Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 21 tháng 1 năm 2023 | 12:22

Tảo mộ cuối năm là đạo lý “chim có tổ, người có tông” của người Việt

Vào những ngày giáp Tết chuẩn bị đón chào năm mới, người dân Việt Nam đều có phong tục đi tảo mộ, để mời tổ tiên và những người đã khuất trong dòng họ, gia đình về nhà ăn Tết cùng gia đình. Đây là phong tục để thể hiện sự thành kính, lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên vào dịp cuối năm.

Bận mấy cũng phải ra dọn mộ mời tổ tiên về ăn Tết

Tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi, anh Tâm ra nghĩa trang nơi yên nghỉ của ông, bà, cha mẹ của mình để lau rửa và dọn dẹp phần mộ của cha, mẹ mình thắp hương để mời các cụ về đón Tết cung các con cháu.

Anh Tâm nhà ở Ngọc Lâm cho biết, hàng năm, cứ vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về là anh chị em trong gia đình lại bố trí một ngày cuối năm, cùng nhau ra phần mộ của ông bà, cha mẹ và người thân của gia đình đã khuất núi, để dọn dẹp lau rửa, mua hoa, cây cảnh để thắp hương và mời các cụ về gia đình ăn Tết cùng con cháu.

Gia đình anh Tâm ra tảo mộ ngày giáp Tết Quý Mão

Anh Tâm nói: “Dù có bận đến mấy nhưng anh chị em chúng tôi đều bố trí và dành thời gian cho công việc này, không thể bỏ qua hay nhờ người khác đi hộ được. Đây là một việc làm tâm linh nhưng hết sức quan trọng, bởi vì đây là dịp để gia đình chúng tôi cho các con cháu biết được nguồn gốc của gia đình, đặc biệt là giáo dục các con cháu phải có lòng biết ơn và thành kính với Tổ tiên".

Bên cạnh phần mộ những người thân của gia đình anh Tâm, chúng tôi cũng bắt gặp rất nhiều người khác, những ngày cuối năm này đều mang hương, hoa ra lau dọn cho phần mộ những người thân trong gia đình mình đã mất và mời các cụ về ăn Tết cùng con cháu.

Chỉ cho tôi phần mộ thân sinh ra mình, ông Nguyễn Văn Lợi nhà ở phố Ngọc Lâm (Long Biên) cho biết, đây là phần mộ của cụ thân sinh ra tôi, hai cụ đã mất cách đây mấy chục năm rồi, nhưng năm nào cũng vậy cứ đến ngày 30 Tết là tôi lại ra đây để lau dọn và thắp hương mời các cụ về nhà ăn Tết theo phong tục tập quán của người Việt Nam chúng ta.

Được gặp lại rất nhiều người thân

Cùng gia nghĩa trang để mời người thân về ăn Tết cùng con cháu, anh Lê Văn Minh ở phường Bồ Đề (Long Biên) cho biết, năm nào cũng vậy vào những ngày cuối năm, như thế này tôi lại ra đây để mời cha, mẹ tôi cùng những người thân trong gia đình đã mất, về ăn Tết cung các con cháu.

Cùng nhau đi tảo mộ để nhớ về tổ tiên và để giáo dục con cháu về lòng hiếu thảo, tri ân nguồn cội, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

“Mỗi năm tôi ra đây, đi thắp hương cho mộ phần của cha, mẹ và những ngôi mộ xung quanh, tôi như được gặp lại những người cùng xóm làng trước đây sinh sống với cùng gia đình của tôi. Những ngày này dường như khoảng cách giữa người sống và người chết không bao giờ có sự cách biệt”, anh Minh nói.

Cùng chung với suy nghĩ của anh Minh, nhiều ra đình khi ra nghĩa trang tảo mộ, mời người thân của mình về ăn Tết đều có chung một ý nghĩ như vậy.

Anh Trần Văn Ngọc ở Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng chia sẻ, nhà tôi trước sinh sống ở bên Gia Lâm nay là quận Long Biên. Mỗi lần ra đây thắp hương cho cha, mẹ tôi để mời các cụ về nhà ăn Tết cùng các con cháu, nhân thể thắp hương các phần mộ những người thân quen của gia đình chúng tôi trước đây, thì những ký ức của tuổi thơ chúng tôi lại ùa về. Từng gương mặt thân quen của những người hàng xóm lại gợi lại cho chúng tôi những kỷ niệm vui buồn mà chúng tôi đã trải qua.

