Để kịp thời đánh giá, ghi nhận, tôn vinh và biểu dương những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, nhà sáng chế trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức Chương trình tôn vinh: “Nhà Khoa học của Nhà nông” lần thứ tư năm 2022.
Chương trình “Nhà khoa học của Nhà nông” tôn vinh 62 nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, chủ doanh nghiệp và nhà nông sáng tạo có công trình nghiên cứu, giải pháp sáng tạo, sản phẩm công nghệ đã được ứng dụng rộng rãi và được các cơ quan chức năng chứng nhận mang lại nhiều lợi ích cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Một trong số các Nhà khoa học có học hàm, học vị có nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng điển hình được vinh danh năm nay là PGS.TS Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT).
Một số nghiên cứu, ứng dụng tiêu biểu của ông là: Ứng dụng công nghệ phù hợp để sấy cói nguyên liệu và bảo quản lạnh sản phẩm cói đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản; hoàn thiện công nghệ và hệ thống thiết bị chế biến gia vị bằng phương pháp chiên hở trên băng chuyền liên tục, qui mô 700 - 1.000kg nguyên liệu/ngày; hoàn thiện công nghệ và hệ thống thiết bị sản xuất colophan và tinh dầu thông, quy mô 5.000 tấn sản phẩm/năm; nghiên cứu công nghệ và thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị điều chỉnh khí, ứng dụng trong bảo quản một số loại rau, quả, hoa tươi; nghiên cứu công nghệ, thiết kế chế tạo hệ thống thiết bị cấp đông nhanh bằng chất tải lạnh lỏng, ứng dụng trong chế biến một số loại thủy sản; nghiên cứu công nghệ và hệ thống thiết bị bảo quản chè bằng tổ hợp silo có sử dụng bơm nhiệt; nghiên cứu công nghệ sơ chế, bảo quản dược liệu sau thu hoạch ở quy mô công nghiệp; nghiên cứu công nghệ và thiết bị bảo quản, chế biến rong nho quy mô công nghiệp.
Nhà khoa học này đã có 5 tiến bộ kỹ thuật được công nhận: Quy trình công nghệ sơ chế, bao gói MAP, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ cho quả nho tại tỉnh Ninh Thuận; Quy trình công nghệ sơ chế, bao gói MAP, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ cho quả táo tại tỉnh Ninh Thuận; Quy trình sấy gỗ rừng trồng bằng công nghệ bơm nhiệt chân không; Quy trình công nghệ rấm chín chuối bằng khí ethylene; Quy trình công nghệ sản xuất puree chuối ứng dụng trên dây chuyền thiết bị đồng bộ, năng suất 3 tấn nguyên liệu/giờ...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (bìa phải) và Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trao chứng nhận cho tác giả được vinh danh lần 3 năm 2020. Ảnh: BTC.
“Nhà khoa học không chuyên” tiêu biểu được vinh danh năm nay là anh Nguyễn Văn Huỳnh, sinh năm 1993, dân tộc Tày, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Huỳnh Phát (Yên Bái). Giải pháp sáng tạo của anh Huỳnh là bếp bình đun nóng lạnh tận dụng nhiệt thừa. Bếp đun củi nóng lạnh Huỳnh Phát được sử dụng thay cho bình nóng lạnh điện, nóng lạnh gas, bình năng lượng mặt trời. Giải pháp này tiết kiệm tiền điện, tiền gas cho gia chủ, là sản phẩm rất phù hợp ở nông thôn, với các hộ gia đình còn sử dụng chất đốt bằng củi, rơm rạ, mùn cưa, vỏ trấu, chất đốt bằng thực vật.
