Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 23 tháng 6 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 6 năm 2024 | 10:20

Tuyên Quang gỡ khó cho các mô hình thí điểm trong xây dựng NTM

Tỉnh Tuyên Quang đang triển khai thực hiện 3 mô hình thí điểm trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, đến nay, các mô hình đã đạt được những kết quả bước đầu, song cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cần được tháo gỡ kịp thời.

Kết quả bước đầu

Nhằm nâng tầm Chương trình xây dựng NTM, Tuyên Quang đã triển khai 3 mô hình (chợ an toàn thực phẩm, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP chế biến từ thịt lợn đen bản địa gắn với vùng chăn nuôi tập trung và phát triển mô hình du lịch nông thôn, xây dựng làng văn hóa cộng đồng) thí điểm trong giai đoạn 2021 -  2025.

Đánh giá về tiến độ thực hiện các mô hình, báo cáo  của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang nêu rõ: mô hình Chợ an toàn thực phẩm tại xã Thượng Lâm (Lâm Bình) đang triển khai đến bước trình thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật để tổ chức thực hiện. Dự kiến, tháng 5 - 6/2024, phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu thi công. Trong quý III/2025, hoàn thành các nội dung thực hiện của mô hình.

Đối với mô hình Phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP chế biến từ thịt lợn đen bản địa gắn với vùng chăn nuôi tập trung tại xã Đông Thọ (Sơn Dương), Chi cục Phát triển nông thôn đã thực hiện khảo sát địa điểm và nhu cầu các nội dung cần đầu tư để xây dựng mô hình thí điểm tại Hợp tác xã (HTX) Sản xuất thực phẩm an toàn Sáng Nhung.

Hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn của HTX sản xuất thực phẩm an toàn Sáng Nhung.

Qua khảo sát thực tế, dự kiến các nội dung, tổng kinh phí đầu tư xây dựng dự án mô hình là 25.500 triệu đồng. HTX Sản xuất thực phẩm an toàn Sáng Nhung đang triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục công trình gồm: Nhà xưởng sơ chế, chế biến thực phẩm và nhà kho, bể chứa, xử lý phân, nước thải, sản xuất phân vi sinh (nguồn vốn thực hiện của Hợp tác xã tự đầu tư).

Chi cục Phát triển nông thôn đã phối hợp với HTX rà soát các căn cứ pháp lý để triển khai xây dựng dự án. Là mô hình chăn nuôi tập trung nên cần phải đáp ứng các điều kiện nhất định về vị trí, quy mô xây dựng trang trại phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng chiến lược phát triển chăn nuôi; có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động chăn nuôi chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi…

Theo quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018, HTX phải xin điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết công trình trang trại chăn nuôi lợn tập trung tại địa bàn xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương và mở rộng sang thôn Thượng Bản, xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương (đã được phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết).

Các đại biểu tham quan, đánh giá tiềm năng phát triển du lịch tại thôn Bản Ba 1, Bản Ba 2, xã Trung Hà.

Về Mô hình thí điểm Phát triển mô hình du lịch nông thôn, xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng tại thôn Bản Ba 1, Bản Ba 2, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa, UBND huyện đã và đang triển khai lập quy hoạch chi tiết Làng văn hoá du lịch Bản Ba; phục dựng và tổ chức thành công 03 lễ hội tại xã Trung Hà; thành lập và hỗ trợ hoạt động cho 01 câu lạc bộ bảo tồn văn hoá truyền thống dân tộc Dao; 01 đội văn nghệ truyền thống bước đầu phục vụ khách du lịch; hỗ trợ các hộ gia đình làm dịch vụ homestay. Huyện Chiêm Hóa đã phân bổ nguồn kinh phí là 4,3 tỷ đồng cho các đơn vị để triển khai thực hiện, tuy nhiên đến nay chưa giải ngân.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, trong quá trình thực hiện các mô hình, còn gặp nhiều khó khăn.

Thác Bản Ba, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) cao 3 tầng trải dài  3km, độ cao khoảng 1.000m, là điểm đến cho khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

Đối với mô hình du lịch nông thôn, xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng tại thôn Bản Ba 1, Bản Ba 2, xã Trung Hà: Đây là mô hình thí điểm của Trung ương được phê duyệt triển khai thực hiện lần đầu nên trong quá trình triển khai còn lúng túng, dẫn đến tiến độ chậm; hệ thống giao thông đi lại khó khăn; tỷ hộ nghèo, cận nghèo của thôn Bản Ba 1, Bản Ba 2 còn cao; điều kiện tham gia làm du lịch của các hộ dân còn nhiều hạn chế. Đề nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí nâng cấp tuyến đường Chiêm Hoá - Trung Hà giai đoạn 2.

Đối với mô hình thí điểm Phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP chế biến từ thịt lợn đen bản địa gắn với vùng chăn nuôi tập trung tại xã Đông Thọ: Việc chăn nuôi lợn đen bản địa có thời gian xuất chuồng dài, chậm lớn, trọng lượng đạt thấp, chỉ thuận tiện cho các hộ chăn nuôi vùng đồng bào dân tộc thiểu số tận dụng nguồn thức ăn thừa sẵn có và nuôi thả rông, không phù hợp với chăn nuôi chuồng trại khép kín quy mô lớn, thị trường tiêu thụ thịt lợn đen không thông dụng như nuôi lợn ngoại. Do vậy, tên của mô hình đề xuất chưa phù hợp, cần xem xét điều chỉnh tên mô hình.

Nếu thực hiện mô hình trên địa bàn xã Đông Thọ thì sẽ không đảm bảo yêu cầu do quy hoạch trang trại chăn nuôi lợn tập trung của HTX hầu hết nằm trên địa bàn xã Quyết Thắng, do vậy, cần phải điều chỉnh địa điểm thực hiện mô hình cho phù hợp. Văn bản hướng dẫn, trả lời của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương chưa giải đáp được vướng mắc triển khai thực hiện mô hình về đối tượng HTX có được thụ hưởng trực tiếp nguồn vốn hỗ trợ đầu tư theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và quy định hiện hành hay không? Hay việc chưa có hướng dẫn quản lý, bàn giao, khấu hao tài sản của dự án sau đầu tư từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho đối tượng HTX. Sở Nông nghiệp và PTNT khó khăn trong quá trình lập dự án do các nội dung dự kiến xây dựng dự án thực hiện mô hình liên quan đến nhiều ngành, đơn vị chuyên môn khác nhau.

Đối với mô hình Chợ an toàn thực phẩm tại xã Thượng Lâm, do nguồn vốn đầu tư phát triển để xây dựng công trình hiện mới được bố trí 440 triệu đồng, ngân sách huyện không có khả năng cân đối (2.000 triệu đồng), dẫn đến việc xây dựng chợ không đảm theo lộ trình, kế hoạch đề ra. Đề nghị UBND tỉnh xem xét cân đối nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng công trình chợ với tổng kinh phí để nghị hỗ trợ là 2.000 triệu đồng.

Trước những khó khăn trên, ông Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu các địa phương khẩn trương lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật; chủ động tháo gỡ khó khăn, thực hiện mô hình đảm bảo kế hoạch, tiến độ. Các sở, ngành giúp đỡ, hướng dẫn các địa phương phê duyệt dự án, bổ sung thêm nguồn vốn triển khai mô hình đúng tiến độ, đạt hiệu quả; tham mưu văn bản cho UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn về trình tự thủ tục, hướng dẫn cụ thể về đối tượng HTX được thụ hưởng vốn đầu tư phát triển thực hiện mô hình thí điểm trong xây dựng nông thôn mới.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top