Quảng Ngãi sẽ tăng cường quảng bá sâu rộng địa danh lịch sử, văn hóa, con người cũng như tiềm năng du lịch của địa phương, nhằm đưa hình ảnh Quảng Ngãi đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước, thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Ngày 05/3, tại Khu du lịch sinh thái Hi’land Suối Chí (xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch; du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới năm 2024.
Quang cảnh Hội nghị.
Theo lãnh đạo Sở VHTTDL, mục đích của Hội nghị nhằm triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 22/01/2024 của UBND tỉnh; xây dựng, quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; Chương trình công tác năm 2024 của Sở VHTTDL nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành và đánh giá hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch. Phân tích những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế; khó khăn, vướng mắc; nguyên nhân chủ quan, khách quan; xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 và đề ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra.
Năm 2023, Sở VHTTDL đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Hiện đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 và phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan để hoàn thiện hồ sơ đề xuất dự án Khu du lịch sinh thái Thạch Bích trình UBND tỉnh.
Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn
Trong những năm qua, có thể thấy, du lịch Quảng Ngãi thiên về phát triển loại hình du lịch biển đảo, song du lịch vẫn chịu ảnh hưởng bởi tính mùa vụ, nhiều bãi biển quá tải vào mùa hè dẫn đến hệ lụy về môi trường nhưng vắng khách vào mùa đông; mặt khác, sản phẩm du lịch biển đảo thường gắn lvới nghĩ dưỡng cao cấp, khả năng cạnh tranh về loại hình này của tỉnh không thể sánh bằng các tỉnh, thành lân cận như Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định. Do đó, cần xác định lại sản phẩm du lịch đặc trưng có khả năng khai thác hiệu quả là sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn.
Khu du lịch sinh thái Hi’land Suối Chí đón nhiều du khách tham quan, trải nghiệm
Nhiều hoạt động đã được tổ chức nhằm khai thác tối đa sản phẩm du lịch này. Cụ thể, tổ chức đoàn khảo sát (Famtrip), tọa đàm “Du lịch cộng đồng, OCOP - Kết nối thiên nhiên, văn hóa Quảng Ngãi” và ra mắt website Du lịch nông thôn Quảng Ngãi (https://nongthon.dulichquangngai.vn); xây dựng 02 mô hình du lịch cộng đồng yêu chuộng hòa bình Sơn Mỹ và du lịch cộng đồng gắn với không gian Văn hóa Sa Huỳnh quanh đầm An Khê.
Bên cạnh đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, hướng dẫn kĩ năng nghề du lịch cần thiết cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình để phục vụ khách nhằm chuyển dịch từ lao động nông nghiệp sang dịch vụ như: nấu ăn, giao tiếp, hướng dẫn viên tại điểm.
Còn không ít hạn chế, khó khăn
Sau đại dịch Covid -19, du lịch Quảng Ngãi đã dần hồi phục và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy vậy, du lịch Quảng Ngãi vẫn chưa có sự đột phá mới về sản phẩm du lịch cũng như cải thiện chất dịch vụ, khả năng thu hút khách du lịch của tỉnh vẫn còn hạn chế so với các tỉnh lân cận.
Những nguyên nhân dẫn đến du lịch của tỉnh chậm phát triển được các đại biểu tham dự hội nghị chỉ ra, như: Việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch của tỉnh vẫn còn hạn chế, chưa triển khai các dự án du lịch động lực góp phần thúc đẩy du lịch phát triển và thu hút các dự án khác. Hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất du lịch như khách sạn, nhà hàng vẫn còn hạn chế tại một số điểm đến, làm giảm trải nghiệm du lịch của khách hàng. Sản phẩm du lịch chưa đa dạng, thiếu điểm đến, trải nghiệm mới lạ, không thu hút đa dạng đối tượng du khách.
Thời gian qua, du lịch Quảng Ngãi chú trọng 03 dòng sản phẩm chủ đạo, gồm: du lịch biển đảo, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ du lịch còn chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chưa có sản phẩm đặc trưng, các sản phẩm thế mạnh vẫn ở dạng tiềm năng, chưa phát huy hết nguồn lực vốn có. Đây là nguyên nhân chủ quan, chính yếu dẫn đến du lịch của tỉnh chậm phát triển.
