền thống và sự phát triển kinh tế – xã hội của quận Long Biên.
  • Cảm quan thẩm mỹ: Bố cục và kết hợp các thành phần đẹp mắt, hài hoà, đảm bảo các yếu tổ thẩm mỹ, lành mạnh, nghệ thuật thẩm mỹ, đơn giản, dễ nhớ …. Khai thác các giá trị truyền thống kết hợp với hiện đại và mang tính khái quát cao.
  • Tính sáng tạo: Phong cách thể hiện độc đáo, thú vị, ấn tượng tới cảm nhận của người xem, không sao chép dưới mọi hình thức.
  • Tính khả thi trong ứng dụng thực tế: Tính dễ duy trì, dễ vận hành trên môi trường đa phương tiện và đa chất liệu với rủi ro sản xuất thấp, dễ quản lý chất lượng hình ảnh, thân thiện với nhiều đối tượng khán giả.
  • Tiềm năng phát triển: Mạch tư duy rõ ràng, dễ phát triển các nhóm thương hiệu con hoặc các ứng dụng mới trong tương lai.

 

Thời gian Tổ chức cuộc thi:

  • Lễ phát động Cuộc thi : ngày 24/5/2023.
  • Tiếp nhận tác phẩm dự thi: từ 25/5/2023 đến trước 23/6/2023.
  • Chấm vòng sơ khảo: từ 24/6/2023 đến trước 29/6/2023.
  • Triển lãm trưng bày, lấy ý kiến bình chọn: từ 12/8/2023 đến 25/8/2023.
  • Chấm vòng chung khảo và công bố kết quả: từ 25/8/2023 đến 28/8/2023.

 

Cơ cấu giải thưởng:

  • Vòng sơ khảo: 10 tác giả có tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo và thực hiện triển lãm mỗi tác giả: 10.000.000 đ (Mười triệu đồng).
  • Vòng chung khảo:
    01 Giải Chiến thắng, trị giá 150.000.000đ (Một trăm năm mươi triệu đồng)
    + 01 Giải Ấn tượng, trị giá 50.000.000đ (Năm mươi triệu đồng)
    + 01 Giải Ý tưởng, trị giá 25.000.000đ (Hai mươi lăm triệu đồng)
    01 Giải Cống Hiến, trị giá 25.000.000đ (Hai mươi lăm triệu đồng)
  • Tổng giá trị giải thưởng: 350.000.000 đồng (Ba trăm năm mươi triệu đồng)

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top