Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 4 tháng 10 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 18 tháng 8 năm 2024 | 11:35

Quảng Ngãi đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia Đền thờ Trương Định

Sáng 18/8, tại đền thờ Trương Định ở xã Tịnh Khê (TP. Quảng Ngãi), tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ tưởng niệm 160 năm ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (20/8/1864 - 20/8/2024) và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia Đền thờ Trương Định. Đây là dịp để cán bộ và Nhân dân trong tỉnh bày tỏlòng tri ân đối với Anh hùng dân tộc Trương Định.

 Di tích quốc gia Đền thờ Trương Định ở xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi

Di tích quốc gia Đền thờ Trương Định ở xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi.

Tại buổi lễ, các đại biểu, bà con tộc họ, Nhân dân địa phương đã dành phút mặc niệm, cùng nhau ôn lại truyền thống yêu nước, những chiến công hiển hách của người anh hùng dân tộc. Đồng thời, trang trọng tổ chức các nghi thức lễ giỗ, lễ dâng hương, hoa để tưởng nhớ anh linh của vị anh hùng dân tộc và tham quan đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định.

 Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi dâng hương, hoa để tưởng nhớ anh linh của vị anh hùng dân tộc Trương Định.

 Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi dâng hương, hoa để tưởng nhớ anh linh của vị anh hùng dân tộc Trương Định.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi dâng hương, hoa để tưởng nhớ anh linh của vị anh hùng dân tộc Trương Định.

Diễn văn của lãnh đạo tỉnh về cuộc đời, sự nghiệp Anh hùng dân tộc Trương Định, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn cho biết: Năm 1844, lúc 24 tuổi, Trương Định theo cha vào Nam, đến xứ Gò Công lập nghiệp. Năm 1854, hưởng ứng chính sách khẩn hoang của triều đình nhà Nguyễn, ông đứng ra chiêu mộ dân nghèo, lập đồn điền khai hoang lập ấp ở Gia Thuận (thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang ngày nay) sau đó được triều đình nhà Nguyễn phong chức Phó Quản cơ, rồi Quản cơ kiêm Chánh tổng huyện. Nhân dân địa phương trong vùng gọi ông là Quản Định.

Năm 1859, khi quân Pháp mở rộng xâm lược miền Nam, Trương Định mộ quân, lập căn cứ quân sự tại vùng đất Gò Công dựng cờ khởi nghĩa và giành được nhiều trận thắng quan trọng, khiến quân thù khiếp sợ. Đêm ngày 03 rạng sáng ngày 04/7/1860, nghĩa binh của Trương Định cùng lãnh binh Nguyễn Văn Sất đem 2.000 nghĩa binh đánh đồn Kiểng Phước. Nhờ tài đức, dũng cảm, gan dạ, tiên phong trong các trận đánh và lập nhiều chiến công, triều đình nhà Nguyễn đã phong cho ông giữ chức Phó Lãnh binh Gia Định.

Bằng tài thao lược, uy tín, sự tín nhiệm của nghĩa binh và Nhân dân, cùng ý chí quyết tâm chống giặc, giữ đất, giữ làng, Trương Định đã xây dựng Gò Công thành trung tâm kháng chiến mạnh nhất, thúc đẩy các phong trào yêu nước trong khu vực và Nam bộ phát triển mạnh mẽ. Giữa lúc phong trào kháng chiến của Nhân dân dâng cao, ngày 05/6/1862, triều đình Huế và Pháp ký Hiệp ước Nhâm Tuất, nhượng cho Pháp 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ và hạ lệnh ông bãi binh, phong chức Lãnh binh An Hà (An Giang), rồi điều ông ra Phú Yên. Đứng trước giữa lợi ích cá nhân và niềm tin của Nhân dân, Trương Định quyết ở lại, kề vai sát cánh cùng nghĩa quân chiến đấu chống giặc. Tháng 02/1863, nghĩa binh đắp đàn làm lễ bái tướng, suy tôn ông lên làm “Bình Tây Đại nguyên soái”, tự xưng danh “Trung Thiên tướng quân”.

Ngọn cờ Bình Tây Đại nguyên soái với khẩu hiệu của phong trào “Phan – Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” tung bay khắp nơi, nhân dân tin tưởng đi theo, số lượng nghĩa quân tăng nhanh, phong trào đấu tranh chống Pháp ngày càng lớn mạnh.

Đêm ngày 19 tháng 8 năm Giáp Tý 1864, nghĩa quân Trương Định bị đánh úp bất ngờ. Trong cuộc chiến đấu không cân sức, Trương Định bị trọng thương. Quyết không để rơi vào tay giặc, ông đã rút gươm tuẫn tiết vào rạng sáng ngày 20/8/1864. Tuy chủ tướng bị hy sinh, nhưng cảm kích trước tấm lòng xả thân, sự hy sinh anh dũng của võ tướng ái quốc thương dân, phong trào đấu tranh của Nhân dân Nam Kỳ bùng phát ngày càng mạnh mẽ. Con trai Trương Định là Trương Quyền tiếp nối chí cha, quyết tâm chống giặc, sau đó bị ám sát vào năm 1870.

 Các em học sinh xã Tịnh Khê tham quan các tài liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của anh hùng dân tộc Trương Định.

Các em học sinh xã Tịnh Khê nghe giới thiệu về các tài liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của anh hùng dân tộc Trương Định.

Sau khi Trương Định mất, thi hài của ông được đưa về Gò Công để thị uy dân chúng. Bà Lê Thị Thưởng – chính thất của ông đã đưa bài vị về quê hương nơi sinh thành để thờ phụng. Ghi nhận công đức của anh hùng dân tộc Trương Định, năm 1874, triều đình cấp ruộng tuất để thờ Trương Định cùng 20 quan tiền và hai phương gạo mỗi tháng để bà sinh sống. Khi bà Lê Thị Thưởng mất, để bảo vệ thi hài của bà. Nhân dân trong làng đã an táng bà nhưng không dựng bia. Hiện nay, ngôi mộ của bà đã được xây dựng tại xã Tịnh Thiện, thành phố Quảng Ngãi.

Trương Định là một vị anh hùng, một biểu tượng chống ngoại xâm kiên cường của nhân dân Nam bộ và cả nước. Ông cũng là người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi, được lịch sử lưu danh và nhân dân cả nước kính phục, tôn thờ.

Tại Quảng Ngãi, Đền thờ Trương Định được xây dựng năm 2007, nằm dưới chân núi Đầu Voi, mặt quay về hướng Bắc với diện tích tổng thể là 26.668m2. Năm 2014, Đền thờ Trương Định được Chủ tịch UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh. Đến năm 2023, được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia.

rao và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia Đền thờ Trương Định

Trao và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia Đền thờ Trương Định.

Tại buổi lễ, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban  MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi đã đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia Đền thờ Trương Định.

Các em học sinh xã Tịnh Khê dâng hương tưởng nhớ anh linh của vị anh hùng dân tộc Trương Định.

Các em học sinh xã Tịnh Khê dâng hương tưởng nhớ anh linh của vị anh hùng dân tộc Trương Định.

Sau lễ đón nhận, các đại biểu cùng thành kính hương, hoa để tưởng nhớ anh linh của vị anh hùng dân tộc Trương Định.

 

Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
Top