Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 11 năm 2023 | 9:30

Phát triển du lịch nông thôn ở Quảng Trị: Cần tạo ra thu nhập từ văn hoá bản địa

Phát huy thế mạnh, đáp ứng nhu cầu của du khách, nhiều địa phương đã đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, tuy nhiên, vẫn chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, trong đó có tỉnh Quảng Trị. Tỉnh này đã nhận diện khó khăn, vướng mắc, đề ra giải pháp thúc đẩy du lịch địa phương, đồng thời định hướng và quy hoạch để tránh phát triển quá nóng.

Du lịch nông thôn tạo thu nhập cho người dân

Tại Quảng Trị, trong những năm gần đây, du lịch nông thôn bắt đầu được các địa phương trong tỉnh đầu tư, góp phần thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí NTM, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Du lịch nông thôn có đặc điểm chung là hoạt động du lịch được tổ chức trên địa bàn nông thôn; khai thác các giá trị tài nguyên du lịch đặc thù về văn hóa, lối sống, truyền thống làng quê gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp của cộng đồng ở vùng nông thôn; tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tác động tích cực đến cuộc sống của cộng đồng nông thôn; trực tiếp tạo ra cầu nối hoạt động sản xuất và cung cấp nông sản, sản phẩm thủ công của làng nghề truyền thống.

Mô hình du lịch nông nghiệp tạo thu nhập cho nông dân.

Du lịch nông thôn sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật của cộng đồng vùng nông thôn, các thiết chế văn hóa làng, các cơ sở sản xuất nghề truyền thống, cơ sở hạ tầng như đường, điện, nước, dịch vụ viễn thông... gắn với môi trường tự nhiên, bản sắc văn hóa và các hoạt động sinh hoạt sản xuất nông nghiệp của cộng đồng dân cư.

Huyện Hải Lăng là địa phương có nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú để có thể phát triển nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch, trong đó vùng gò đồi phía Tây có diện tích rừng tự nhiên lớn, vùng đồng bằng có nhiều trằm, các đầm, hồ chứa nước tự nhiên và nhiều vùng quê có phong cảnh đẹp, gắn liền với những lễ hội, làng nghề truyền thống đặc sắc.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Dương Viết Hải cho biết, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2023-2025, trong đó tập trung vào việc nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM; phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng của địa phương; phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng.

Hiện nhiều địa phương ở Quảng Trị bước đầu phát triển mô hình du lịch cộng đồng đã tạo những tín hiệu tích cực và thu nhập khá cho người dân. Trong đó, tại các huyện như Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hướng Hóa..., du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái đã có nhiều tín hiệu khả quan, thu hút khá đông khách tham quan.

Có thể khẳng định, thay đổi căn bản nhất khi các làng, xã trở thành những trung tâm du lịch nông nghiệp, nông thôn chính là thu nhập của người dân tăng lên, có thêm nguồn thu ngân sách, tạo điều kiện để tái đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, làm cho địa phương ngày càng khang trang hơn.

Sản phẩm du lịch du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chủ yếu khai thác các giá trị cảnh quan sinh thái (rừng, sông, suối thác Tà Puồng - xã Hướng Việt, thác Chênh Vênh - xã Hướng Phùng ...), khai thác hoạt động sản xuất nông nghiệp (các trang trại cà phê tại Hướng Hóa, vườn hoa...); hoặc khai thác giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô và cảnh quan thi nhiên như như điểm du lịch cộng đồng thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng.

Vẫn còn khó khăn, vướng mắc  

Mới đây, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị vừa phối hợp với UBND huyện Hướng Hóa, Tổ chức Programma Uitzending Managers (PUM/Hà Lan), Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Trị tổ chức hội thảo "Kinh tế du lịch nông nghiệp Hướng Hóa - Quảng Trị". Hội thảo nhằm tháo gỡ những khó khăn, tìm hướng đi để phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp tại huyện Hướng Hóa,  địa phương miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Trị.

Quảng Trị có điều kiện đa dạng sinh học về sản xuất nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa vùng miền đặc sắc, hệ thống di tích văn hóa, lịch sử cách mạng đồ sộ…, tạo ra tài nguyên vô cùng phong phú cho các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp.

Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn  gặp một số khó khăn, vướng mắc, trong đó vướng mắc trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát triển du lịch cộng đồng; việc phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái còn tự phát, chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa đáp ứng nhu cầu; sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, thiếu sự kết nối, gắn kết giữa doanh nghiệp, hộ gia đình làm du lịch...

Đánh giá tiềm năng của du lịch nông nghiệp, nông thôn, ThS.Nguyễn Thị Phượng (Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam) cho rằng, nhiều địa phương chưa nhìn thấy tiềm năng từ loại hình du lịch này. Không ít mô hình còn mang tính tự phát, sao chép lẫn nhau, nhiều điểm du lịch chưa có sự hợp tác với nhau.

