Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 7 năm 2023 | 8:54

Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm tại TP. Hà Giang: Bài toán không dễ giải

Trên địa bàn thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang) vẫn còn nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường và khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, cả nước hiện có hơn 22 nghìn cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ; tại các cơ sở này, tỷ lệ kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm ở mức thấp, hoặc không kiểm soát được (không có đăng ký kinh doanh), không truy xuất được nguồn gốc đối với sản phẩm chăn nuôi.

Ở thành phố Hà Giang, theo tổng hợp của Trạm chăn nuôi thú y, trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng số lợn giết mổ tại 3 cơ sở giết mổ tập trung đã được cấp phép là 4.192 con. Trung bình mỗi ngày toàn thành phố có 28 con lợn bày bán ngoài thị trường được kiểm dịch. Trong khi đó, lượng thịt lợn tiêu thụ trung bình toàn thành phố là từ 60 đến 80 con/ngày. Như vậy, 40 - 60% lượng thịt lợn tiêu thụ trên thị trường thành phố Hà Giang hiện nay là chưa qua kiểm dịch.

Do đặc thù hay hoạt động lúc nửa đêm và kết thúc vào sáng sớm nên lực lượng chức năng khó tiếp cận. Ngoài ra, tại các chợ "cóc", chợ tạm mọc tràn lan trong thành phố còn nhiều điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, mất vệ sinh. Mỗi điểm có một nồi nước sôi dùng chung cả ngày cho hàng trăm con gà, vịt, ngan và một vài chiếc chậu cáu bẩn để làm lông. Xung quanh khu vực nhốt gia cầm, phân và nước thải lênh láng, bốc mùi hôi thối.

Như điểm giết mổ tại lò tập trung của Công ty TNHH AH Hà Giang, mặc dù đã được đầu tư 2 dãy nhà với quy mô giết mổ 200 con mỗi ngày, tuy nhiên,  người quản lý tại đây cho biết, mỗi ngày chỉ có từ 15 đến 22 lợn được giết mổ tại đây. Chính vì vậy, một trong 2 dãy nhà của lò giết mổ không sử dụng đến.

Cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại TP Hà Giang

Thông tin báo chí, lãnh đạo phường Trần Phú (thành phố Hà Giang) cho biết, trên địa bàn phường hiện còn 3 hộ giết mổ gia súc tại nhà. Mặc dù chính quyền cơ sở đã nhiều lần tuyên truyền, xử phạt hành chính, song các cơ sở này vẫn ngang nhiên tồn tại nhiều năm. Trong khi đó, mức xử phạt vi phạm hành chính và việc đánh giá tác động ô nhiễm môi trường đều vượt quá thẩm quyền của phường.

Thông tin thêm về vấn đề này, đại diện một doanh nghiệp trên địa bàn đang hoạt động trong lĩnh vực này cho biết: “Đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát cần nguồn vốn lớn, nhưng đầu ra cho thực phẩm an toàn vẫn khó khăn, do vậy, các doanh nghiệp chưa mặn mà. Doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng ở mức không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ vì chi phí đầu vào quá cao do công suất giết mổ giảm nhưng công ty vẫn phải gánh chi phí vận hành dây chuyền giết mổ và công lao động tăng”.

Dư luận xã hội đặt câu hỏi: Vì sao nhiều năm qua các điểm giết mổ nhỏ lẻ vẫn tồn tại, trong khi người dân ở một xã, một huyện của một tỉnh nào đó, ai cũng biết ông nào là chủ lò mổ lợn, bà nào chủ lò mổ trâu, bò "chui"? Phải chăng do chính quyền ở các địa phương còn lơ là trong việc xử lý nghiêm các điểm giết mổ tự phát; chưa thật sự quan tâm và đẩy mạnh công tác quản lý giết mổ trên địa bàn?

Mặt khác, các hộ giết mổ chưa nhận thức đúng, chạy theo lợi ích trước mắt, chưa ủng hộ việc đưa động vật vào giết mổ tập trung. Tiến độ xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung ở nhiều nơi còn chậm, chưa có thêm cơ chế sát thực tế về quỹ đất, nguồn vốn đầu tư để thu hút doanh nghiệp tham gia. Lò mổ "lậu" hút khách do chi phí rẻ, kiểm dịch còn lỏng lẻo, không khắt khe như cơ sở giết mổ công nghiệp…, cũng được xem là nguyên do để các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ có "đất sống".

Lò giết mổ gia súc tập trung chưa thể vận hành dây chuyền bán tự động do số lợn đưa vào đây rất thấp (Ảnh minh hoạ)

Theo quy định Luật Thú y hiện hành, các cơ sở giết mổ gia súc phải được cấp phép, cách xa khu dân cư từ 500m trở lên. Các cơ sở, hộ gia đình giết mổ gia súc khi chưa được cấp phép sẽ bị xử phạt từ 6 đến 8 triệu đồng.

Phải nhấn mạnh rằng, tình trạng giết mổ gia súc không phép tại nhà trên địa bàn thành phố Hà Giang đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân trên địa bàn, mặc dù vấn đề này đã diễn ra từ nhiều năm nay. Thực trạng này cũng đã được phản ánh tới các cấp chính quyền, các buổi tiếp xúc cử tri; thậm chí là bà con có cả cả đơn thư phản ánh lên phường, lên thành phố, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Mặt khác, nhìn ở góc độ quản lý, khi mà cơ quan chuyên môn thiếu người, thiếu phương tiện, còn chính quyền phường có người, có phương tiện lại vượt quá thẩm quyền đã khiến cho các cơ sở giết mổ gia súc không phép ngang nhiên hoạt động. Những điều này gây bức xúc trong dư luận, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, tạo sự bất bình đẳng trong kinh doanh. Do đó, để giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống mới, bên cạnh việc chấp hành quy định pháp luật của các hộ gia đình kinh doanh giết mổ gia súc, thì rất cần có sự quyết liệt, thường xuyên của chính quyền cơ sở.

Có thể nói, hoạt động giết mổ còn diễn ra tự phát, cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ nhiều, không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm do nhiều địa phương chưa xử lý kiên quyết, dứt điểm tình trạng giết mổ “lậu”, không phép. Công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các địa phương đã sáp nhập Trạm quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp không chặt chẽ.

Theo các chuyên gia, để khẩn trương khắc phục bất cập nêu trên, các tỉnh, thành phố cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, ban hành ngày 14/1/2023. Tiếp tục rà soát, phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung, trong đó mỗi huyện phải có ít nhất 1 cơ sở giết mổ này.

Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, để tiến tới chấm dứt các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, các địa phương phải vào cuộc tích cực hơn nữa, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm; đồng thời có chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Bộ sẽ xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với loại hình cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương.

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top