Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024 | 20:44

Phú Yên: Không để thiếu nước sinh hoạt, tưới tiêu trong mùa hạn

“Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm kê, đánh giá nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi do địa phương quản lý; triển khai lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến để bơm tưới chống hạn. Trường hợp cấp thiết có phương án vận chuyển nước sinh hoạt cho các khu dân cư tại các khu vực không đảm bảo nguồn nước...”.

Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu như vậy tại cuộc họp đánh giá tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và bàn giải pháp khắc phục trong thời gian tới vào chiều 26/4. 


Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên phát biểu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, hiện trên địa bàn tỉnh có 48 hồ chứa với tổng dung tích 117,7 triệu m3, 118 đập dâng và 157 trạm bơm. Hiện nay, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đảm bảo nước tưới cho khoảng 28.192 ha cây trồng, đạt 55% so với thiết kế… 

Tuy nhiên, trong điều kiện nắng nóng liên tục kéo dài và nguồn nước ngầm suy giảm nên nhu cầu nước để bổ sung cho sản xuất, sinh hoạt và cây trồng cạn đang ngày càng tăng cao; nguy cơ cao nguồn nước từ giếng đào, giếng khoan của người dân cũng cạn dần dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Đến thời điểm hiện tại, tổng dung tích các hồ chứa thủy lợi còn 77 triệu m3, đạt 72% dung tích thiết kế, thấp hơn 15% so với năm 2022. 

Dự báo trong thời gian tới, có 5/19 công trình bị ảnh hưởng bởi hạn hán không đảm bảo nguồn nước trong vụ hè thu, tổng diện tích không đảm bảo nguồn nước là 1.562 ha. Khoảng 6.456 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Tại các đại phương, 212 vùng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, diện tích khoảng 109.401 ha.  

Một số vị trí Sông Ba đoạn qua huyện Phú Hòa dòng nước bị khô.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích nguyên nhân và đề xuất các giải pháp thực hiện tốt hơn công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập ngập mặn và phòng cháy chữa cháy rừng.  

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ đánh giá cao các địa phương, đơn vị đã nhận định được hình hạn hán, xâm nhập mặn và đề xuất những giải pháp khắc phục. Thời gian tới, Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường tuyên truyền phòng cháy chữa cháy; tổ chức thực hiện tốt các công điện chỉ thị của UBND tỉnh về công tác phòng cháy chữa cháy trên tinh thần chủ động theo phương châm 4 tại chỗ. Đồng thời, tổ chức kiểm kê, đánh giá nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi do địa phương quản lý; đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; triển khai lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến để bơm tưới chống hạn. Trường hợp cấp thiết có phương án vận chuyển nước sinh hoạt cho các khu dân cư tại các khu vực không đảm bảo nguồn nước. 

Đặc biệt, các địa phương cần chủ động thực hiện giải pháp cung cấp nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân, nhất là đối với vùng núi, vùng ven biển thường xảy ra thiếu nước sinh hoạt.


Dương Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top