Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 28 tháng 12 năm 2023 | 17:0

Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 sản phẩm OCOP 5 sao

Ngày 28/12, UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị Sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 - 2025. Ông Nguyễn Thế Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Thông tin tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang, cho biết, giai đoạn 2021- 2023, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ngành, đơn vị quản lý đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, truyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn các chủ thể tham gia đánh giá phân hạng, nâng hạng sản phẩm OCOP.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang tóm tắt đánh giá kết quả thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2023.

Đến nay,  toàn tỉnh có 248 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (đạt 107,8% mục tiêu Kế hoạch số 90/KH-UBND đề ra), vượt 7,8% mục tiêu phấn đấu về số lượng sản phẩm OCOP đến năm 2025. 120/138 xã, phường, thị trấn có sản phẩm OCOP đạt 87% mục tiêu năm 2025, điển hình là 2 huyện Sơn Dương và Na Hang, đã có 100% xã, thị trấn có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Với số lượng trên, Tuyên Quang đứng thứ 4 trong các tỉnh miền núi phía Bắc về sản phẩm OCOP.

Chương trình OCOP đã giúp  các chủ thể hiểu biết hơn và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về điều kiện an toàn cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, áp dụng các quy trình trồng và chăm sóc sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ...); bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất; sử dụng bao bì, nhãn hiệu đúng quy định; biết phát huy sức mạnh cộng đồng, phát huy những giá trị tiềm năng, lợi thế vùng miền trong tổ chức sản xuất và phát triển sản phẩm, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương, góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Thế Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ ra những hạn chế cũng như nêu ra các định hướng thực hiện trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thế Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đánh giá, Chương trình OCOP đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân, các chủ thể về tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hoá, xác định rõ vai trò của liên kết sản xuất, phát huy hiệu quả sức mạnh cộng đồng, trí tuệ bản sắc địa phương để tạo ra nguồn sản phẩm phong phú hơn, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương, góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chương trình OCOP đã tạo sức lan tỏa rộng, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang trao đổi tại Hội nghị. 

Ông Giang cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới như: nhiều sản phẩm OCOP phân hạng năm 2020, đến nay chủ thể không đăng ký phân hạng lại; 79 sản phẩm đánh giá lần đầu năm 2023 không có sản phẩm nào đạt hạng 4 sao; bao bì một số sản phẩm còn hạn chế, chưa được cải tiến về chất liệu, hình dạng, kiểu dáng bao bì không có tính đặc trưng riêng nhận diện sản phẩm, chưa đa dạng về hình thức và quy cách đóng gói sản phẩm. Đến nay, Tuyên Quang chưa có sản phẩm OCOP 5 sao.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP thời gian tới, ông Giang yêu cầu, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp về Chương trình OCOP; tuyên truyền đến chủ thể OCOP để khơi dậy khát vọng xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm của đơn vị, trên cơ sở đó mới mạnh dạn đầu tư phát triển nâng cao được chất lượng, nâng hạng sao của sản phẩm OCOP của đơn vị, của địa phương.

Các đại biểu tham quan các sản phẩm OCOP trưng bày bên lề Hội nghị.

Các huyện, thành phố cần tiếp tục rà soát, lựa chọn, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch chi tiết về nâng cao chất lượng sản phẩm, để tiêu chuẩn hoá phát triển sản phẩm 3 sao nâng lên hạng 4 sao và hạng 5 sao. Phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra theo Kế hoạch số 90/KH-UBND của UBND tỉnh đến năm 2025, mỗi huyện, thành phố đều có ít nhất 01 sản phẩm OCOP hạng 5 sao.

Các cấp, các ngành hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể OCOP tổ chức sản xuất sản phẩm OCOP phải gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị, đồng thời sản phẩm OCOP phải được chuẩn hóa và phát triển theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất của từng địa phương và yêu cầu thị trường.

Lãnh đạo tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang chủ trì và điều hành Hội nghị.

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP của tỉnh trên các website của tỉnh, các sở, ban, ngành, trên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang và quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên các trang mạng xã hội; tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm được tổ chức trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành trong cả nước; tham gia chuỗi thương mại điện tử sản phẩm OCOP, giới thiệu sản phẩm trên trang thương mại điện tử; kết nối đưa sản phẩm tiêu thụ tại cửa hàng bán sản phẩm OCOP trên hệ thống toàn quốc.

Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang tặng Bằng khen cho 44 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2023.

Trong khuôn khổ Hội nghị, diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ đưa sản phẩm OCOP để tiêu thụ tại các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top