Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 15 tháng 10 năm 2022 | 8:0

Sản phẩm OCOP từ quả dại rừng U Minh hạ

Trước đây, người dân ở vùng nông thôn Cà Mau chỉ biết sử dụng trái giác, loại cây dại mọc nhiều ven rừng, bờ ruộng, như một thứ gia vị để chế biến các món ăn dân dã, đồng quê như nấu canh chua, kho cá... hay chế biến rượu trái giác - có tác dụng trị xương khớp, đau lưng.

Nay, người dân, doanh nghiệp ở Cà Mau đã biến loại rượu này thành đặc sản và đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Bà Nhẫn lựa chọn những trái giác chín mọng để ủ rượu
 
Làm chơi, ăn thật

Năm 1996, vợ chồng bà Nguyễn Hồng Nhẫn, người xứ Đầm Dơi, về Khánh Thuận (huyện U Minh) mua đất lập nghiệp. Do giao thông cách trở nên để cải tạo cánh rừng 30 ha, mưu sinh bằng nghề khai thác lâm sản vật, gia đình bà Nhẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Không phụ lòng người, khu rừng của gia đình ngày càng xanh tốt. Nhiều loại chim, cò đổ về làm tổ, sinh sôi nảy nở nên hai vợ chồng quyết định mở khu du lịch sinh thái ngay trên cánh rừng của gia đình. Tham vọng, chỉ muốn giới thiệu với du khách về đất và rừng, con người Cà Mau hiếu khách với những món ngon dân dã đặc sắc của U Minh. 

Một lần, thấy trong rừng mọc bạt ngàn trái giác, bà Nhẫn chợt nhớ đến ông nội đã từng dạy về cách làm rượu trị nhức mỏi, xương khớp từ loại trái dại này. Bà quyết định làm thử. Bà kể: “Mẻ rượu đầu tiên ủ thành phẩm, cha chồng tôi có rót ra mời một đoàn khách ghé nhà dùng cơm. Những người trong đoàn đều khen rượu thơm, ngon và có vị lạ đặc trưng. Họ có ý hỏi mua về làm quà. Vậy là tôi nảy ra ý định ủ rượu trái giác để bán. Sau nhiều lần ủ thử nghiệm, cải tiến, bà Nhẫn đã cho ra thành phẩm là rượu trái giác như ngày nay. Nhưng để an toàn và tốt cho sức khỏe cho người tiêu dùng nên bà Nhẫn phải qua nhiều công đoạn khác.

“Với tiêu chí vì sức khỏe người tiêu dùng là trên hết, nên sản phẩm làm ra phải được chăm chút kỹ lưỡng, gia giảm cho vừa vị. Sau đó, con gái lớn của tôi học về ngành hóa – sinh học đem phân tích nồng độ, thành phần trong rượu rồi mới bán”, bà Nhẫn nói. 

 

AMH

Ủ trái giác trước khi hạ thổ

Tuy thành phần rượu trái giác rất đơn giản, được chọn từ trái giác chín ủ kết hợp cùng đường phèn nhưng để tạo nên ly rượu có mùi thơm nhẹ, vị hơi chan chát, cái hậu ngọt độc đáo là một quá trình sơ chế, ướp ủ công phu, tỉ mỉ, tất cả đều được làm thủ công. Có vậy, người uống khi nếm mới cảm nhận trong giọt rượu trái giác mang đậm nét tinh túy, đặc trưng của đất rừng U Minh.

Bà Nhẫn chia sẻ: “Để có được mẻ rượu thơm, ngon, vừa uống, các công đoạn phải thật cẩn thận và vệ sinh. Chọn những trái giác chín mọng thì mới cho ra màu rượu đẹp và mùi thơm. Sau khi rửa thật sach, để ráo, trái giác và đường phèn được xếp thành từng lớp xen kẽ nhau trong chum, kiệu, khạp bằng sành. Tiếp theo, sẽ đến công đoạn hạ thổ để trái giác và đường lên men tự nhiên thành rượu. Đây là khâu quyết định độ thơm ngon của rượu. Sau 6 tháng hạ thổ, đem lên chắt lọc rượu trái giác ra một kiệu lớn khác và để lắng chỉ lấy phần rượu trong”.

AMH

 

Sản phẩm được tiêu thụ mạnh ở trong và ngoài tỉnh Cà Mau.

