Bát phở, hàng phở, trong đó rất nhiều do người Nam Định làm ra, làm chủ là hình ảnh thân quen, gần gũi, trở thành một nét văn hóa, được cả những người đến từ các quốc gia khác, nền văn hóa khác, thói quen ăn uống khác đón nhận, yêu thích.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 2326/QĐ-BVHTTDL công bố đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với “Tri thức dân gian Phở Nam Định tỉnh Nam Định”.
Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch
Cũng theo quyết định, Chủ tịch UBND các cấp nơi có Di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục, trong phạm vi nhiệm vụ và thẩm quyền thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Tỉnh Nam Định nằm ở trung tâm vùng Nam Đồng bằng sông Hồng, có gần 100 làng nghề truyền thống. Nhiều làng nghề, ngành nghề cho đến nay vẫn đang trường tồn, phát triển mạnh mẽ, trong đó có nghề phở.
Nghệ nhân làng phở Vân Cù (xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) trình diễn nghệ thuật làm phở tại làng.
Theo các tài liệu, từ những năm đầu thế kỷ XX, tại làng Vân Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, đã có những người đầu tiên làm nghề phở. Từ làng quê của mình họ lên TP Nam Định, ra Hải Phòng, lên Hà Nội… hành nghề.
Từ làng Vân Cù, ngày nay nghề bán phở đã “lan ra” nhiều làng xã khác ở huyện Nam Trực và tỉnh Nam Định, với rất đông số người, số hộ tham gia, xem như là sinh kế chính, hành nghề ở mọi miền đất nước, tạo ra thương hiệu "Phở Nam Định".
Nước dùng, yếu tố quan trọng quyết định độ ngon của bát phở.
Nghề làm phở không chỉ đơn thuần là một nghề mưu sinh. Phở cũng không đơn thuần chỉ là một món ăn sáng. Với đặc tính ngon, bổ, rẻ, tiện lợi, phổ quát, với người Việt, bát phở, hàng phở, trong đó rất nhiều do người Nam Định làm ra, làm chủ là hình ảnh rất thân quen, gần gũi, hơn thế đã trở thành một nét văn hóa, được cả những người đến từ các quốc gia khác, nền văn hóa khác, thói quen ăn uống khác đón nhận, yêu thích.