Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024 | 10:19

Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc.

Trong sự kiện lịch sử đó, Thanh Hóa tự hào là “hậu phương lớn”, đóng góp to lớn sức người, sức của cho chiến dịch toàn thắng.

Hậu phương lớn cho tiền tuyến

Trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, quân và dân Thanh Hóa vừa chiến đấu, vừa phục vụ chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho các mặt trận, các chiến trường, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi chung của dân tộc Việt Nam.

Để chuẩn bị tốt công tác hậu cần phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, lúc bấy giờ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy Khu IV và Tỉnh ủy Thanh Hóa, toàn bộ lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu từ khắp nơi trong tỉnh được tập trung về kho Cẩm Thủy và kho Lược (Thọ Xuân) để chuyển ra mặt trận. Sau khi hàng thiết yếu được tập kết, Thanh Hóa thành lập hội đồng cung cấp mặt trận, đề ra kế hoạch cụ thể xây dựng hệ thống kho, trạm, sửa chữa đường nhằm nhanh chóng huy động nhân lực, vật lực cho chiến dịch.

Chiếc xe thồ đạt kỷ lục vận chuyển 345,5kg chuyên phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá.

Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, Thanh Hóa đã huy động tối đa sức người, sức của phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Lực lượng thanh niên nô nức lên đường, tham gia mở đường, sửa đường; hàng nghìn dân công được huy động lên đường phục vụ chiến đấu. Trong đợt huy động lần thứ nhất, Thanh Hóa đã vượt chỉ tiêu kế hoạch 150%. Hơn 8.000 tấn lương thực, 2.000 tấn thực phẩm khô đã được lực lượng dân công Thanh Hóa và Nghệ An vận chuyển an toàn về nơi tập kết ở Vạn Mai, Mộc Châu và Yên Châu. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, nhiều anh, chị em dân công Thanh Hóa đã xung phong tình nguyện ở lại phục vụ bộ đội chiến đấu.

Cùng với đó, Thanh Hóa đã điều động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 128 huyện Bá Thước; Đại đội 112 huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) và một số đơn vị của các huyện Hoằng Hóa, Hà Trung, Quảng Xương cho các đơn vị tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ.

Tại xã Xuân Thọ, huyện Triệu Sơn, nhân dân tích cực mua công trái quốc gia, công phiếu kháng chiến; mỗi làng đều thành lập một tiểu đội đến một trung đội dân quân, tăng cường luyện tập các phương án tác chiến. Tại Đình Tam Lạc diễn ra lễ công bố thành lập Đại đoàn 304 (Đại đoàn Vinh Quang) - Đại đoàn chủ lực thứ 2 của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhiều gia đình ở xã Xuân Thọ có từ 3 đến 4 người con đi bộ đội chống Pháp; hơn 3.000 lượt người trong xã đã tham gia 78 đợt dân công phục vụ các chiến dịch Trung Du, Quang Trung, Hòa Bình, Thượng Lào, Điện Biên Phủ. Trong kháng chiến chống Pháp, Đại đoàn 304 đã tham gia 9 chiến dịch, là đơn vị bao vây, cắm cờ làm chủ Hồng Cúm-Điện Biên Phủ.

Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá, tính từ đầu năm 1951, khi bộ đội ta mở chiến dịch Trung du cho tới chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã huy động và vận chuyển đáp ứng tới 70% nhu cầu vật chất cần thiết cho các chiến dịch. Tính riêng về lực lượng, Thanh Hóa đã động viên được 56.792 thanh niên tòng quân, bổ sung cho các chiến trường. Trong đó, chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử đánh dấu sự đóng góp lớn nhất của hậu phương Thanh Hóa.

