Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 7 năm 2024  
Thứ ba, ngày 16 tháng 7 năm 2024 | 10:30

Quảng Ngãi thúc đẩy chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

Đến nay, Quảng Ngãi đã xây dựng, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm. Toàn tỉnh tính đến thời điểm hiện tại có 10 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGap và tương đương…

Ngày 16/7, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) của ngành NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi trong 6 tháng đầu năm 2024 và kế hoạch, định hướng trong thời gian đến. 

Quảng Ngãi đánh giá kết quả công tác quản lý ATTP của ngành NN&PTNT tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024

Quảng Ngãi đánh giá kết quả công tác quản lý ATTP của ngành NN&PTNT tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024.

Sản xuất, chế biến, kinh doanh từng bước đem lại kết quả

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, trong 6 tháng đầu năm 2024, các cấp ngành trong tỉnh đã vận dụng các nguồn kinh phí, hỗ trợ các cơ sở sản xuất (SX), kinh doanh (KD) xây dựng, áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến. Xây dựng, hình thành các chuỗi liên kết SX nhằm nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm. Toàn tỉnh tính đến thời điểm hiện tại có 10 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGAP và tương đương.

Quảng Ngãi hiện tại có 10 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGap và tương đương.

Quảng Ngãi hiện tại có 10 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGAP và tương đương.

Công tác phát triển thị trường từng bước được Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện đã đem lại kết quả nhất định. Từng bước hỗ trợ doanh nghiệp SX, KD thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, từ đó mạnh dạn đầu tư, phát triển SX, nâng cao chất lượng, sản lượng, tạo vị thế của sản phẩm trên thị trường trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh. 

Lũy kế tới thời điểm báo cáo đã xác nhận được 58 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đã dần hình thành một số chuỗi cung ứng, liên kết SX và tiêu thụ thực phẩm; bên cạnh đó, các địa phương cũng đã quan tâm xây dựng được nhiều nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho các nông sản chủ lực tại địa phương, đã thực hiện triển khai quy hoạch, thu hút các Dự án đầu tư áp dụng các quy trình, công nghệ tiên tiến trong SX nông nghiệp.

Giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm được quan tâm

Trong 6 tháng đầu năm 2024, thực hiện lấy 15 mẫu gồm mẫu tôm thẻ chân trắng nuôi và mẫu thực phẩm nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh; các cơ sở SX, KD thực phẩm nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi để giám sát các chỉ tiêu về kháng sinh, kim loại nặng, vi sinh vật, dư lượng hóa chất độc hại, phụ gia thực phẩm và thuốc BVTV,… theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định liên quan.

Qua đợt giám sát, kết quả mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu đảm bảo ATTP đã phần nào đánh giá được thực trạng quản lý chất lượng thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát và không phát hiện hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trên tôm nuôi và thực phẩm.

Công tác thẩm định, chứng nhận cơ sở được các cơ quan đơn vị tổ chức thực hiện thường xuyên và hiệu quả. Theo phân công, phân cấp trong 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện thẩm định 634 cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT (gồm có tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên và các cơ sở SXKD nông, lâm, thủy sản trên địa bàn quản lý), trong đó: Thẩm định xếp loại và cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP 468 cơ sở với kết quả: 01 cơ sở xếp loại A, 467 cơ sở xếp loại B; thẩm định đánh giá định kỳ 166 cơ sở với kết quả: 01 cơ sở xếp loại A, 165 cơ sở xếp loại B.

Công tác tổ chức ký cam kết, kiểm tra việc thực hiện ký cam kết đối với cơ sở SXKD nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã được các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn quan tâm, thực hiện.

Thực hiện thanh tra tại 72/72 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. Đoàn thanh tra thực hiện lấy 74 mẫu (14 mẫu giống lúa, 14 mẫu phân bón; 17 mẫu thuốc thú y; 12 mẫu thuốc bảo vệ thực vật, 17 mẫu thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng) để phân tích.

