Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 16 tháng 11 năm 2022 | 14:0

Thấy gì từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà máy gạch tuynel ở Hà Tĩnh?

Tiếp nhận đơn thư của người dân và các doanh nghiệp sản xuất gạch tuynel trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, phóng viên Kinh tế nông thôn đã trực tiếp đến làm việc với các địa phương liên quan cùng lãnh đạo gần 20 nhà máy gạch tuynel trên địa bàn.

Trên cơ sở thực tế, phóng viên Kinh tế nông thôn ở Hà Tĩnh phát hiện nhiều bất cập trong hoạt động của các nhà máy gạch  tuynel  trên địa bàn.

 

Bài 1: Nhiều doanh nghiệp “khát” nguyên liệu

Toàn tỉnh Hà Tĩnh có 25 nhà máy được cấp phép thuê đất xây nhà máy nhưng chỉ có 10 nhà máy được cấp phép khai thác mỏ đất sét để sản xuất gạch. Vậy số nhà máy còn lại sẽ lấy đất sét ở đâu để sản xuất gạch?

Chỉ 40% nhà máy được cấp phép khai thác mỏ

Theo số liệu được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Tĩnh cung cấp, Hà Tĩnh có 25 nhà máy gạch được cấp phép thuê đất để xây dựng nhà máy sản xuất gạch tuynel có thời hạn. Trong đó, tổng diện tích đất được Nhà nước cho thuê để xây dựng nhà máy là 1.039.835,6 m2, nhà máy được thuê đất nhiều nhất là 118.126 m2, ít nhất là 7.545 m2. (Hiện có 3 nhà máy đã ngừng sản xuất – PV).

Ông Lê Xuân Tụng, Giám đốc Nhà máy gạch tuynel Phúc Trạch (áo xanh) giới thiệu quy trình sản xuất gạch cho phóng viên Kinh tế nông thôn

 

Cũng theo số liệu của Sở TN&MT Hà Tĩnh, trong số 25 nhà máy được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp phép xây dựng nhà máy sản xuất gạch nung tuynel, chỉ có 10 nhà máy được UBND tỉnh cấp phép khai thác mỏ đất sét để sản xuất gạch nung với tổng diện tích 55,32ha, đó là các nhà máy thuộc các công ty: Công ty TNHH Thương mại An Thuận Phát (xã Kỳ Tân, Kỳ Anh) diện tích 4,92 ha; Công ty TNHH Thuận Hoàng (xã Việt Tiến, Thạch Hà) 3,86 ha; Công ty CP Kinh doanh vật liệu xây dựng Hà Tĩnh (xã Thạch Kênh, Thạch Hà) 6,1 ha; Công ty CP Trung Đô (xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà) 3,5 ha; Công ty CP Nghệ Tĩnh (xã Phúc Đồng, Hương Khê) 9,7 ha; Công ty CP Đầu tư An Bình (xã Hương Bình, Hương Khê) 7,2 ha; Công ty CP Lam Hồng (xã Phúc Trạch, Hương Khê) 5,76 ha; Công ty TNHH Thuận Hoàng (xã Hà Linh, Hương Khê) 7,34 ha; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và DV Hương Sơn (xã Sơn Tây, Hương Sơn) 2,94 ha và Công ty TNHH Anh Đức (xã Hồng Lộc, Lộc Hà) 4 ha.

Quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại tại Nhà máy gạch Thiên Lộc (huyện Can Lộc)

Theo hồ sơ đăng ký, công suất của 10 nhà máy nêu trên sản xuất từ 16 triệu viên/năm đến 60 triệu viên/năm. Và thêm vào đó, mới đây, có Nhà máy gạch tuynel Ngọc Sơn thuộc Công ty CP đầu tư và xây dựng Phú Hưng Hà Tĩnh (xã Ngọc Sơn, Thạch Hà), đang xây dựng và sắp đi vào hoạt động với công suất lên đến 90 triệu viên/năm.

Số nhà máy còn lại theo chúng tôi được biết cũng được đăng ký công suất từ 10 triệu viên/năm trở lên, thậm chí có nhà máy hiện được nâng công suất lên rất lớn nhưng không được cấp phép khai thác mỏ đất sét để sản xuất loại gạch này nên dẫn đến tình trạng khai thác đất chui, đất lậu, đất trôi nổi và mua bán đất bất hợp pháp. Thậm chí có nhà máy còn khai thác đất sét trái phép trong khuôn viên trụ sở công ty để sản xuất loại gạch nung này.

Nhà máy gạch tuynel Việt Tiến (xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà) có quy trình xử lý nước thải bảo đảm đúng quy định

Nếu nhẩm tính, chúng ta có thể thấy rằng, nhà máy có công suất 10 triệu viên/năm, tạm tính sản xuất mỗi viên gạch 1,5 kg đất sét thì mỗi nhà máy cần có 15 triệu kg đất sét/năm để sản xuất (tương đương 10.345 m3 đất sét - PV). Như vậy, có 15 nhà máy không được cấp phép khai thác mỏ đất nguyên liệu sẽ cần phải có 225 triệu kg đất sét/năm (tương đương 155.173 m3 đất sét - PV) để sản xuất gạch nhưng lại không được cấp phép mỏ đất để khai thác, vậy thử hỏi 15 nhà máy gạch tuynel này sẽ lấy  đâu ra hơn 155 ngàn m3 đất sét để sản xuất gạch/năm (?!)

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị

Quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết trước thực trạng những bất cập nêu trên. Ngày 20/7/2020, một số doanh nghiệp có nhà máy sản xuất gạch tuynel trên địa bàn Hà Tĩnh đã có cuộc họp và có đơn kiến nghị đến Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xung quanh những vấn đề này.