 

Đặc sản rừng U Minh

Rượu trái giác được sản xuất thủ công nhưng phải trải qua nhiều công đoạn và với một thời gian nhất định. Trái giác hái ở rừng đem về được lựa ra, rửa thật sạch, để ráo nước rồi cho vào lu, kiệu hoặc keo… tùy theo số lượng trái giác nhiều hoặc ít. Xếp 1 lớp trái giác thì bỏ 1 lớp đường cát, bỏ chừng nào thấy gần đầy lu thì dừng lại. Bước kế tiếp để một ít men sim vào rồi đậy nắp lu cho thật kín. Đậy kín chừng nào tốt chừng đó. Nếu đậy nắp lu không kín, rượu khi đem ra uống sẽ bị chua và không ngon. Thời gian từ lúc để trái giác và các gia vị vào lu để làm rượu đến khi uống được cần từ 6 - 8 tháng, để càng lâu rượu uống càng ngon.

Sau khi khui nắp lu, kiệu để lấy rượu, rượu được lược sạch xác và hột trái giác. Sau đó, để rượu lắng đọng một vài ngày rồi mới đóng chai. Trước khi đóng chai, có pha thêm một ít rượu trắng để cho rượu trái giác có hương vị nồng nàn và đậm đà hơn. Rượu trái giác có nồng độ cồn thấp, hậu ngọt, dễ uống, có thể làm món uống khai vị, kích thích tiêu hóa, giảm đau lưng, nhức mỏi và rất tốt cho sức khỏe người cao tuổi. Rượu trái giác là đặc sản, là sản phẩm đặc trưng của vùng đất U Minh Hạ Cà Mau và được Hội đồng bình chọn của tỉnh Cà Mau công nhận là 1 trong 9 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2014. Sản phẩm rượu trái giác rất thích hợp để làm quà tặng cho người thân và bạn bè.

Từ những mẻ rượu làm thử, khoảng vài lít mỗi đợt, được đựng trong chai nhựa thô sơ, thị trường là các vị khách quen đến nhà, sau 10 năm, rượu trái giác của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Du lịch sinh thái U Minh Hạ Huỳnh Quốc Sơn (ấp 12, xã Khánh Thuận) đã hoàn thiện rất nhiều về chất lượng, mẫu mã và mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh cùng các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,...

Sản phẩm này đã được Hội đồng bình chọn của tỉnh Cà Mau công nhận là 1 trong 9 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2014.

AMH
Rượu trái giác được lên sàn OCOP với tiêu chuẩn 3 sao.
 
Sản phẩm OCOP 3 sao

Mỗi năm, gia đình bà Nhẫn ngâm ủ 2 đợt rượu trái giác, tổng cộng khoảng 700 lít. Với mức giá 180.000 đồng/chai, dung tích 750ml, bà Nhẫn lãi ròng hơn 100 triệu từ rượu trái giác. Ngoài mang lại nguồn thu nhập cho gia đình bà, còn tạo việc làm theo thời vụ cho hàng chục lao động nhàn rỗi ở địa phương. 

Được tư vấn, bà làm hồ sơ đăng ký tham gia OCOP. “Ban đầu gặp khó khăn về các thủ tục, nhưng được xã và huyện quan tâm giúp đỡ nên mọi việc cũng xong nhanh chóng. Sản phẩm rượu trái giác của bà Nhẫn đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đến với OCOP như một cơ hội mới, mở ra nhiều tiềm năng hơn cho sản phẩm rượu trái giác. Sản phẩm đã được nhiều người biết đến, thị trường rộng hơn, sản phẩm bán ra nhiều hơn, gia đình sẽ tiếp tục hoàn thiện, và mở rộng quy mô sản xuất”, bà Nhẫn kể.

Ông Hồ Tương Lai, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận cho biết: “Cùng với sản phẩm cam Ba Tình, chuối sấy dẻo Minh Quân, rượu trái giác của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Du lịch sinh thái U Minh Hạ Huỳnh Quốc Sơn đã làm phong phú thêm cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn xã. Đây là sản phẩm chất lượng được nhiều người biết đến và tin dùng. Các sản phẩm được công nhận 3 sao OCOP, tạo động lực để xã tiếp tục mở rộng, phát triển nhiều hơn các sản phẩm đặc trưng và chất lượng. 

Thời gian tới, thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện, xã đã lên kế hoạch và triển khai hướng dẫn, hỗ trợ làm hồ sơ thủ tục cho những chủ thể có sản phẩm tiềm năng, chất lượng đủ chuẩn để được công nhận sản phẩm OCOP. Mong rằng, các ngành, các cấp quan tâm xúc tiến, mở rộng thị trường, ổn định tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP tạo động lực cho các chủ thể mới”.

Biểu Quân

 

Ý kiến bạn đọc
Top