Trong khi đó, GS.TS Phạm Thị Mỹ Dung, Viện trưởng Viện Khoa học Phát triển nông thôn, cho rằng, nhiều điểm du lịch chưa kết nối được sự tham gia của cộng đồng. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý đất đai cho nông nghiệp, nông thôn vẫn còn chưa thỏa đáng.

Từ đó, các chuyên gia đã đề xuất những giải pháp để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trở thành lĩnh vực mũi nhọn để thu hút du khách lưu trú lâu hơn, trải nghiệm nhiều hơn. Ví dụ, cần phải gắn kết du lịch trải nghiệm nông nghiệp với các hoạt động làng nghề; có chính sách nguồn nhân lực nông thôn, tập trung định hướng chuyển đổi nghề cho thế hệ trẻ tại các địa phương cùng tham gia làm kinh tế; kết nối giữa ngành du lịch và giáo dục để đẩy mạnh du lịch trải nghiệm, tạo nguồn khách ổn định cho các điểm du lịch nông nghiệp.

Đẩy mạnh du lịch nông nghiệp để phát triển kinh tế

Thời gian qua, một số doanh nghiệp và hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã triển khai các mô hình du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp phục vụ khách du lịch. Nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng của địa phương đã từng bước được khai thác, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch theo các mục tiêu khác nhau.

Sản phẩm du lịch du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp hiện chủ yếu khai thác các giá trị cảnh quan sinh thái (rừng, sông, suối thác Tà Puồng - xã Hướng Việt, thác Chênh Vênh - xã Hướng Phùng ...), khai thác hoạt động sản xuất nông nghiệp (các trang trại cà phê tại Hướng Hóa, vườn hoa...); hoặc khai thác giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô và cảnh quan thi nhiên như như điểm du lịch cộng đồng thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng.

Một số hình thức du lịch cộng đồng như homestay, farmstay, bungalow, camping, glamping... cũng phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Các mô hình này bước đầu đã thu hút khá đông du khách trong và ngoài tỉnh  đến tham quan, trải nghiệm.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thanh Tùng, Viện phó Viện Kinh tế và Du lịch Nông nghiệp, cho biết: Khu vực Khe Sanh, Hướng Phùng là những nơi phù hợp để đón khách du lịch trải nghiệm các hoạt động nghỉ dưỡng, nông nghiệp… Nhờ khí hậu mát mẻ, không bị ảnh hưởng của gió Lào cùng thế mạnh còn nhiều rừng nguyên sinh, đất đai canh tác nông nghiệp nên tại đây, cảnh quan thiên nhiên xanh mát, dễ dàng thu hút khách đến nghỉ dưỡng trải nghiệm nông nghiệp.

Ông Tùng nhận định, ngoài những đặc điểm về khí hậu, thổ nhưỡng hay lịch sử, văn hoá, cà phê Liberia là một đặc sản nổi tiếng ở vùng này. Nhiều khách du lịch cho rằng vị cà phê này ngon hơn tất cả những gì họ đã từng thử trước đó. Đây cũng là điểm có thể thúc đẩy du lịch nông nghiệp địa phương này trong thời gian tới.

"Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng so với tiềm năng và thế mạnh, du lịch của Quảng Trị nói chung và Hướng Hóa nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều dư địa phát triển chưa được khai thác hiệu quả. Chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp nhìn chung chưa đáp ứng được hết các nhu cầu của du khách; sản phẩm du lịch còn chưa thực sự đa dạng hoặc chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Nhiều căn cứ pháp lý của nhà nước cho việc hình thành, phát triển mô hình du lịch nông nghiệp còn chưa theo kịp được xu hướng phát triển thực tế hiện nay tại địa phương và cần được quan tâm, ban hành sớm" -ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị nhận định.

Đề xuất một vài giải pháp thúc đẩy du lịch địa phương, ông Tùng cho rằng, cần tạo ra thu nhập từ văn hoá bản địa; có những định hướng và quy hoạch đủ xa để tránh phát triển quá nhanh, tạo sức ép lên cơ sở hạ tầng; Tăng mật độ cây xanh và giao thông, quy hoạch mật độ sử dụng đất phù hợp,...

Không thể phủ nhận được hiệu quả từ du lịch nông thôn mang lại cho chính những người nông dân, những cũng phải thừa nhận những vướng mắc khó khăn trong lĩnh vực này. Quốc hội đang xem xét dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có việc cho phép người không làm nông nghiệp được chuyển nhượng đất trồng lúa, để mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất trong lĩnh vực nói chung, du lịch nông nghiệp nói riêng phát triển.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top