Doanh nghiệp mong muốn UBND tỉnh Hà Tĩnh cần quan tâm để cứu các nhà máy sản xuất gạch nung tuynel

Cụ thể văn bản nêu: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 20 nhà máy sản xuất gạch tuynel với công suất theo thiết kế 470 triệu viên/năm. Trong đó các nhà máy hiện tại chỉ sản xuất khoảng 50% công suất và một năm chỉ sản xuất được từ 6 đến 8 tháng, có một số nhà máy đang ngừng sản xuất do sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được và một số nhà máy không đủ nguyên liệu, tài chính để sản xuất.

Bên cạnh đó, có một số nhà máy đầu tư sản xuất kinh doanh gạch tuynel có công suất lớn, nhưng công suất sản xuất chỉ ở mức 20 - 30%... Điều đó đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc làm và thu nhập cho người lao động tại các nhà máy này.

Nhà máy gạch tuynel Hương Bình (huyện Hương Khê) được đánh giá là nhà máy bảo đảm tốt mọi quy trình trong sản xuất và bảo vệ môi trường

Trong khi đó, để thành lập và xây dựng một nhà máy sản xuất gạch tuynel tính trung bình các đơn vị phải bỏ ra 40 – 80 tỷ đồng, đơn vị quy mô lớn có thể tới trên 250 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư đa số là vốn vay ngân hàng. Trong khi sản xuất kinh doanh không bảo đảm công suất thì tiến độ trả nợ gốc và lãi là rất khó.

Mặt khác, thực hiện theo chủ trương của Nhà nước về việc hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trong những năm gần đây, các nhà máy đang hoạt động sản xuất kinh doanh gạch tuynel lại thêm chồng chất khó khăn trong việc khai thác, mua nguồn đất sét nguyên liệu.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng kiến nghị: UBND tỉnh Hà Tĩnh cần có chính sách tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy sản xuất kinh doanh gạch tuynel, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp nguồn đất nguyên liệu để các doanh nghiệp duy trì tồn tại, phát triển, thu hồi nguồn vốn đã đầu tư.

Nhà máy gạch tuynel Bình Hà (xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà) được đầu tư cơ bản, hiện đại

Bên cạnh đó, cần xem xét lại quy trình pháp lý việc cải tạo sửa chữa, tự ý nâng công suất trái quy định của một số nhà máy cũng như quy trình và điều kiện việc cấp phép đầu tư xây dựng mới Nhà máy gạch tuynel Ngọc Sơn của Công ty CP đầu tư và xây dựng Phú Hưng Hà Tĩnh tại xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà với công suất 90 triệu viên/năm. Tạm dừng việc đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng công suất và cấp phép mới sản xuất gạch tuynel theo “Thông báo số 14/TB-VPCP ngày 09/01/2018, thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị toàn quốc về vật liệu xây dựng”.

Có biện pháp kiểm tra thủ tục pháp lý, chất lượng và các quy định pháp luật khác của các xe chở gạch từ các tỉnh khác vào tiêu thụ tại Hà Tĩnh, tránh thất thu thuế cho tỉnh nhà và khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Hà Tĩnh… 

Trước những kiến nghị của đại diện một số doanh nghiệp, ngày 11/01/2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Văn bản số 186/UBND-XD thống nhất gửi các sở, ngành và các địa phương liên quan cùng 10 doanh nghiệp đại diện. Văn bản nêu rõ: “Xét đề nghị tại Đơn kiến nghị ngày 23/9/2020 của một số doanh nghiệp về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà máy sản xuất gạch tuynel trên địa bàn tỉnh; Báo cáo đề xuất của Sở Xây dựng tại Văn bản số 2994/SXD- QLN&VLXD ngày 23/10/2020.

Nhà máy gạch tuynel Cầu Họ hiện sản xuất cầm chừng vì thiếu nguồn đất sét

Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất như báo cáo của Sở Xây dựng tại văn bản nêu trên và có ý kiến như sau: Yêu cầu các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và lộ trình giảm dần sản xuất, sử dụng gạch sét nung. Đối với các nhà máy sản xuất gạch tuynel, nếu không có nguồn đất sét được cấp phép, phải dừng hoạt động hoặc chuyển đổi sang công nghệ sản xuất khác theo đúng quy định. Về nguồn nguyên liệu cho các nhà máy gạch tuynel, giao UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ Văn bản số 243/UBND-CN1 ngày 18/01/2016 của UBND tỉnh, Văn bản số 362/HĐND ngày 05/8/2020 của HĐND tỉnh, đề xuất bổ sung quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dụng thông thường và phương án thu hồi khoáng sản dôi dư trong quá trình thi công các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo đúng quy định, báo cáo gửi Sở TN&MT để tổng hợp, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh.

Về việc kinh doanh, sử dụng gạch xây có nguồn gốc từ các tỉnh ngoài, yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với những vi phạm (nếu có) của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng.

Như vậy, sau kiến nghị của đại diện các doanh nghiệp có nhà máy sản xuất gạch tuynel trên địa bàn Hà Tĩnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản trả lời và chỉ đạo cụ thể. Vậy, tại sao một số nhà máy không bảo đảm đúng quy định vẫn hoạt động? Thậm chí có một số nhà máy sau nhận chuyển nhượng, mặc dù không được cấp phép khai thác mỏ đất sét nhưng vẫn cố tình xây dựng, sửa chữa, nâng công suất, rồi bất chấp quy định ngang nhiên khai thác đất trái phép...!?

Bài 2: Nhiều nhà máy không chấp hành quy định pháp luật!

 

Xuân Hoàng - Lê Cử
Ý kiến bạn đọc
Top