Là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nông thôn, Tuyên Quang đã và đang triển khai nhiều giải pháp, chính sách để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này. Đến nay, ngành Du lịch đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó gắn việc phát triển du lịch nông thôn với Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Du lịch là một trong 3 khâu đột phá
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định: “Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh”. Để thực hiện khâu đột phá này, Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; Nghị quyết số 09/NQ-HĐND ngày 20/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Cùng với đó là các chính sách, hướng dẫn của các sở, ngành để thực hiện.
Phát triển du lịch được tỉnh Tuyên Quang xác định là một trọng 3 khâu đột phá.
Để tạo điều kiện cho du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 223/KH-UBND ngày 7/12/2022 về thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025, triển khai đồng bộ nhiều chính sách phù hợp, mở cửa khuyến khích đầu tư vào du lịch nông thôn.
Cùng với đó, Tuyên Quang có nhiều điểm đến du lịch ở khu vực nông thôn như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào được mệnh danh là "Thủ đô khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến"; khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm; khu bảo tồn thiên nhiên Danh thắng Quốc gia Đặc biệt Na Hang - Lâm Bình đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, góp phần đưa nông thôn Tuyên Quang chuyển biến theo hướng văn minh, hiện đại.
Tuyên Quang có nhiều điểm du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước.
Đặc biệt, những năm gần đây, Tuyên Quang tổ chức nhiều sự kiện lớn ghi được dấu ấn, thu hút lượng lớn du khách đến đây. Điển hình như: khai mạc Năm du lịch tỉnh Tuyên Quang 2023 và trao Giải thưởng Phong cảnh thành phố châu Á năm 2022 cho công trình “Quảng trường Nguyễn Tất Thành - Tinh hoa của núi rừng”; Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế lần thứ 2 năm 2023 được khai mạc tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang. Đây là lần thứ hai sự kiện được tổ chức tại tỉnh, mở màn cho Năm du lịch Tuyên Quang 2023.
Cùng với đó, các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng được Tuyên Quang chú trọng bảo tồn, phát huy, tạo thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách, như: bảo tồn làng bản, nhà truyền thống thông qua hình thành các nhà lưu trú homestay; thành lập các đội văn nghệ truyền thống các dân tộc. Đến nay, toàn tỉnh thực hiện bảo tồn 11 làng văn hóa gắn với phát triển du lịch; 153 nhà truyền thống; 25 đội văn nghệ các dân tộc thiểu số phục vụ phát phát triển du lịch.
Lễ hội Khinh khí cầu tại Lâm Bình thu hút đông đảo du khách tới tham qua.
Tỉnh đã hỗ trợ, duy trì, phát triển 13 điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn các huyện, thành phố đáp ứng nhu cầu thị trường khách du lịch; 6/7 huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch, Đề án xây dựng Làng văn hóa gắn với phát triển du lịch; các sản phẩm, mô hình đón khách du lịch tham quan, trải nghiệm theo mùa nông nghiệp được quan tâm thực hiện. Hiện, tỉnh đã công nhận, xếp hạng 248 sản phẩm OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm của nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng đạt hạng 3 sao, 4 sao góp phần đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hoá cho du khách.
Đánh thức tiềm năng địa phương
Phát huy tiềm năng, lợi thế từ hồ Na Hang rộng trên 8.000 ha với nhiều cảnh quan thiên nhiên làm say đắm lòng người, những năm qua, hai huyện Na Hang và Lâm Bìn đã xây dựng, phát triển các trang trại nông nghiệp (nuôi cá) gắn với du lịch nông thôn, nhiều mô hình đã cho hiệu quả kinh tế cao.
