Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 5 năm 2023 | 8:50

Tổ chức thị trường cho quả vải: Bắc Giang và Hải Dương xây dựng nhiều kịch bản

Vải thiều bắt đầu vào vụ thu hoạch. Hai địa phương có diện tích vải lớn là Bắc Giang và Hải Dương đã và đang triển khai nhiều giải pháp để quảng bá, xúc tiến, tiêu thụ, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm.

Chuẩn bị tốt nhất cho chất lượng

Theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, năm nay thời tiết thuận lợi, các trà vải trên địa bàn tỉnh sinh trưởng, phát triển tốt. Để đảm bảo niên vụ vải thiều 2023 tiếp tục thắng lợi, tỉnh tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các hộ nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại ngay từ đầu vụ, đảm bảo theo đúng quy trình kỹ thuật; hướng dẫn thực hiện đúng quy định của nước nhập khẩu, hệ thống phân phối về quy trình thu hoạch, bảo quản, đóng gói, sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm…

Tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của tỉnh vào thị trường Hoa Kỳ năm 2023.

Năm 2023, tổng diện tích vải thiều của Bắc Giang là 29.700ha, sản lượng ước đạt trên 180.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều từ ngày 25/5 đến ngày 30/7. Tỉnh duy trì 178 mã số vùng trồng đủ điều kiện sản xuất phục vụ xuất khẩu, diện tích 16.694,9ha; đồng thời hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp thêm 45 mã số vùng trồng; nâng tổng số vùng sản xuất năm 2023 là 223 vùng trồng, sản lượng ước đạt trên 115.000 tấn phục vụ xuất khẩu. Duy trì 215 cơ sở đủ điều kiện đóng gói quả vải tươi xuất khẩu.

Huyện Thanh Hà (Hải Dương) hiện có 3.265ha vải, sản lượng khoảng 40.000 tấn. Chất lượng vải thiều không ngừng được nâng cao. Toàn huyện có khoảng 500ha vải được công nhận đạt tiêu chuẩn GAP; trong đó có 400ha VietGAP và 50ha GlobalGAP còn hiệu lực. Năm 2023, dự kiến tiếp tục sản xuất và chứng nhận đạt chuẩn GAP khoảng 200ha. Vải u trứng trắng cho thu hoạch sớm nhất, khoảng nửa cuối tháng 5. Vải thiều chính vụ sẽ cho thu hoạch từ giữa tháng 6.

Nông dân xã Minh Tiến (Phù Cừ - Hưng Yên) thu hoạch vải lai chín sớm.

Bà Lương Thị Kiểm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hải Dương, cho biết, ngành Nông nghiệp đã chủ động phối hợp với đơn vị liên quan cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Đến nay, tỉnh đã có 199 mã số vùng trồng vải được cấp với tổng diện tích 1.119ha. Sở cũng đang đề nghị Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cấp 5 mã số vùng trồng vải sang thị trường Trung Quốc.

Hải Dương đã có 21 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Nhật Bản và Thái Lan. Hiện, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đang đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mới 3 mã số cơ sở đóng gói vải xuất khẩu sang Trung Quốc với công suất 500 tấn/ngày. Riêng Thanh Hà có 45 vùng sản xuất vải đã được cấp 168 mã số vùng trồng xuất khẩu.

Đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, cho biết, năm nay, thị trường nội địa dự kiến tiêu thụ 81.000 tấn, xuất khẩu khoảng 99.000 tấn, chủ yếu xuất sang Trung Quốc, EU, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE, Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia…

Để tiêu thụ vải thiều được thuận lợi, ông Nguyễn Thế Thi, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), cho biết, huyện sẽ phối hợp với Sở Công Thương và chủ động thành lập đoàn công tác khảo sát, tìm hiểu thị trường Trung Quốc; thành lập các đoàn khảo sát thị trường các cửa khẩu của Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, các chợ đầu mối miền Nam như: Thủ Đức, Dầu Giây; gặp mặt Ban quản lý khu công nghiệp của Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên để tổ chức kết nối cung ứng sản phẩm đến công nhân, người lao động; khảo sát, làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc vận chuyển hàng nông sản của địa phương.

Với sự chủ động trong quảng bá, xúc tiến, tiêu thụ, hy vọng vụ vải thiều năm nay sẽ thắng lớn.

Bắc Giang có một số cách làm mới như: thành lập các đoàn công tác sang Trung Quốc và một số nước như: Thái Lan, Campuchia để xúc tiến thương mại, thông tin cho các doanh nghiệp về sản lượng và chất lượng vải thiều của Lục Ngạn. Bên cạnh đó, chủ động ký kết với các sàn giao dịch thương mại điện tử để có thể bán hàng trực tuyến.

Mới đây, Bắc Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế vào thị trường Mỹ. Năm 2023, dự kiến sẽ có 1.500 tấn vải được xuất khẩu sang thị trường này.

Ông Nguyễn Thanh Dương, Phó Giám đốc Chi nhánh Khu vực Việt Nam - Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), cho biết, Vietnam Airlines cam kết sẽ chủ động trong việc tham gia có trách nhiệm các Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều; tìm hiểu thị trường; khảo sát nhu cầu vận chuyển; kết nối với các nhà xuất khẩu, công ty logistics,... để xây dựng các sản phẩm, dịch vụ vận tải hàng không từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh xuất khẩu, vận chuyển quả vải đáp ứng các nhu cầu xuất khẩu theo tiêu chuẩn cao nhất.

Hơn 200 thương nhân Trung Quốc đã đăng ký nhập cảnh vào Việt Nam cuối tháng 5 và đến Bắc Giang giám sát vùng nguyên liệu, ký kết các hợp đồng thu mua vải thiều.

Để sẵn sàng các phương án tiêu thụ vải thiều, cuối tháng 4/2023, Sở Công Thương Hải Dương và UBND huyện Thanh Hà cũng tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2023. Ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương, cho biết, ngay từ đầu mùa vải, ngành Công Thương đã  triển khai xúc tiến thương mại. Đề phòng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh chủ động duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, xác định tập trung thị trường nội địa.

Ngành Công Thương đã kết nối với các tỉnh, thành phố, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị lớn, sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá chất lượng, sản lượng vải Hải Dương và thông qua hội nghị quốc tế để giới thiệu quả vải Thanh Hà tới thị trường mới.

Để chủ động đầu ra cho quả vải, Thanh Hà cũng đã xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại tại nhiều tỉnh, thành phố, tập trung phối hợp với trung tâm, siêu thị lớn tại các thành phố tập trung dân cư, khu công nghiệp; tổ chức Tuần lễ Vải thiều Thanh Hà tại Hà Nội; lập đoàn xúc tiến thương mại sản phẩm vải thiều tại một số địa phương, cửa khẩu...

Hy vọng, với sự chủ động trong việc nâng cao chất lượng, quảng bá, xúc tiến, tiêu thụ, vụ vải thiều năm nay tại Bắc Giang và Hải Dương lại được mùa, thắng lớn.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top