Cần cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch
Sở VHTTDL đã thành lập Tổ công tác phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, đồng thời ban hành Quy chế hoạt động, Chương trình công tác trong năm 2024 của Tổ công tác phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh, nhằm tập trung khai thác phát huy thế mạnh của loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn và kịp thời hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Bên cạnh đó, bám sát Nghị quyết số 34/2023/NQ-HDND ngày 08/12/2023 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định một số nội dung, mức chi, mức hỗ trợ kinh phí sự nghiệp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Nghị quyết số 26/2022/NQ-HĐND ngày 11/11/2022 của HĐND tỉnh, theo đó hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền; hỗ trợ xây dựng và triển khai mô hình thí điểm phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.
Theo đại diện của Chi nhánh Cocotravel Quảng Ngãi, để du lịch cộng đồng và du lịch nông thôn phát triển một cách bền vững và mang lại lợi ích thật sự cho người dân như tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, bảo tồn văn hóa và thiên nhiên thì hãy giữ lại nét mộc mạc nhất có thể của thôn làng, cái riêng cái độc đáo của nông thôn của điểm đến và xác định cho được cái mà mình có duy nhất, nơi khác không có. Khi xây dựng cải tạo hạ tầng, hạn chế bê tông và sắt thép, mà tìm giải pháp phù hợp gắn với bản sắc của thôn làng. Không cần đầu tư quá nhiều tiền để mở rộng đường, cầu mà chú ý phát triển hạ tầng mềm tạo sự thoải mái và tiện nghi cho du khách như chỗ nghỉ chân, nơi ngắm cảnh, nhà vệ sinh công cộng, điểm check-in lưu lại kỷ niệm với điểm đến, ví dụ cánh đồng lúa, ruộng muối sa huỳnh, phủ sóng wifi...
Nhiều sự kiện nổi bậc trong năm 2024
Theo lãnh đạo Sở VHTTDL Quảng Ngãi, nhằm quảng bá, giới thiệu, kết nối sản phẩm OCOP, sản phẩm du lịch, điểm du lịch, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn của các huyện, thị xã, thành phố, qua đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 20/02/2023 của UBND tỉnh về triển khai chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh; đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và gắn bó các chủ thể OCOP, các điểm du lịch, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh, góp phần đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, Quảng Ngãi sẽ tổ chức Liên hoan “Sản phẩm, ẩm thực OCOP và không gian trưng bày du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng năm 2024”, từ ngày 19-21/4.
Liên hoan “Sản phẩm, ẩm thực OCOP và không gian trưng bày du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng năm 2024” sẽ diễn ra từ ngày 19-21/4/2024
Năm 2024, Sở VH-TT&DL cũng sẽ tổ chức nhiều sự kiện VH-TT&DL đặc sắc, đây là cơ hội để phát triển du lịch Quảng Ngãi. Khởi đầu năm 2024, Sở đã tổ chức Lễ chào cờ đón năm mới, lan tỏa hình ảnh du lịch Quảng Ngãi tại Trạm đèn biển Ba Làng An (Bình Sơn).
Trong tháng 4 - 5/2024, tổ chức Tuần lễ VH-TT&DL; Hội thảo phát triển du lịch các vịnh, đảo đẹp nhất châu Á tại huyện Lý Sơn; Giải đua thuyền buồm quốc tế và ván chèo đứng tại biển Mỹ Khê (TP.Quảng Ngãi); Giải vô địch dù lượn quốc tế và Lễ hội khinh khí cầu “Bay lên Lý Sơn” tại Lý Sơn...
Nổi bật trong chuỗi sự kiện năm 2024 là Quảng Ngãi đăng cai tổ chức đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Du lịch bản sắc Việt Nam vào ngày 25/4.
Đây là cơ hội để Quảng Ngãi quảng bá sâu rộng địa danh lịch sử, văn hóa, con người cũng như tiềm năng du lịch của địa phương, nhằm đưa hình ảnh Quảng Ngãi đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước, để thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, Sở VHTTDL đã bàn giao 02 mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn (An Khê, Sơn Mỹ) và Ký kết kế hoạch phối hợp triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch trong năm 2024 giữa Sở VHTTDL và một số địa phương.