Bình bảo ôn với dung tích từ 60 – 5.000 lít có tác dụng giữ nhiệt từ 24 - 40 giờ. Dung tích nước nóng nhiều, ngoài sử dụng cho gia đình còn có thể sử dụng cho tập thể như khu nội trú, bán trú, xí nghiệp, công ty, doanh trại quân đội, dịch vụ xông hơi, tắm lá thuốc, trang trại nuôi ếch, nuôi cá… Giải pháp loại bỏ nỗi lo điện giật, cháy nổ; không lo chi phí phát sinh; tiết kiệm chất đốt và không cần bổ nhỏ củi; rút ngắn thời gian đun nấu; dễ dàng sử dụng, gọn gàng, sạch sẽ... Bếp đã được trên 8.000 khách hàng sử dụng, được đưa vào sản xuất trên 8 năm, đến nay những khách hàng lắp đặt đầu tiên vẫn hoạt động tốt. Hiện tại đã có 18 đại lý tại các tỉnh thành trong khu vực Đông Bắc và Tây Bắc, sản phẩm đã được lắp đặt tại hầu hết các xã, huyện trong tỉnh Yên Bái và nhiều địa phương ở các tỉnh, thành phố khác.
“Nhà khoa học của Nhà nông” được tôn vinh đến từ khối doanh nghiệp, hợp tác xã có Kỹ sư Mai Kiều Liên – Tổng Giám đốc CTCP Sữa Việt Nam. Trên góc độ khoa học quản trị kinh doanh, bà Mai Kiều Liên đã có những giải pháp quyết định ảnh hưởng tích cực đến hàng ngàn gia đình nông dân nuôi bò sữa như: Các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp công nghệ, vật tư chăn nuôi, xây dựng vùng nguyên liệu, chính sách cho vay về phân bón, hạt giống và trả chậm... giúp người dân chăn nuôi bò sữa giảm giá thành sản xuất, kiểm soát dịch bệnh bò sữa. Bà Liên cũng là người lãnh đạo doanh nghiệp đổi mới tư duy, đột phá trong lĩnh vực khoa học công nghệ; ứng dụng khoa học – công nghệ - kỹ thuật và sáng kiến trong nông nghiệp vào ngành sản xuất và chế biến sữa, đưa Vinamilk trở thành thương hiệu quốc tế và là đối tác tin cậy của nông dân nuôi bò sữa Việt Nam.
Bà Bùi Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Chương trình cho biết: “Đây là chương trình mang ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn, được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm, không chỉ tôn vinh công trình khoa học của những Nhà khoa học có học hàm học vị mà còn tôn vinh những chuyên gia, nhà quản lý, cá nhân người nông dân có phát minh, sáng kiến, giải pháp, quy trình kỹ thuật công nghệ được ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả kinh tế cao; chuyển giao và nhân rộng giá trị ra cộng đồng xã hội, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân và cộng đồng.
Chương trình cũng củng cố, vun đắp, xây dựng và nâng cao nhận thức về vai trò cực kỳ quan trọng của mối quan hệ giữa Nhà nông và Nhà khoa học, nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII của Đảng về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, nâng cao năng suất, chất lượng tốt và bảo vệ môi trường bền vững.
Đặc biệt, tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông” chính là sự tri ân của giai cấp Nông dân đối với những nhà khoa học, những cá nhân đã và đang đồng hành, sát cánh và có nhiều công lao đối với giai cấp Nông dân; góp phần xứng đáng vào phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra: Đến năm 2045, nước ta là nước công nghiệp phát triển, có thu nhập cao”.
Lễ tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” lần thứ tư, năm 2022, được tổ chức tại Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội - Số 130, Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội và được Truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam từ 09h00 đến 10h10 ngày 10/12/2022.
Nguyên Hoa
“Trong những ngày đầu tháng 12 này, Khu đền tháp Mỹ Sơn cùng với Đô thị cổ Hội An tròn 25 năm ngày được Unesco công nhận Di sản văn hóa của nhân loại. Niềm vinh dự này, không phải địa phương nào cũng có được, tôi xin được chia sẻ niềm vui và niềm tự hào này đối với thành phố Hội An và huyện Duy Xuyên, chúc cho công tác bảo tồn các di sản ngày càng tốt đẹp, đạt được những thành công hơn nữa” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nói.
Tối 28/11, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khai mạc Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản”, với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật các tỉnh: Nghệ An, Bắc Ninh, Phú Thọ, Quảng Nam, Lâm Đồng và Hà Tĩnh.