Nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng giá lương thực leo thang, đẩy áp lực lạm phát tăng theo. “Cơn khát” lương thực dường như chưa có dấu diệu dừng lại.
Nhiều nước phải tung ra các giải pháp nhằm ổn định thị trường gạo như thắt chặt xuất khẩu, tăng nhập khẩu để tăng dự trữ…
Đối mặt nhiều thách thức
Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), Đại hội Lúa gạo quốc tế lần thứ 6 – IRC 2023 là sự kiện lúa gạo lớn nhất thế giới, do IRRI và Bộ Nông nghiệp Philippines đồng tổ chức. Đây là diễn đàn toàn cầu cho các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo cùng gặp gỡ, thảo luận về những thách thức, cơ hội của ngành lúa gạo nhằm đảm bảo hệ thống lương thực toàn cầu.
Giám đốc Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) Bas Bouman cho biết, nông nghiệp toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức khi vừa phải đảm bảo nhu cầu lương thực, dinh dưỡng vừa chịu áp lực gia tăng dân số, mất tài nguyên, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.
Trong đó, ứng phó và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu được coi là thách thức lớn nhất đối với ngành lúa gạo. Hiện nay, thiên tai, hạn hán làm giảm đáng kể lượng gạo dự trữ, khiến nhiều quốc gia phải công bố hạn chế hoặc ngừng xuất khẩu gạo. Điều này khiến giá gạo tăng vọt, ảnh hưởng tiêu cực tới hàng triệu người, gây mất an ninh lương thực của các quốc gia vốn phụ thuộc vào gạo nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Chuyển đổi hệ thống lúa gạo theo hướng đa dạng, bền vững, thân thiện môi trường
Với xu hướng người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến dinh dưỡng, chất lượng thực phẩm, nhiệm vụ của IRC là khẩn trương chuyển đổi hệ thống lúa gạo theo hướng đa dạng, bền vững, thân thiện môi trường.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng thành viên IRRI gửi thông điệp tới Đại hội: “Lúa gạo là nguồn lương thực chính của hơn nửa dân số thế giới, đảm bảo nguồn cung, phân phối gạo bền vững, giá cả phải chăng là yếu tố then chốt để duy trì ổn định chính trị - xã hội ở nhiều quốc gia.
Đồng thời, cải thiện ngành lúa gạo là giải pháp tối ưu để tăng thu nhập, sinh kế của hàng trăm triệu nông dân trồng lúa quy mô nhỏ. Chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức lớn khi biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực tới hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu. Một tương lai không có nạn đói đòi hỏi nỗ lực tập thể, cần tất cả các quốc gia cùng hợp tác”
Đại diện FAO, bà Shirley nhấn mạnh tầm quan trọng của trao đổi chính sách đa quốc gia, đặc biệt khi hội đàm diễn ra vào Ngày Lương thực Thế giới. Trong thời điểm giá gạo xuất khẩu thất thường, không đồng đều trên thị trường quốc tế, bà cho rằng, các nhà quản lý cần đối thoại cởi mở về định hướng toàn ngành.
Đại diện Tanzania cho biết, quốc gia này hiện đứng thứ hai sau Madagascar về sản xuất lúa gạo ở Nam Phi. Nhằm mở rộng diện tích đất trồng lúa, Tanzania đang triển khai chiến lược phát triển lúa gạo quốc gia, tập trung định hướng thị trường và đa dạng hóa giống cây trồng.
Bên cạnh mở rộng xuất khẩu gạo, ngành nông nghiệp nước này đang xây dựng hệ thống thủy lợi. Như các quốc gia châu Phi khác, Tanzania vốn phụ thuộc vào nước trời. Nhận thấy hiệu quả của thủy lợi trong phục vụ sản xuất nông nghiệp, Tanzania đang tích cực khuyến khích nông dân áp dụng kỹ thuật tưới tiêu.
Đối với Campuchia, để hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước xuất khẩu gạo lớn, quốc gia này hướng tới mạng lưới HTX - nhà máy xay xát - doanh nghiệp xuất khẩu bền vững. Ngoài ra, tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; sàng lọc, khai thác giống lúa mới, tập trung vào các giống ngắn ngày, chất lượng, có mùi thơm thay cho các giống truyền thống.
Việt Nam có thể đảm bảo an ninh lương thực trong bất kỳ hoàn cảnh nào
Từng phải nhập khẩu 2 triệu tấn lương thực, nay Việt Nam không chỉ đảm bảo tiêu dùng trong nước mà đã xuất khẩu hàng chục triệu tấn lương thực thực phẩm. Việt Nam có thể đảm bảo an ninh lương thực trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định.
Việt Nam sẽ cung ứng cho thị trường thế giới trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm nay. Ảnh: Vũ Sinh
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, với việc đảm bảo sản lượng 43 triệu tấn lúa, Việt Nam sẽ cung ứng cho thị trường thế giới trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm nay, góp phần chung tay đảm bảo an ninh lương thực trên thế giới.