Gần đây, Lễ hội Hoa lê Hồng Thái đã trở nên nổi tiếng và thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, chụp ảnh checkin... Nằm trong khuôn khổ lễ hội “Hương sắc Na Hang” từ ngày mùng 1 đến 10/3 tại xã Hồng Thái (Na Hang), diễn ra các hoạt động như Checkin đường Hoa lê dài nhất Việt Nam; thi hái chè, sao chè; thưởng trà; tham quan trải nghiệm vườn lê, vườn chè Shan tuyết cổ thụ…
Sơn Dương là huyện có diện tích trồng chè lớn, phát huy thế mạnh của mình, những năm qua, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp từ đó xuất hiện nhiều mô hình du lịch trải nghiệm gắn với việc hái chè, sao chè. Điển hình như: trải nghiệm sản xuất chè tại làng nghề chè Vĩnh Tân (xã Tân Trào); xây dựng trang trại tổng hợp du lịch trải nghiệm nông nghiệp, sinh thái, thể thao thuộc thôn Trầm (xã Hợp Thành). Tương tự, tại huyện Yên Sơn, đã xuất hiện nhiều mô hình du lịch tham quan, trải nghiệm vườn bưởi mỗi khi đến vụ thu hoạch.
Hàm Yên là huyện có diện tích cây ăn quả lớn, là tiền đề để phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch miệt vườn.
Là huyện có diện tích cây ăn quả lớn cùng nhiều lễ hội, di tích, danh lam thắng cảnh phong phú, huyện Hàm Yên đã và đang xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch như: xây dựng một số mô hình du lịch vườn cây ăn quả trên địa bàn huyện; Đề án xây dựng Làng văn hóa các dân tộc thôn Pác Cáp, xã Phù Lưu gắn với phát triển du lịch cộng đồng và thu hút đầu tư để phát triển du lịch trải nghiệm.
Để thực hiện hiệu quả các kế hoạch, huyện Hàm Yên đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về du lịch cho cán bộ, công chức và các hộ gia đình đăng ký làm dịch vụ homestay. Tổ chức cho một số gia đình đi tham quan học tập kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng tại các địa phương thực hiện hiệu quả; thường xuyên cử các hộ gia đình, cá nhân tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cộng đồng do tỉnh tổ chức.
Là gia đình thực hiện theo Kế hoạch 188/KH- UBND ngày 26/8/2021 của UBND huyện Hàm Yên, mô hình du lịch trải nghiệm vườn thanh long của hộ anh Đỗ Văn Hưng (thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú) đang từng bước được hoàn thiện. Hiện, gia đình đã xây dựng xong cổng lên vườn với chất liệu bằng bê tông và đang trồng cây hoa giấy cho leo lên cổng tạo cảnh quan cho du khách; xây dựng nhà để phát triển dịch vụ homestay phục vụ du khách. Năm 2023, gia đình tiếp đón trên 4.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng.
Gia đình anh Hưng thiết kế các điểm check in để thu hút du khách.
Ông Đỗ Văn Hân, bố anh Đỗ Văn Hưng cho biết, gia đình có 7 ha thanh long. Sau khi được UBND huyện và Phòng Văn hóa - Thông tin tuyên truyền kết hợp trồng cây ăn quả gắn với phát triển du lịch, gia đình bắt tay ngay vào thực hiện. Đến nay, đã quy hoạch khu trồng, làm đường bê tông lên tận nhà, điểm check in, làm nhà sàn để phục vụ ăn uống, ngủ nghỉ của du khách.
Thời gian tới, gia đình tiếp tục xây dựng thêm một số điểm chụp ảnh như: xích đu quay, cầu check in tạo điểm nhấn cho du khách khi đến tham quan mô hình; mở rộng thêm hệ thống tưới tự động và hệ thống đèn led chiếu sáng ra quả trái vụ trên toàn bộ diện tích hiện có. Lựa chọn và trồng các loại hoa đặc trưng hai bên lề đường vào vườn thanh long để tạo cảnh quan đẹp.
