Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 11 năm 2023 | 14:33

Thạch Kênh nay khác rồi!

Sau hơn 12 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), vùng quê mật mía Thạch Kênh (Thạch Hà - Hà Tĩnh) đổi thay rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng lên, tạo sức bật để tiến bước trên con đường xây dựng NTM kiểu mẫu.

Khát vọng đổi thay

Một thời chưa xa, Thạch Kênh còn là xã nghèo, phát triển chậm của huyện Thạch Hà. Bên cạnh sự khắc nghiệt của thời tiết, thổ nhưỡng thì sự thiếu đoàn kết, thống nhất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên được coi là nguyên nhân chính dẫn đến yếu kém, trì trệ. Trong giai đoạn 2001- 2015, địa phương này phải thay đến 4 Chủ tịch UBND xã. Đó là thời điểm Thạch Kênh phải đối mặt với những khó khăn khác nhau nên hầu hết các phong trào, nhiệm vụ phát động không thu hút được sự tham gia của người dân.

Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Thạch Kênh Nguyễn Thiện Chung, là xã nghèo với điểm xuất phát thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn; là một trong những xã nằm tốp sau của huyện về cơ sở hạ tầng nên để xây dựng thành công NTM, là bài toán khó. Thế nhưng, bằng khát vọng, quyết tâm cao, Thạch Kênh đã sớm nhận diện căn nguyên của yếu kém, khắc phục điểm yếu, kiện toàn đội ngũ cán bộ phù hợp năng lực, sở trường và tín nhiệm. Mỗi cá nhân khi được bố trí, sắp xếp đúng năng lực và nhận được sự đồng thuận cao của người dân như được tiếp thêm năng lượng, buộc mình luôn trăn trở, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Song song với kiện toàn đội ngũ cán bộ, xã Thạch Kênh đã triển khai chủ trương sáp nhập thôn, xóm. Việc giảm từ 13 thôn xuống 5 thôn không chỉ giúp địa phương giảm được áp lực đầu tư một số hạng mục không cần thiết, xóa được tình trạng xóm không có chi bộ, thiếu các tổ chức đoàn thể, mà quan trọng hơn là, sức mạnh tập thể trong xây dựng NTM được phát huy.

Nhờ Nhân dân vào cuộc quyết liệt nên xây dựng NTM ở Thạch Kênh vẫn duy trì lửa phong trào từ đó đến nay, tháng 8/2023 Thạch Kênh được công nhận xã nông thôn mới nâng cao.

Ông Từ Dương Quyền, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Kênh, cho biết, thành công có được là nhờ cán bộ, đảng viên gương mẫu và sự đồng thuận trong dân. Không chỉ tự nguyện hiến đất, đóng góp công sức, mỗi người dân ở Thạch Kênh còn trở thành một “kênh” để kết nối con em xa quê cùng chung tay xây dựng NTM.

Để có được bước ngoặt hết sức quan trọng đó, Thạch Kênh có quan điểm rõ ràng trong công tác chỉ đạo lấy 20 tiêu chí xây dựng NTM làm định hướng; xây dựng hạ tầng làm tiêu đề; phát triển sản xuất làm gốc; nâng cao thu nhập cho người dân làm mục tiêu; lợi ích đem lại cho người dân làm động lực.

Với cách làm trên, chỉ trong 1 năm, Thạch Kênh đã hoàn thành thêm 15 tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn NTM vào cuối tháng 12/2016 (trước 3 năm so với kế hoạch).

Ngắm nhìn quê hương  thay đổi từng ngày, anh Nguyễn Cao Cường,  người con Thạch Kênh xa quê phấn khởi nói: “Người dân đi làm ăn xa khi về quê hẳn sẽ rất ngạc nhiên vì sự phát triển của quê hương. Nhờ NTM mà “đường đẹp, thôn vui, người đổi mới”. Về quê bây giờ không khác gì thành thị, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ từ điện - đường - trường - trạm, đời sống người dân từng bước được nâng cao”.

Người xa quê góp của, người ở nhà góp công

Đạt chuẩn NTM, người dân Thạch Kênh đã không ngừng nỗ lực, vượt khó, sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng các mô hình chăn nuôi, phát triển kinh tế. Nhiều gia đình tự nguyện hiến đất, hiến công trình, đóng góp ngày công xây dựng đường làng, ngõ xóm khang trang, làm cho bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc.

Với sự đoàn kết, thống nhất, đổi mới trong chỉ đạo, điều hành, cán bộ và nhân dân Thạch Kênh đã nỗ lực, bứt phá để tiếp tục hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao, trọng tâm là xây dựng các khu dân cư NTM kiểu mẫu, sáng, xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường.