Trước tình hình giá gạo trên thị trường thế giới tăng, với lợi thế tự nhiên của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, ngành nông nghiệp định hướng nhiều địa phương gia tăng diện tích sản xuất vụ thu đông.
Điều này vừa góp phần tăng cung ứng nguồn lương thực cho khu vực và thế giới, đồng thời mang lại thu nhập cho nông dân. Đến nay, nhiều diện tích lúa thu đông đã cho thu hoạch và đem lại lợi nhuận tốt cho nông dân.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), ở vùng ĐBSCL hiện có xấp xỉ 100 giống lúa khác nhau, với khoảng 10 giống chủ lực chiếm diện tích lớn. “Nhờ có nhiều giống lúa khác nhau, Việt Nam có ít rủi ro trong sản xuất lúa, thích ứng được nhiều vùng sinh thái”, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng đánh giá.
Ngành nông nghiệp châu Phi mong muốn hợp tác với Việt Nam
Một trong những chủ đề được thảo luận sôi nổi tại IRC 2023 là phương thức, hỗ trợ nhằm thúc đẩy sản xuất lúa gạo ở châu Phi, nơi chiếm 60% diện tích canh tác đất nông nghiệp của thế giới nhưng chưa được khai thác hiệu quả.
Với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, nhiều quốc gia ngừng xuất khẩu gạo, diện tích đất trồng trọt hiện có ở châu Phi chính là tài nguyên quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực.
Đối với ngành lúa gạo châu Phi, sự chuyển đổi của Việt Nam từ quốc gia nhập khẩu gạo thành tự chủ, xuất khẩu gạo chủ lực của thế giới là điều đáng ngưỡng mộ. Nhiều quốc gia châu Phi bày tỏ quan tâm là tìm hiểu con đường, quá trình chuyển đổi, rút kinh nghiệm và cải thiện những điều Việt Nam còn thiếu.
Các chuyên gia lúa gạo châu Phi nhận định, thay đổi chính sách góp phần quyết định bước tăng trưởng “ngoạn mục” của ngành lúa gạo Việt Nam. Bộ máy quản lý hỗ trợ nông dân ở mức cao nhất, từ gieo trồng, canh tác, sản xuất đến tiếp thị… đã góp phần nâng cao toàn chuỗi giá trị, tạo thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
IRC 2023 chính là sự kiện kết nối những quốc gia cần trợ giúp với những quốc gia có khả năng hỗ trợ. Tiến sĩ Abdelbagi Ismail, Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế - khu vực châu Phi (IRRI-Africa) nhấn mạnh tầm quan trọng về trao đổi, tư vấn chính sách, ông bày tỏ mong muốn Việt Nam hỗ trợ đào tạo nhân lực nông nghiệp cho châu Phi, qua đó phát triển đội ngũ tiến sĩ, thạc sĩ, khuyến nông, kỹ thuật viên dày dặn, nhiều kinh nghiệm.
Ngoài ra, các DN Việt Nam có cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh ở châu Phi trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, nhập khẩu máy móc, thiết bị kỹ thuật, nguyên liệu thô và cây trồng vào lục địa này. Khi cơ chế thị trường được thiết lập, các nước châu Phi có khả năng xuất khẩu các mặt hàng nông sản chất lượng cao, tiếp cận thị trường Việt Nam.
Với vai trò trụ cột, Việt Nam sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm, nhân lực, xây dựng các ý tưởng nghiên cứu nhằm phát triển ngành lúa gạo tại châu Phi.
Ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp, bày tỏ: “Tiềm năng hợp tác nông nghiệp giữa châu Phi và châu Á, đặc biệt giữa châu Phi và Việt Nam về khuyến nông, nghiên cứu khoa học, đầu tư thủy lợi, canh tác bền vững… đều khả thi. Hằng năm, thông qua hoạt động của Viện, nhiều chuyên gia nước ta đã sang tham gia nghiên cứu, hỗ trợ đào tạo ở châu Phi”.
Tiến sĩ Nese Sreenivasulu, Trưởng bộ phận Người tiêu dùng của IRRI cho biết, phát hiện mới nhất của IRRI mở ra cơ hội phát triển các giống lúa có chỉ số đường huyết cực thấp, đáp ứng nhu cầu sức khỏe và sở thích ăn uống của người tiêu dùng. Lô mẫu gạo đầu tiên có chỉ số đường huyết cực thấp, được phát triển từ giống Samba Mahsuri x IR36ae, đã chính thức được trình lên Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại lễ khai mạc Đại hội Lúa gạo Quốc tế lần thứ 6 - IRC 2023. Bộ Nông nghiệp Philippines đang tiếp tục nghiên cứu nhằm nhân rộng, hiện thực hóa bước đột phá khoa học này. Trong tương lai gần, Bộ mong muốn có thể sản xuất các giống lúa Philippines có chỉ số đường huyết thấp với kỳ vọng được thị trường ưa chuộng. |
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.