Kết quả thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính 14 tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm: Kinh doanh thuốc BVTV có chất lượng không phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng BVTV; KD phân bón có chất lượng không phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón),  KD thuốc thú y có chất lượng không phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng thuốc thú y, có hàm lượng ngoài mức giới hạn cho phép +10% so với hàm lượng ghi trên nhãn (hàng kém chất lượng), KD sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có chất lượng SX, giả về giá trị sử dụng, công dụng (hàng giả), KD phân bón không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, KD bán phân bón khi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón…

Theo ông Đặng Tấn Thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh, trong thời gian qua, các cấp chính quyền địa phương đã quan tâm đến công tác quản lý chất lượng VTNN và ATTP nông, lâm, thủy sản; công tác phân công, phân cấp cơ quan kiểm tra đánh giá, phân loại cơ sở SX, KD VTNN và cơ sở SX, KD nông, lâm, thủy sản và cơ quan quản lý cơ sở SX ban đầu nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh rõ ràng, không có sự chồng lấn nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý.

Trong quá trình triển khai thực hiện công tác quản lý chất lượng VTNN và ATTP nông, lâm, thủy sản theo quy định trên địa bàn tỉnh đã có hiệu quả rất lớn tác động đến toàn xã hội, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, nâng cao hiểu biết, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người tham gia SX trong tất cả công đoạn sản xuất và kinh doanh VTNN và ATTP nông, lâm, thủy sản, đảm bảo thực phẩm an toàn đối với người tiêu dùng và cả cơ quan quản lý nhà nước.

Người SX, KD đã dần nắm bắt được các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước quy định về VTNN, ATTP chấp hành tốt các quy định pháp luật trong sản xuất, chế biến thực phẩm như tuân thủ các yêu cầu về thủ tục hành chính, bố trí nơi SX hợp lý, sử dụng hóa chất, phụ gia nằm trong danh mục được phép sử dụng, chú trọng công tác vệ sinh trong SX và hầu hết đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.

Công tác quản lý các cơ sở SX, KD thực phẩm nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP dần đi vào nền nếp, góp phần nâng cao chất lượng thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng.

Một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình chuỗi cung ứng, liên kết giữa người SX và nhà tiêu thụ; đã tạo được nhãn hiệu cho một số sản phẩm chủ lực của địa phương.

Nhận thức của một số cơ sở SX, KD còn hạn chế

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, công tác quản lý chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản chưa được triển khai toàn diện, nhất là tại tuyến huyện, xã. Bộ máy tổ chức và cán bộ làm công tác quản lý chất lượng ATTP tại các địa phương chưa đồng bộ, lực lượng mỏng, kiêm nhiệm, năng lực của công chức, cán bộ còn hạn chế, đặc biệt là cấp xã.

Công tác tổng hợp, báo cáo định kỳ về VTNN và ATTP đặc biệt từ cấp xã chưa được quan tâm thực hiện đầy đủ. Các đối tượng SX, KD thực phẩm nông, lâm, thủy sản có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, số lượng tương đối lớn (chủ yếu là cơ sở SX ban đầu nhỏ lẻ) do đó việc quản lý còn gặp nhiều khó khăn. Nhận thức của một số cơ sở SX, KD vật tư nông nghiệp và thực phẩm nông, lâm, thủy sản còn hạn chế, vẫn còn mang tính chất đối phó.

Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế  trên là do địa bàn và đối tượng quản lý rộng; số lượng cơ sở nhiều, phân bố rộng trên nhiều địa bàn, từ miền núi đến hải đảo, tuy nhiên số lượng công chức thực hiện quản lý chất lượng VTNN và ATTP còn rất mỏng đặc biệt là tuyến huyện, xã một số công chức phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên hiệu quả quản lý chưa cao…

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Hiên, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, quản lý sản phẩm OCOP tại tỉnh Quảng Ngãi hiện nay đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản tại địa phương. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục đầu tư và cải thiện hơn nữa  trong công tác quản lý sản phẩm OCOP để nâng cao thị phần, giữ vững và phát triển thương hiệu của các sản phẩm OCOP địa phương, đảm bảo sự phát triển bền vững của chương trình. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền và sự nổ lực của các doanh nghiệp, hộ SX, chương trình OCOP sẽ tiếp tục phát triển và mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế nông thôn.

 

Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
Top