Đánh giá về mô hình, ông Bùi Văn Quyết, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hàm Yên, cho biết, mô hình vườn thanh long của gia đình anh Hưng bước đầu phát huy hiệu quả. Vườn được thắp đèn cho thanh long ra hoa trái vụ, xây chòi để khách check in, đường bê tông dẫn vào tận nơi, bắt đầu có các đoàn khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Đến nay, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện đã có bước phát triển, từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần tích cực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động và cải thiện đời sống của Nhân dân. Huyện có trên 30 cơ sở lưu trú du lịch với trên 400 buồng, trong đó có 3 cơ sở đạt tiêu chuẩn khách sạn 1 sao; trên 25 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn nhà nghỉ; có trên 25 nhà hàng quy mô phục vụ 15 bàn trở lên. Đã xây dụng được 9 mô hình du lịch vườn cây ăn quả gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái tại các xã, thị trấn, 01 làng văn hóa các dân tộc tại thôn Pác Cáp, xã Phù Lưu.
Gỡ khó để du lịch nông thôn “cất cánh”
Bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch nông thôn của Tuyên Quang đối mặt với một số vấn đề khó khăn, bất cập như: mô hình du lịch nông thôn còn mang tính tự phát, chưa bài bản, thiếu sự liên kết, thiếu bền vững nên hiệu quả chưa cao. Vấn đề xây dựng bộ tiêu chuẩn hóa sản phẩm du lịch nông nghiệp, kinh phí đào tạo kỹ năng tiếp đón du khách và tiếp thị các sản phẩm nông nghiệp còn gặp rất nhiều trở ngại nếu không có sự trợ giúp kịp thời. Cùng với đó là vấn đề truyền thông, quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên để cân bằng giữa bảo tồn, giữ gìn và phát triển.
Mặc dù du lịch nông thôn đã đạt được những kết quả tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Trước khó khăn trên, thời gian tới, Tuyên Quang cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức cho toàn thể nhân dân nói chung, cán bộ và cư dân nông thôn về vai trò, sự cần thiết và giải pháp phát triển du lịch nông thôn. Về phía người dân, cần tích cực tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu, tự giác tham gia vào chương trình và các hoạt động phát triển du lịch nông thôn. Để chủ trương phát triển du lịch nông thôn ở Tuyên Quang thực sự đi vào cuộc sống, ngoài việc tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, cần tổ chức các buổi phổ biến trực tiếp, hội thảo chuyên đề về du lịch nông thôn, qua đó giải đáp những thắc mắc, vướng mắc mà các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư nguồn phát triển du lịch nông thôn.
Để phát huy lợi thế và xây dựng thương hiệu du lịch nông thôn, Tuyên Quang cần coi trọng công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch khu vực nông thôn gắn với du lịch nông thôn trong bối cảnh tốc độ hóa đô thị đang diễn ra nhanh chóng. Song song với việc quy hoạch các vùng, các điểm du lịch nông thôn, cũng cần quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin, cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống, vui chơi, giải trí.
Những kết quả ban đầu trong phát triển du lịch nông thôn đã góp phần thay đổi diện mạo, tư duy, đời sống của người dân địa phương. Chính quyền và người dân tỉnh Tuyên Quang đang nỗ lực tạo ra các giá trị mới trên nền tảng các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng hình ảnh du lịch Tuyên Quang luôn cởi mở, thân thiện trong tâm trí du khách, từng bước hiện thực hóa khát vọng “nông thôn là nơi đáng sống, nơi để tìm về.
Năm 2023, toàn tỉnh đón 2.650 nghìn lượt khách du lịch, đạt 106% kế hoạch; tổng thu từ dịch vụ du lịch đạt 3.200 tỷ đồng, bằng 107% kế hoạch năm, tăng 29% so với năm trước. Đến năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu đón trên 3 triệu lượt du khách; tổng thu từ du lịch đạt trên 4.800 tỷ đồng; đóng góp cho GRDP từ 6% trở lên; tạo việc làm cho trên 25.000 lao động.