Những ngày này ở nghĩa trang các ngôi mộ được sửa sang, dọn dẹp và cắm rất nhiều loại hoa đẹp, nhiều gia đình còn mang cả những cây quất thế để trưng bày cho người thân đã mất ở đây. Theo quan niệm của người Việt "trần sao, âm vậy" nên rất nhiều gia đình nhân dịp này mang rất nhiều hoa, cây cảnh ra những phần mộ này để cho những người thân đã khuất của mình cũng được vui xuân, đón tết như lúc còn sinh sống.

Một truyền thống có ý nghĩa giáo dục rất lớn

Thông thường, cứ sau ngày 23 tháng Chạp là các gia đình tổ chức ra các nghĩa trang để tảo mộ chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, nhưng nhiều gia đình có thể bố trí, sắp xếp thời gian để con cháu đông đủ để đi tảo mộ từ 10 tháng chạp tới 30 Tết.

Theo Thạc sỹ văn hóa học Nguyễn Thị Hồng Yến, Phó trưởng khoa Đông phương học, Trường ĐH Văn Hiến, TP.HCM cho biết người Việt vốn quan niệm “sống cái nhà, chết cái mồ”. Những ngày cuối năm, gia đình nào cũng lo dọn dẹp, sắp xếp lại nhà cửa cho gọn gàng, vừa đến các nghĩa trang, phần mộ của ông bà, tổ tiên để sửa sang, tu bổ mộ phần của những người quá cố.

Tảo mộ là một truyền thống tốt đẹp rất có ý nghĩa

Tục lệ tảo mộ có từ bao đời nay, theo truyền thống, nhiều gia đình với các thế hệ cùng đi tảo mộ ông bà vào 25 tháng chạp. Tuy nhiên ở nhiều địa phương, cứ sau ngày 10 tháng chạp tới 30 tết, khi gia đình đã đông đủ cháu con có thể xách hoa, trái cây, bánh trái tới để cúng ông bà tổ tiên.

Những ngày này tại khắp các nghĩa trang trên cả nước, chúng ta đều bắt gặp cảnh vui nhộn diễn ra khác với những ngày thường, các phần mộ đều được lau dọn, quét sơn, trang trí lại đẹp đẽ, hoa tươi, cây cảnh được các gia đình mua và cắm. Cả không gian nghĩa trang nghi ngút khói hương trầm thơm ngát, ấm cúng đến lạ thường, không thấy cảnh “âm dương cách biệt”.

Theo nhà văn, nhà giáo ưu tú Lê Đức Hân, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Q.Gò Vấp, TP.HCM, Chủ tịch Hội Kiều học TP.HCM, cho biết tục lệ tảo mộ dịp tết là truyền thống bao đời nay, có ý nghĩa rất lớn. Truyền thống của dân tộc Việt Nam là truyền thống luôn hướng về cội nguồn, về cha ông, tổ tiên. Tết Nguyên đán đến, ai cũng nghĩ về ông bà, cha mẹ , tổ tiên. Dù đi đâu, làm đâu nhưng con cháu luôn nhớ về việc thắp hương, dâng hương tới mộ phần ông bà, xin cho con cái được vạn sự như ý.

“Tục lệ tảo mộ ngày tết thể hiện tinh thần tôn thờ, kính yêu, hiếu thảo với ông bà cha mẹ. Nói đến con người là nói đến tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ, không thể nào quên được phẩm chất ấy. Người nào quên đi lòng hiếu thảo, thì đó không còn là một con người có đạo đức tốt. Đây là truyền thống của Việt Nam, là cách để giáo dục tinh thần cho lớp trẻ. Đây cũng là dịp răn dạy mỗi người phải nhìn lại đạo đức của chính mình, nhắc nhở người lớn hãy luôn sống tốt với mọi người, với cha mẹ của mình”, nhà văn, nhà giáo ưu tú Lê Đức Hân nói.

Phong tục tảo mộ cuối năm là nét đẹp trong văn hóa của người Việt và là niềm tin gia tiên sẽ phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, công việc thuận lợi vào năm mới. Hàng năm, dù đi đâu, ở đâu, những người con xa xứ như tôi cũng nhớ quay về quê xưa, chốn cũ cùng anh chị em, họ hàng tham gia tảo mộ để nhớ về tổ tiên và để giáo dục con cháu về lòng hiếu thảo, tri ân nguồn cội, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top