Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 17 tháng 1 năm 2023 | 15:10

Trái cây, món ăn vặt có lợi cho người tiểu đường dịp Tết

Táo, bưởi, cam, bơ, sữa chua… là những loại trái cây, món ăn vặt có chỉ số đường huyết thấp, tốt cho sức khỏe người bệnh tiểu đường ngày Tết.

Tăng đường huyết không kiểm soát trong chế độ ăn khiến người bệnh tiểu đường đối diện nhiều biến chứng như: mù lòa, suy thận, đau tim, đột quỵ, cắt cụt chân... Việc chọn thực phẩm lành mạnh trong chế độ ăn vặt cũng rất cần thiết.

Dưới đây là một số loại trái cây, món ăn vặt tốt cho người tiểu đường được BS.CKII Trần Thùy Ngân (khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) tư vấn.

Trái cây

Táo có nhiều chất xơ, ít calo, giàu flavonoid có thể chống lại bệnh tiểu đường. Người bệnh có thể ăn cả vỏ táo khi rửa sạch. Một trái táo cỡ vừa có khoảng 25 g carb (trong đó, có 19 g đường, 4 g chất xơ). Chất xơ hỗ trợ quá trình chuyển hóa glucose, ngăn ngừa lượng đường trong máu và mức insulin tăng đột biến. Tuy nhiên, người bệnh chỉ ăn nửa trái táo trong lần ăn vặt.

Cam chứa chỉ số đường huyết GI thấp từ 40-50, giàu chất xơ giúp ổn định lượng đường trong máu. Cam có hàm lượng vitamin, chất chống oxy hóa cao, góp phần chống viêm, ngăn bệnh tim, stress oxy hóa. Ăn 1-2 trái cam với trọng lượng 200 g có lợi cho người bệnh tiểu đường.

Bưởi giàu vitamin C, chất chống oxy hóa giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Ảnh: Freepik

Bưởi có chỉ số đường huyết thấp, với mức GI là 25, GL (tải lượng đường huyết) là 6 sẽ không làm tăng lượng đường trong máu nhanh chóng hoặc không ảnh hưởng đến việc sản xuất insulin của cơ thể. Nửa trái bưởi cỡ trung bình chứa khoảng 8 g đường, gần bằng lượng đường có trong một quả táo hoặc cam nhỏ. Do đó, người bệnh có thể ăn khoảng 2-3 múi bưởi.

Bơ chứa nhiều vitamin, chất dinh dưỡng, giàu chất xơ, chất béo có lợi cho tim. Dù bơ có nhiều chất béo nhưng đây là loại chất béo không bão hòa đơn có lợi cho những người bệnh tiểu đường type 2, giúp giảm cân, tăng mức cholesterol tốt (HDL) trong máu, loại bỏ cholesterol xấu (LDL). Bơ cũng có hàm lượng carbohydrate thấp nên không ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Một nửa trái bơ nhỏ chứa khoảng 5,9 g carbohydrate và 4,6 g chất xơ. Người bị tiểu đường có thể ăn 1/4 trái bơ.

Bắp cung cấp vitamin (vitamin A, B, C), khoáng chất (kali, magie, sắt, kẽm), chất xơ, ít natri, chất béo. Một trái bắp cung cấp khoảng 77 calo, 17,1 g carbohydrate, 2,4 g chất xơ, 2,9 g đường, 2,9 g chất đạm, 1,1 g chất béo. Bắp có chỉ số đường huyết thấp là 52, không ảnh hưởng đến lượng đường huyết trong máu nếu ăn lượng phù hợp. Người bệnh tiểu đường chỉ nên ăn khoảng nửa trái bắp tương ứng với 90 g.

Món ăn vặt

Sữa chua không đường người bệnh chọn sữa chua ít béo trong khẩu phần ăn vặt. Dù sữa chua dạng này chứa ít calo, ít chất béo nhưng bạn không nên ăn quá nhiều sữa chua trong ngày để tránh bổ sung nhiều calo, chất béo vào chế độ ăn uống. Có nhiều loại sữa chua không đường khác nhau như sữa chua hữu cơ được làm bằng sữa hữu cơ hoặc các thành phần hữu cơ khác; sữa chua không đường; sữa chua thuần chay (có thể chứa hoặc không chứa canxi, vitamin D): sữa chua đậu nành, hạnh nhân, hạt điều, yến mạch, hạt lanh.

Người bệnh có thể thêm các loại trái cây ăn kèm như: trái cây tươi (việt quất, dâu tây, nho, mâm xôi) hoặc trái cây sấy khô không đường.

Salad thành phần chính tạo nên món salad gồm: rau xanh, rau nhiều màu sắc (dưa chuột, nấm, ớt chuông, bông cải xanh, măng tây, hành tây, cà rốt), nước xốt. Một số loại salad người bệnh có thể lựa chọn như: salad trái cây, salad gà băm nhỏ, salad bông cải... Khẩu phần phù hợp là khoảng nửa chén salad ăn vặt.

Bác sĩ Thùy Ngân chia sẻ thêm, người bệnh tiểu đường khi lựa chọn các đồ ăn vặt có thể chọn món ngọt hoặc mặn nhưng cần phù hợp, ăn với hàm lượng vừa phải để tránh lượng đường trong máu tăng đột biến. Người bệnh không nên nhịn đói cả ngày hoặc quá đói, sau đó tiêu thụ một lượng lớn glucose (đường) cùng một lúc trong một bữa ăn. Thay vào đó, người bệnh ăn các bữa ăn chính, đồ ăn nhẹ với khẩu phần nhỏ đến vừa phải, khoảng 2-3 tiếng một lần để không bị đói, ăn quá nhiều cùng lúc.

Đồ ăn vặt từ trái cây cho người tiểu đường có nhiều sự lựa chọn, tuy nhiên, cần lưu ý lựa chọn thực phẩm hợp lý, hàm lượng vừa phải để tránh nguy cơ tăng lượng đường trong máu. Người bệnh tiểu đường type 2 có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng để được hướng dẫn.

Theo vnexpress.net

 

Ý kiến bạn đọc
Top