Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 11 năm 2023 | 22:2

Vườn chim Cà Mau, nơi giao thoa của trời đất - thiên nhiên - con người

Đến với TP Cà Mau, ngắm những đổi thay hàng ngày của thành phố nơi cuối cùng của Tổ quốc, du khách sẽ vô cùng bất ngờ khi tận mắt chứng kiến sự giao thoa của trời đất – thiên nhiên – con người. Nhất là khi bình yên ngồi giữa trung tâm đô thị, ngắm từng đàn chim kéo về tổ mỗi buổi hoàng hôn.

Nơi “đất lành chim đậu”

Đến thăm Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tọa lạc tại khóm 1 phường 1 TP Cà Mau, du khách sẽ được nhìn thấy tấm lòng của người con nơi cuối đất với Bác Hồ. Cách con đường nhựa, sẽ thấy tình yêu thiên nhiên của con người Cà Mau hào sảng, sự thân thiện yêu mến của các loài chim với người Cà Mau. Vì nơi đây, đang tồn tại gần 30 năm một vườn chim hơn 10.000 con, mà chúng chưa hề có dấu hiệu dừng tăng trưởng.

 

 
Cà Mau có rất nhiều sân chim tự nhiên nổi tiếng ở các huyện, với hàng trăm loài chim, có nhiều loài thuộc dạng quý hiếm cần được bảo tồn, quần tụ dưới tán rừng ngập mặn (rừng đước) và rừng ngập lợ (rừng tràm). Nhưng sân chim nằm trong Khu tưởng niệm Bác Hồ nói trên là một đặc biệt. Bởi được hình thành từ con người. Nếu như Vườn chim Bạc Liêu có lịch sử tự nhiên nhiều năm, thì đến TP Cà Mau, du khách sẽ còn bất ngờ hơn khi uống cà phê ở trung tâm thành phố, vừa ngắm những đàn chim hoang dã bay đi kiếm ăn sáng sớm. Hoặc ngồi nhậu ở lề đường mỗi chiều ngắm từng đàn chim bay qua đầu, trở về tổ. Du khách dễ dàng tận hưởng âm thanh bản hợp ca của hàng ngàn đôi cò rượt đuổi nhau, chim non nhốn nháo gọi mẹ, chim trống cất tiếng gọi bạn tình… ngay giữa lòng chốn phồn hoa phố thị. Sân chim có diện tích 4,5 ha. Tại đây, có hơn 10.000 cá thể chim muông của các hệ sinh thái mặn – ngọt – lợ đến làm tổ, sinh con, đẻ cái rồi định cư ở đây. Trong đó, có rất nhiều loài đang có nguy cơ tiệt chủng ngoài tự nhiên như cò ngà, quắm, điên điển, diệc lửa, diệc móc, trích cồ, gà đãi … 

Vườn chim hiện đang là địa điểm tham quan độc đáo đã trở thành tài sản, niềm tự hào và đã gắn liền với cuộc sống đời thường của người dân Cà Mau. Trở thành nơi các cháu thiếu nhi hòa mình gắn kết với thiên nhiên, tìm hiểu về quy luật tồn tại, phát triển của tự nhiên. 

Đã gần 30 năm nay, Sân chim TP Cà Mau đã là một phần không thể tách rời trong cuộc sống của người dân địa phương. Tiếng kêu gọi đàn, tiếng vang gọi mái … của đàn chim đã hòa vào âm thanh của cuộc sống đô thị Cà Mau vốn đã ồn ào hối hả.

Dấu ấn con người

Trong tự nhiên, các loài chim hoang dã thường có tập tính kén chọn, bầy đàn khi tìm nơi trú ngụ sinh sản. Nơi đó phải xa sự xâm phạm của loài vật khác mà đặc biệt là con người. Thế nên, ở Việt Nam và trên thế giới, những nơi chim hoang dã về định cư lâu dài tại một điểm theo ý muốn của con người là không nhiều, bởi đặc tính cảnh giác khôn ngoan của chúng.