Trong toàn chiến dịch, tỉnh Thanh Hóa đã đóng góp 30% người trong độ tuổi lao động tham gia dân công (lên đến 178.924 người) và 27 triệu ngày công; hơn 3.500 xe đạp thồ được huy động với gần 16.000 lượt vận chuyển, 1.126 chiếc thuyền. Đặc biệt, có cả 31 chiếc ô tô, 180 xe bò, 42 ngựa, 3 thớt voi. Thanh Hóa đã vận chuyển ra mặt trận Điện Biên 9.000 nghìn tấn gạo, chiếm 56%; 450 tấn cá khô, 2.000 con lợn, 1.300 con bò, 250.000 quả trứng, 150 tấn đậu, 20.000 chai, lọ nước mắm cùng hàng trăm tấn rau các loại, chiếm 40% số thực phẩm sử dụng trong chiến dịch.

Trước những đóng góp to lớn đó, trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ hai (ngày 13/6/1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành lời khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”, để đánh giá về công lao của quân và dân Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

70 năm hào hùng

Sau 70 năm hào hùng ấy, những kinh nghiệm về việc huy động sức người, sức của phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ luôn được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa phát huy, vận dụng hiệu quả vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Nổi bật nhất trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều công trình, phần việc ban đầu triển khai gặp rất nhiều khó khăn nhưng cấp ủy, chính quyền các cấp luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên đã nhận được sự đồng tâm, đồng lòng của toàn dân.

Nhờ vậy, đã có nhiều công trình lớn được xây dựng lên từ ý Đảng, lòng dân. Bộ mặt địa phương từng bước được khởi sắc, hiện nay Thanh Hóa đã có nhiều khu công nghiệp, nhiều công trình trọng điểm đi vào hoạt động.

Đến nay, Thanh Hóa đã có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 363 xã và 717 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 97 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 23 xã, 480 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Năm 2024, Thanh Hóa phấn đấu có thêm 1 huyện, 19 xã và 60 thôn/bản miền núi đạt chuẩn NTM; 2 huyện và 19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 10 xã và 30 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 120 sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền công nhận.

Tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu, tỉnh tập trung lãnh đạo, điều hành, sáng tạo trong khai thác tiềm năng, thế mạnh ở địa phương, đặc biệt quan tâm phát huy nguồn lực con người, sức mạnh đoàn kết trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, nhờ tăng năng suất, giá trị thu nhập trên cùng diện tích canh tác, giữ vững chốt an ninh lương thực hơn 1,5 triệu tấn/năm, đẩy mạnh tập trung đất đai để sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng phong trào mỗi xã một sản phẩm OCOP. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông không ngừng được cải thiện; phát huy lợi thế các phương thức vận tải: đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển ở tỉnh bắc miền Trung.

Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Sỹ Huy, bỏ học, trốn bố mẹ theo anh trai lên đường nhập ngũ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ (10/1952).

Nhiều dự án quy mô lớn, nhất là dự án trọng điểm quốc gia Liên hợp Lọc hóa dầu, Trung tâm nhiệt điện Nghi Sơn; các dự án đầu tư của các tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước đã và đang đưa vào hoạt động, tạo động lực mới cho Thanh Hóa phát triển nhanh, sớm trở thành một cực tăng trưởng mới, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Trong chương trình “Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ” nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng, ông Nguyễn Sỹ Huy (93 tuổi), cựu Thanh niên xung phong, chiến sỹ Điện Biên Phủ tham dự chiến dịch chia sẻ: Chiến tranh đã rời xa, những nỗi đau mất mát vẫn còn nhiều, nhưng thật vui mừng khi giờ đây Thanh Hoá nói riêng và đất nước nói chung đang phát triển mạnh mẽ từng ngày, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Một góc của thành phố Thanh Hoá hôm nay.

Để có được thành quả như ngày hôm nay là sự đồng lòng, quyết tâm của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hoá, thực hiện tốt các đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước, xây dựng miền quê nghèo ảnh hưởng bom đạn của chiến tranh phát triển như ngày hôm nay. Càng tự hào hơn, khi những công ơn của người anh, người chị đã hy sinh thân mình bảo vệ nền độc lập tự do cho đất nước luôn được thế hệ trẻ ghi nhớ, phát huy trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

 

Lê Thức
Ý kiến bạn đọc
Top