Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 4 tháng 3 năm 2024 | 16:45

Thanh toán không dùng tiền mặt: Nhiều lợi ích

Đó là các lợi ích: Thanh toán nhanh chóng các giao dịch có giá trị lớn, các giao dịch ở xa; an toàn vì tránh được các rủi ro mang tiền mặt như mất cắp, tiền rách, tiền giả; chính xác số tiền cần thanh toán, nhất là khi phải trả các khoản lớn…

Chiều 04/3, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với UBND huyện Tư Nghĩa tổ chức Tọa đàm về thực trạng và giải pháp triển khai “Thanh toán không dùng tiền mặt” trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Trần Thanh Trường Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ngãi phát biểu tại buổi tọa đàm.

Ông Trần Thanh Trường, Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ngãi phát biểu tại buổi tọa đàm. 

Nhiều lợi ích

Theo ông Trần Thanh Trường, Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ngãi, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là hình thức thanh toán sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số như: ví điện tử, mobile banking, internet banking, QRCode,… Hình thức này mang lại nhiều lợi ích, như: Nhanh chóng thanh toán cho các giao dịch có giá trị lớn, các giao dịch ở xa; an toàn vì tránh được các rủi ro mang tiền mặt như mất cắp, tiền rách, tiền giả; chính xác số tiền cần thanh toán, nhất là khi phải trả các khoản lớn, số lẻ; người tiêu dùng khi thanh toán không dùng tiền mặt có thể nhận nhiều khuyến mãi từ người bán hàng; nhà cung cấp sản phẩm...

Thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích cho người dân

TTKDTM mang lại nhiều lợi ích cho người dân.

Bên cạnh đó, việc TTKDTM còn đem lại nhiều lợi ích to lớn đối với xã hội và việc phát triển kinh tế đất nước, như: Giảm chi phí in ấn tiền, chi phí vận chuyển, kiểm đếm và bảo quản tiền; hạn chế được lượng tiền mặt lưu thông, giúp giảm thiểu lạm phát, ổn định nền kinh tế quốc dân; thu hút nhiều hơn các khoản tiền nhàn rỗi trong xã hội, tăng nguồn vốn đầu tư, mở rộng sản xuất; minh bạch các hoạt động thanh toán, chống thất thu thuế; thuận tiện khi triển khai các dịch vụ công toàn trình…

Đứng đầu toàn quốc về thanh toán dịch vụ công trực tuyến

Năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức các khóa học mở trực tuyến như: Khóa học về dịch vụ công trực tuyến trên chuyên trang Chuyển đổi số tỉnh, sau hơn 01 tháng triển khai đã có hơn 224.000 lượt người tham gia; Khóa học về Thanh toán không dùng tiền mặt và đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường số đã thu hút 353.543 lượt người tham gia; Tổ chức Cuộc thi video về tổ công nghệ số cộng đồng, sau 01 tháng triển khai đã thu hút hơn 500 nghìn lượt tương tác trên Fanpage của Sở TT&TT, góp phần lan tỏa trong Nhân dân về chuyển đổi số, về vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng.

Viettel giới thiệu một số giải pháp TTKDTM

Viettel giới thiệu một số giải pháp TTKDTM 

Trong năm 2023, toàn tỉnh thanh toán trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia gần 101 tỷ đồng với hơn 86.560 giao dịch. Qua đó, giúp Quảng Ngãi luôn nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có thứ hạng cao về thanh toán trực tuyến trong cả nước. Từ tháng 11/2023 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi vẫn đang đứng đầu toàn quốc về thanh toán dịch vụ công trực tuyến (DVCTT).

Trong ngành Y tế, 100% cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; trong tháng 01/2024 đã có 3.418 lượt thanh toán viện phí không dùng tiền mặt (riêng Bệnh viện Sản - Nhi đã triển khai có hiệu quả thanh toán viện phí không dùng tiền mặt bằng mã QR-Code với 2.283 lượt thanh toán).

Trong ngành Giáo dục, 38/38 đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện cài đặt hệ thống TTKDTM (đạt 100%); 8/13 huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện cài đặt hệ thống TTKDTM (đạt 61,5%). Số học sinh đã thực hiện nộp học phí và BHYT bằng phương thức không dùng tiền mặt trong năm 2023 đạt 58,76% với tổng giá trị giao dịch khoảng hơn 61 tỷ đồng.

Đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, toàn tỉnh có 25.465/77.974 đối tượng có tài khoản của người thụ hưởng chính sách, người giám hộ, tài khoản ủy quyền; trong đó đã thực hiện việc chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng qua tài khoản cho 25.252/25.465, đạt 95,42% đối tượng bảo trợ xã hội đã có tài khoản, 32,39% trên tổng số đối tượng bảo trợ xã hội.

Đối với đối tượng người có công với cách mạng, toàn tỉnh có 3.064/32.432 đối tượng người có công, thân nhân người có công với cách mạng đăng ký chi trả qua tài khoản cá nhân và tài khoản ủy quyền; trong đó đã thực hiện việc chi trả kinh phí qua tài khoản cho 2.872/3.064 đối tượng đã có tài khoản ngân hàng, đạt tỷ lệ 93,73% và đạt 8,86% trên tổng số đối tượng người có công với cách mạng.

Toàn tỉnh có 1.680/118.994 đối tượng hộ nghèo, cận nghèo đã có tài khoản; trong đó đã thực hiện việc chi trả kinh phí qua tài khoản cho 1.526/1.680 đối tượng có tài khoản ngân hàng, đạt 90,83% và đạt 1,28% trên tổng số đối tượng hộ nghèo, cận nghèo.

Tiên phong thanh toán và chi trả KDTM

Báo cáo tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Đoàn Việt Vân cho biết:  Đến tháng 12/2023, đã mở thẻ chi trả cho 9.984 đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng (100%) trên địa bàn 14/14 xã, thị trấn. Đã mở thẻ và chi trả qua tài khoản cho đối tượng người có công với cách mạng trên địa bàn xã Nghĩa Điền.

Huyện đã chỉ đạo triển khai thực hiện TTKDTM tại các đơn vị trường học trên địa bàn. Đến nay, 49/49 trường công lập đã triển khai TTKDTM.

Cũng theo ông Đoàn Việt Vân, TTKDTM đang trở thành xu thế tất yếu. Tại Tư Nghĩa, việc triển khai TTKDTM đã được quan tâm thực hiện, nhằm hình thành thói quen, đưa thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu của người dân. Huyện đã phối hợp với Viettel Quảng Ngãi tổ chức Lễ ký kết hợp tác triển khai mô hình điểm Chuyển đổi số - Thanh toán số với 4 địa địa phương: Nghĩa Thuận, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Thắng, Nghĩa Điền. Mô hình góp phần giúp người dân từng bước tiếp cận với hình thức thanh toán điện tử, hạn chế dùng tiền mặt trong thanh toán, mua sắm, giao dịch...

Tại các chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh, ngân hàng, TTKDTM đang dần trở thành phương thức thanh toán tiện lợi, từng bước được phổ biến trong thực hiện các giao dịch thương mại của các tổ chức, cá nhân và người tiêu dùng trên địa bàn huyện Tư Nghĩa.

Còn đó những khó khăn

Theo đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bình Sơn, lãnh đạo một số địa phương chưa quan tâm, chú trọng thực hiện chỉ đạo thường xuyên công tác tuyên truyền, chưa bố trí hoặc bố trí chưa đúng cán bộ để thường xuyên đăng tải tin, bài tuyên truyền lên các trang thông tin điện tử và mạng xã hội về những mục tiêu, định hướng và các chính sách để phát triển TTKDTM.

Hướng dẫn về công tác tuyên truyền của ngành cấp trên về công tác TTKDTM  còn hạn chế, chưa phong phú. Công tác tuyên truyền kỹ năng số trong cộng đồng và tuyên truyền cổ động, truyền thông qua các trang thông tin điện tử của xã và mạng xã hội của cán bộ công chức cấp xã và Tổ công nghệ số cộng đồng ở thôn, tổ dân phố còn hạn chế.

Ngoài ra còn có lý do khách quan là một số người có tâm lý e ngại tiếp cận công nghệ mới trong TTKDTM, sợ rủi ro, không an toàn trong sử dụng dịch vụ, mạng lưới điểm giao dịch ngân hàng, máy ATM phân bổ chưa hợp lý…

Theo đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ba Tơ, TTKDTM là xu thế tất yếu của sự phát triển, đã phổ biến đối với người dân sống ở đô thị, khu vực đồng bằng trong thời công nghệ số, nhưng vẫn còn thưa vắng ở khu vực miền núi.

Việc thay đổi thói quen trong thanh toán từ tiền mặt sang không tiền mặt là một quá trình khó khăn đối với khu vực miền núi bởi  số người mạnh dạn khai thác và sử dụng hoạt động TTKDTM chưa nhiều, người dân  vẫn còn giữ thói quen sử dụng tiền mặt là phổ biến trong các giao dịch mua bán hiện nay.