Ở Vườn chim Cà Mau, con người nơi đây đã làm được điều tưởng chừng như không thể đó.

Năm 1989, khi khu dược liệu của Xí nghiệp Dược Minh Hải giải tán, Ðảng uỷ, Ban Giám đốc Sở Lâm nghiệp tỉnh Minh Hải (Cà Mau - Bạc Liêu ngày nay) quyết định mua lại khu đất trên để xây dựng công trình kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác, lấy tên là Lâm viên 19/5. Lâm viên được xây dựng theo mô hình tỉnh Minh Hải thu nhỏ, trong đó có khu rừng tràm U Minh, rừng đước Năm Căn, dừa Phú Tân, nhãn Bạc Liêu, dâu Cái Tàu, khu vui chơi giải trí và khu sưu tập động thực vật. Kỹ sư Lê Thị Liễu được phân công làm Phó ban Quản lý lâm viên. Mới đầu, thấy có khá nhiều chim bay qua bay lại, Kỹ sư Liễu có ý tưởng lập một vườn chim để tập hợp chúng về, làm phong phú thêm khu sưu tập động thực vật. Bằng nhiều phương pháp dẫn dụ, chim đã chịu kéo về sinh sống và sinh sôi nhiều cho đến nay.

Được hình thành từ năm 1995 cho đến nay, vườn chim đã được chăm sóc, duy trì, bảo tồn; nhiều cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, du khách trong và ngoài nước đã từng đến tham quan và mong muốn vườn chim tiếp tục được duy trì, bảo tồn và phát triển. Nơi đây có hệ thống cây xanh, thảm thực vật phát triển, mật độ cây xanh và độ che phủ phát triển tốt.

Tỉnh đã lập dự án bảo vệ, nhằm tạo nguồn sống phù hợp cho quần thể chim nhằm mục đích bảo tồn loài, thông qua việc tạo chổ ở và sinh sản, nuôi dưỡng, chăm sóc, quy tụ chim phù hợp về số lượng, cá thể loài chim đầm lầy đặc trưng của vùng đất Cà Mau.

Địa điểm quý giá đối với du lịch, khoa học

Do đặc điểm nằm ngay trung tâm TP Cà Mau, nên công tác bảo vệ không đơn giản ở những nău đầu thành lập. Nhưng nhận thấy chúng là không thể thiếu với cuộc sống đời thường của người Cà Mau, nên sân chim đã được người dân đòng lòng bảo vệ. Chính nhờ vậy, đến nay vườn chim đã trở thành một điểm dã ngoại, nghiên cứu khoa học,… của các cháu học sinh ở địa phương. Ở sách giáo khoa, học sinh chỉ nhìn phân biệt qua hình ảnh. Nhưng đến đây, các cháu có thể nhận ra ngay đó là chim gì, có đặc tính sinh học ra sao, quy luật như thế nào…

Nhưng đặc biệt hơn, vườn chim còn đang là một địa điêm thu hút du khách gần xa trong ngoài nước, đặc biệt là du khách quốc tế. Sân chim hiện đang là một địa điểm quan trọng không thể thiếu trong bản đồ du lịch Cà Mau, mà du khách khó cưỡng khi đến thăm thành phố này.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau, thông tin: “Nhiều năm nay, vườn chim là một địa điểm lý tưởng thu hút du khách trong ngoài nước. Hiện tỉnh đang triển khai các phương pháp bảo tồn vườn chim, nhằm tạo được một cảnh quan sinh thái thiên nhiên ở giữa lòng TP Cà Mau. Bên cạnh việc phát huy tiềm năng của một điểm du lịch nổi tiếng, vườn chim còn phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu, tham quan nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần cho xã hội và nhân dân, đặc biệt là lòng yêu thiên nhiên, nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ động, thực vật hoang dã”

Mới thấy câu, “đất lành chim đậu” mà ông bà xưa đã dạy hoàn toàn đúng. Cũng thấy rằng, mảnh đất lành Cà Mau luôn dang tay chào đón tất cả.

 

 

Biểu Quân
Ý kiến bạn đọc
Top