Vui với những thành quả, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thạch Kênh không coi đây là điểm kết thúc mà coi đó là điểm khởi đầu của hành trình mới, tiếp tục xây dựng NTM kiểu mẫu.

Năm 2021, Thạch Kênh hoàn thành 1,9km rãnh thoát nước, 0,94km kênh bê tông, đổ lề đường 2,58 km, làm mới 2 km đường điện thắp sáng làng quê, xây 1,8km hàng rào thoáng, chỉnh trang 282 vườn hộ, xây dựng 5 vườn mẫu…

Từ tháng 1/2022 đến nay, toàn xã làm mới 5,3km đường bê tông, chỉnh trang 120 vườn hộ, xây 1,2 km bồn và trồng mới 6,5 km hàng rào xanh, trồng 250 cây bóng mát, xây dựng mới 3 mô hình kinh tế. Thu nhập bình quân ở Thạch Kênh hiện đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm.

Cùng với đó, đầu năm 2023, ngân sách cấp trên và xã hội hóa được hơn 50 tỷ đồng, xã đầu tư xây dựng mới nhà làm việc ủy ban; Nhà đa chức năng trường tiểu học trên 5 tỷ đồng; Nhà học 2 tầng trường tiểu học 6 tỷ đồng, Đường Cacbon tuyến Lò gạch đi Thượng Nguyên dài 2km trên 7 tỷ đồng, tuyến đường trục chính của thôn Chi Lưu sang thôn Tri Lễ với chiều dài toàn tuyến hơn 1,5 km được nâng cấp, mở rộng từ 3m lên 7m với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng…

Ông Trần Khuyến, nguyên Bí thư Chi bộ thôn Thượng Nguyên, nhớ lại: Sau nhiều cuộc họp thôn, họp chi bộ thống nhất các nội dung, lên kế hoạch từng phần việc cụ thể, chúng tôi bắt tay vào triển khai. Bước đầu huy động tinh thần đảng viên tiên phong phá bỏ vườn tạp, chỉnh trang vườn hộ. Sau đó, đảng viên tình nguyện ngày công giúp các gia đình khác. Với cách làm “cuốn chiếu” đó, đến nay, toàn thôn đã có hơn 200/363 vườn hộ được chỉnh trang.

Hiểu rõ nội lực còn khó khăn, Chi bộ thôn đã mạnh dạn gửi thư ngỏ và kêu gọi con em xa quê “hướng về cội nguồn”, đóng góp xây dựng cổng làng với tổng kinh phí 135 triệu đồng. Không những thế, cùng với sự đóng góp 200 nghìn đồng/hộ dân và số tiền từ con em xa quê, thôn còn chỉnh trang nhà văn hóa khang trang với tổng kinh phí 340 triệu đồng…

Theo ông Trần Khuyến, để huy động nguồn lực hiệu quả, đầu tiên, Chi bộ, thôn họp bàn và lựa chọn đúng công trình để kêu gọi. Sau đó, lên dự toán kinh phí rõ ràng, chi tiết công trình rồi mới bắt đầu gửi thư ngỏ, kết nối qua điện thoại đến hội đồng hương của thôn, xã ở các tỉnh, thành trong nước. Kinh nghiệm từ thôn Thượng Nguyên là không  kêu gọi lẻ tẻ mà  chọn thời điểm, chọn công trình để huy động nguồn lực từ con em xa quê, mọi sự ủng hộ, chi tiêu đều được công khai, minh bạch.

Người dân Thạch Kênh chuyển đổi ô thửa nhỏ, thành ô thửa lớn, hăng say lao động sản xuất.

Ông Nguyễn Thiện Chung, Chủ tịch UBND xã Thạch Kênh, khẳng định: “Khi người dân đã thực sự trở thành chủ thể thì mọi khó khăn có thể vượt qua. Cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân thì Thạch Kênh còn nhận được sự “tiếp lửa” nhiệt thành của con em xa quê. Con số hơn 30 tỷ đồng được huy động từ nguồn xã hội hóa để xây dựng các công trình NTM trên địa bàn là minh chứng khi niềm tin được lan tỏa. Vui với những thành quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thạch Kênh không coi đây là điểm kết thúc mà coi đó là điểm khởi đầu của hành trình mới. Việc nâng cấp, xây dựng các khu dân cư NTM  kiểu mẫu không chỉ góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương, từng bước nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, mà còn là tiền để quan trọng để địa phương tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng xã NTM kiểu mẫu vào năm 2025".

Đổi thay trên mọi mặt, Thạch Kênh đã và đang “hái quả ngọt” từ những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân. Đường lớn đã mở, lòng dân thuận, tin tưởng rằng, trong công cuộc xây dựng NTM, Thạch Kênh sẽ tiếp tục phát triển nhanh, bền vững và ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
Top