Hội đồng thẩm định xét, đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh Sóc Trăng vừa họp và thống nhất công nhận thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...
Đường giao thông nông thôn ở xã nông thôn mới Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú).
Được biết, Bộ tiêu chí xã nông thôn mới áp dụng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025 gồm 19 tiêu chí, với 58 chỉ tiêu. So với giai đoạn 2016 - 2020, Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 có yêu cầu nâng chất, đi vào chiều sâu, chuyên môn hóa cao, tập trung vào nhóm tiêu chí liên quan chất lượng cuộc sống người dân.
Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, gồm 1 điều kiện và 19 tiêu chí với 76 chỉ tiêu. So với 5 nhóm tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao do tỉnh ban hành và thực hiện giai đoạn 2016 - 2020, Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 có yêu cầu nâng chất rất cao, tăng đến 56 chỉ tiêu.
Giai đoạn 2021 - 2025 là giai đoạn đầu tiên Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu được triển khai trên địa bàn tỉnh gồm 4 tiêu chí bắt buộc và 5 tiêu chí lĩnh vực kiểu mẫu. Cụ thể, tổ chức sản xuất, văn hóa - du lịch, cảnh quan môi trường, chuyển đổi số, an ninh trật tự. Tùy theo tình hình thực tế của địa phương mà xã lựa chọn ít nhất 1 lĩnh vực kiểu mẫu để thực hiện.
Trên cơ sở kết quả thẩm định, hội đồng đã thống nhất công nhận 3 xã là xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú), Liêu Tú (huyện Trần Đề) và Trinh Phú (huyện Kế Sách) được đánh giá đạt chuẩn xã nông thôn mới theo quy định. Tính đến hết năm 2023, tỉnh Sóc Trăng có 70 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đối với xã nông thôn mới nâng cao, Hội đồng thẩm định đã thống công nhận 4 xã, gồm xã An Thạnh Tây (huyện Cù Lao Dung), An Hiệp (huyện Châu Thành), Vĩnh Lợi (huyện Thạnh Trị) và Gia Hòa 1 (huyện Mỹ Xuyên) đạt 21/21 chỉ tiêu nâng chất và đạt 19/19 tiêu chí theo quy định. Cả 4 xã đều được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Tính đến nay, tỉnh Sóc Trăng có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Đối với xã nông thôn mới kiểu mẫu, qua kết quả thẩm định, hội đồng thống nhất công nhận xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên) đã được đánh giá đạt 5 tiêu chí theo quy định và được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là xã thứ 2 của tỉnh Sóc Trăng được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (trước đó là xã An Thạnh 1 (huyện Cù Lao Dung).
Tính đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn huyện nông thôn mới thị xã Ngã Năm, thị xã Vĩnh Châu và huyện Mỹ Xuyên.
Diện mạo nông thôn mới ở Đại Tâm (Mỹ Xuyên) - xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2025, Sóc Trăng đặt mục tiêu có 72 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thêm ít nhất 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng lũy kế toàn tỉnh có 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; ít nhất 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 6 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thêm 2 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao. Để hoàn thành mục tiêu đặt ra cần sự tập trung quyết liệt, đồng bộ trong thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương và toàn tỉnh. Cần phải tiếp tục huy động mọi nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới, chủ động khắc phục khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
Để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Sóc Trăng đã đã đề ra 7 giải pháp.
Thứ nhất, đẩy mạnh triển khai, nâng cao chất lượng cuộc vận động xã hội về phong trào xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là Phát động Phong trào thi đua “Sóc Trăng chung sức xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025” đến tận xóm, ấp, khu dân cư và hộ gia đình; đề cao thực hiện việc nêu gương của cán bộ, công chức, đảng viên, hội viên các đoàn thể; thường xuyên phát hiện, biểu dương, khen thưởng kịp thời các gương điển hình qua các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Chú trọng thực hiện tốt công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới các cấp và các tổ chức, cá nhân liên quan, không ngừng nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, trình độ quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu triển khai hiệu quả nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Thứ hai, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong triển khai xây dựng nông thôn mới. Phát huy vai trò của người đứng đầu, phải thực sự tâm huyết, trách nhiệm, vào cuộc thường xuyên trong lãnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới; mỗi cơ quan, đơn vị xác định rõ trách nhiệm của mình phụ trách để phối hợp nhịp nhàng trong thực hiện nhiệm vụ chung; thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và bộ máy tham mưu; hoàn thiện, triển khai đầy đủ các cơ chế chính sách phục vụ xây dựng nông thôn mới, nhất là các chính sách tạo môi trường thuận lợi cho người dân tham gia, phát huy vai trò chủ thể.
Thứ ba,triển khai các giải pháp mạnh mẽ, có tính đột phá về huy động, bố trí, quản lý nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh nguồn vốn Trung ương, hàng năm UBND các cấp phải chủ động cân đối, bố trí kinh phí địa phương theo phân cấp ngân sách thực hiện xây dựng nông thôn mới theo đúng quy định. Tăng cường lồng ghép kinh phí từ các chương trình, dự án đầu tư hiện có và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung của Chương trình; chú trọng thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, giải pháp huy động tối đa nguồn lực từ xã hội.
Thứ tư, xây dựng nông thôn mới toàn diện, đồng bộ nhưng phải đảm bảo lộ trình chung, có trọng tâm, trọng điểm. Các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị xã hội các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới phù hợp mục tiêu và lộ trình chung của tỉnh đến năm 2025. Ưu tiên cho các xã thuộc đơn vị cấp huyện có khả năng đạt chuẩn huyện nông thôn mới, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và các xã thuộc huyện khó khăn, mức đạt còn thấp; ưu tiên đề xuất các đơn vị còn khó khăn được tham gia các đề án, dự án, chương trình phục vụ xây dựng nông thôn mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành để có thêm nguồn lực phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Về xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển biến rõ nét, có mô hình hiệu quả về cảnh quan môi trường, an ninh trật tự, tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và quản lý quy hoạch (xã nông thôn mới nâng cao phải thực hiện cắm mốc quy hoạch). Về xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu: tùy theo lĩnh vực tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, ưu tiên phát triển nông thôn mới kiểu mẫu về sản xuất nông nghiệp bền vững, về phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, về chuyển đổi số hướng đến xây dựng xã nông thôn mới thông minh.
Thứ năm, tập trung phát triển kinh tế nông thôn, không ngừng nâng cao mức sống cho người dân. Chú trọng thực hiện các nội dung Phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn; Phát triển công nghiệp, tạo việc làm, kết hợp xây dựng các mô hình ấp, xóm, khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn làm tiền đề hình thành các điểm, tuyến, sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân; Phát triển hệ thống hạ tầng thương mại nông thôn phù hợp với quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với sự tham gia của các thành phần kinh tế; Quan tâm triển khai đầy đủ và hiệu quả các chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ sáu, thực hiện tốt các nội dung nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tiếp tục ưu tiên thực hiện tiêu chí về chất lượng môi trường sống trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, tập trung giải quyết các hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực như môi trường, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, cấp nước sạch, quản lý quy hoạch, sinh hoạt văn hóa,… để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn. Đẩy mạnh phát động thi đua thực hiện hộ văn hóa nông thôn mới, ấp văn hóa nông thôn mới mới, tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu mỗi ấp, khu, tuyến dân cư trên địa bàn tỉnh đều có hình thành và duy trì hiệu quả các tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu đạt tiêu chí quy định.
Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới. Cấp ủy, chính quyền, cơ quan quản lý điều hành Chương trình các cấp cần quan tâm, chú trọng thực hiện công tác kiểm tra, giám sát về xây dựng nông thôn mới, phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.