Thậm chí có người làm việc trong các doanh nghiệp dù được trả tiền lương vào tài khoản nhưng chủ thẻ vẫn rút hết tiền mặt để chi tiêu hằng ngày bởi thói quen tiêu dùng tiền mặt đã ăn sâu vào tâm thức của họ; có tâm lý e ngại tiếp cận công nghệ mới trong thanh toán điện tử, ngân hàng, sợ rủi ro, mất an toàn trong sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Người dân không mặn mà với tài khoản ngân hàng, ngoài khu vực thị trấn Ba Tơ,  thì thói quen giao dịch, thanh toán thương mại của người dân vẫn chủ yếu bằng tiền mặt vẫn đang duy trì ở hầu khắp các xã trên địa bàn huyện. Dù họ có biết đến các ứng dụng TTKDTM, nhưng tiền sử dụng internet họ vẫn chờ người đến thu tận nhà, còn  tiền điện thì đến điểm thu tập trung để nộp.

Trên địa bàn huyện chỉ có  duy nhất Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng chỉ có 2 cây  ATM rút tiền đặt ở thị trấn. Thiếu cây ATM không chỉ gây khó khăn cho người dân ở các xã xa trung tâm thị trấn mà còn không khuyến khích được người dân mở tài khoản ngân hàng.

Bên cạnh đó, trình độ dân trí còn thấp và không đồng đều; việc sử dụng các ứng dụng số rất khó khăn; nhóm người cao tuổi, hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ khá cao ở Ba Tơ là những nhóm dân cư  am hiểu về các dịch vụ thanh toán của ngân hàng và công nghệ số còn hạn chế. Bên cạnh đó, thiếu điện thoại thông minh, nhiều vùng lõm sóng di động chưa có kết nối internet để sử dụng các dịch vụ tiện ích của ngân hàng nói riêng cũng như các dịch vụ số nói chung cũng là một khó khăn.

Phấn đấu đến năm 2025, 80% số người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch điện tử

Theo Kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Ngãi, đến năm 2025, TTKDTM trong thương mại điện tử đạt 50%; 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch điện tử; 90-100% số doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, cá nhân có phát sinh nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí nộp thuế bằng phương thức TTKDTM; 80-90% số đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình thanh toán tiền điện bằng phương thức TTKDTM; 80% số đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn đô thị thanh toán tiền nước bằng phương thức TTKDTM; Dịch vụ thu ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí nộp thuế bằng phương thức không dùng tiền mặt chiếm 90%; 90-100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán bằng phương thức TTKDTM; 90-100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 90% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức TTKDTM; 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ở đô thị được chi trả bằng phương thức TTKDTM.

Thúc đẩy thói quen TTKDTM

Theo lãnh đạo Sở TT&TT, để đạt được Kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Ngãi đề ra, cần thúc đẩy thói quen TTKDTM của người dân thông qua việc gia tăng các tính năng, tiện ích của dịch vụ; nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, nhanh chóng, hiệu quả, chi phí thấp.

Đề xuất giải pháp của Viettel

Đề xuất giải pháp của Viettel.

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chuyển đổi số, TKDTM trong các cơ quan, đơn vị, nơi thí điểm, trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, các cơ sở y tế, các cửa hàng, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại,...

Tổ chức tập huấn, hướng dẫn TTKDTM thường xuyên, rộng rãi và cho mọi đối tượng, người dân; phổ biến kiến thức về các hành vi lừa đảo, biện pháp nhận biết rủi ro, cách phòng tránh và một số giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cá nhân cho người dùng.

Giao dịch TTKDTM là một trong những hình thức thanh toán mới và sẽ là một kênh thanh toán phổ biến, tồn tại bên cạnh hình thức thanh toán truyền thống. Đây là hình thức thanh toán ứng dụng KHCN vào trong lĩnh vực tiền tệ, khách hàng có thể thực hiện các giao dịch thanh toán tài chính thông qua internet, mạng viễn thông mà không cần phải thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt. Vì vậy, hình thức TTKDTM sẽ tác động nhiều mặt đến KT - XH; giúp quá trình thanh toán dễ dàng và đơn giản hơn, an toàn hơn; giúp người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận các dịch vụ trên nền tảng Internet như y tế, giáo dục, tài chính, việc làm, an sinh xã hội,…

 

Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top