Năm 2023, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
62 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Hết năm 2023, Tuyên Quang dự kiến có 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 54 xã đã có quyết định công nhận hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới, 08 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh có 18 thôn được công nhận đạt chuẩn Thôn nông thôn mới kiểu mẫu, 83 vườn được công nhận Vườn mẫu nông thôn mới, có 191 sản phẩm OCOP của 134 chủ thể sản phẩm OCOP; tiêu chí bình quân xã xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh đạt 15,12 tiêu chí/xã.
Năm 2022, Thái Bình (Yên Sơn) là xã đầu tiên ở Tuyên Quang đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Theo đó, Kế hoạch cụ thể hóa nội dung trọng tâm và phấn đấu thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2023 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang làm căn cứ để xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động và đồng thuận trong xã hội; phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động của người dân để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu năm 2023, đối với cấp xã, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thêm 09 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; thêm 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; toàn tỉnh có thêm ít nhất 15 thôn được công nhận đạt chuẩn “Thôn nông thôn mới”, có ít nhất 27 thôn được công nhận đạt chuẩn “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu” có ít nhất 58 vườn hộ gia đình được công nhận đạt chuẩn “Vườn mẫu nông thôn mới”, tiêu chí bình quân xã xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh đạt 15,7 tiêu chí/xã. Các xã đã đạt chuẩn tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và xây dựng kế hoạch thực hiện Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trong thời gian tiếp theo.
Đối với huyện Hàm Yên duy trì, giữ vững, nâng cao chất lượng 03 tiêu chí huyện nông thôn mới đã đạt chuẩn và từng bước thực hiện hoàn thành các tiêu chí chưa đạt chuẩn. Huyện Sơn Dương thực hiện duy trì, giữ vững, nâng cao chất lượng 04 tiêu chí huyện nông thôn mới đã đạt chuẩn, năm 2023, hoàn thành 02 tiêu chí (Quy hoạch và Chất lượng môi trường sống) và từng bước thực hiện hoàn thành các tiêu chí chưa đạt chuẩn, đây là tiền đề để hai huyện trên hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới vào năm 2025. Thành phố Tuyên Quang thực hiện rà soát và củng cố, giữ vững, nâng cao chất lượng tiêu chí thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Triển khai nhiều giải pháp
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Tuyên Quang đề ra các giải pháp thực hiện như: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, đào tạo, tập huấn. Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị. Phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Tạo chuyển biến môi trường nông thôn; nâng cao vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị, đảm bảo an ninh trật tự.
Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa mang lại hiệu quả cao.
Nhân rộng mô hình thôn nông thôn mới kiểu mẫu; đẩy nhanh tiến độ đối với xã phấn đấu đạt chuẩn; nâng cao chất lượng tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn để phấn đấu nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông thôn mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng nông thôn mới thông minh; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân; tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
Ông Lê Hải Nam, Phó Chánh văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang, cho biết, năm 2023, Tuyên Quang tập trung triển khai 6 kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện các chương trình chuyên đề phục vụ xây dựng nông thôn mới gồm: Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình khoa học công nghệ, Chương trình phát triển du lịch nông thôn, Chương trình chuyển đổi số, Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả gắn với lợi thế của từng địa phương phục vụ tích cực cho các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”. Quan tâm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn trung ương, tăng cường lồng ghép kinh phí từ các chương trình, dự án đầu tư hiện có và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để tiếp tục xây dựng nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung của Chương trình, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2023.
Tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nâng cao vai trò, vị thế của nhân dân.