Ngày 20/6, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo “Xã hội hóa nguồn lực cho phục hồi thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”.
Năm 2022, thiên tai gây thiệt hại 19.500 tỷ đồng
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) cho biết, là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và nguy cơ từ nước biển dâng do sở hữu bờ biển dài, các khu vực đồng bằng khá rộng lớn, vị trí nằm trên đường đi của các cơn bão nhiệt đới, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề môi trường cấp bách.
Việt Nam là một trong những quốc gia ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thế giới, do phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch để phát điện, giao thông đông đúc và công nghiệp hóa. Khí thải nhà kính của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2030 so với năm 2010. Ô nhiễm không khí gây ra những thiệt hại lớn cho sức khỏe và kinh tế của người dân và quốc gia.
Ông Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phát biểu khai mạc hội thảo.
Trong 30 năm qua, Việt Nam đã mất đi một khá lớn diện tích rừng tự nhiên, do chặt phá trái phép, khai thác quá mức, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tác động của các loài ngoại lai xâm hại. Suy giảm diện tích rừng tự nhiên không chỉ làm giảm nguồn lợi từ rừng mà còn gây ra những tác động tiêu cực cho sự ổn định của hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và mất khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo thống kê của Tổng cục Phòng, Chống thiên tai năm 2022 cả nước ghi nhận hơn 1.000 trận thiên tai, với 21 loại hình thiên tai. Thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ở nhiều vùng miền của cả nước, làm chết, mất tích 175 người, thiệt hại về kinh tế ước tính 19.500 tỷ đồng. Hiện nay do thời tiết cực đoan làm cho các hồ thủy điện bị cạn kiệt không thể phát điện đã gây thiếu điện cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, thiệt hại rất lớn cho sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, an ninh năng lượng.
Sự tham gia tích cực của LHHVN
Trao đổi tại hội thảo, ông Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban KHCN & MT LHHVN cho biết, LHHVN và các hội thành viên, các tổ chức trực thuộc đã tích cực tham gia các hoạt động tham gia xã hội hóa ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tham gia vào quá trình hình thành Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam và Định hướng chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Là thành viên Hội đồng phát triển bền vững quốc gia, LHHVN đã tích cực thúc đẩy đưa Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam vào cuộc sống với sự tham gia của đông đảo đội ngũ trí thức KH&CN hoạt động trong các tổ chức thành viên.
Ông Lê Công Lương trao đổi tại hội thảo.
Theo ông Lương, sự tham gia của LHHVN đã đạt được nhiều kết quả trong việc xã hội hóa ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Thông qua hệ thống báo chí xuất bản trong và ngoài hệ thông, các tổ chức thuộc LHHVN đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu đã góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững cho cộng đồng dân cư.
Dưới sự chủ trì điều phối của LHHVN, hàng loạt các đề án, chương trình, nhiệm vụ cấp quốc gia và cấp vùng đã được LHHVN và các hội thành viên, các tổ chức KHCN tư vấn, phản biện và giám định xã hội, góp phần hình thành các luận cứ khoa học cho các cơ quan chức năng có thêm thông tin và căn cứ để đưa ra các quyết định phù hợp, khách quan. Một số nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội đã được các cơ quan nhà nước, dư luận xã hội đánh giá cao.
Hình thành các mạng lưới liên kết các tổ chức cùng hoạt động liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu ban đầu là sáng kiến của các tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam. Nhiều mạng lưới trong lĩnh vực này đã được Liên hiệp Hội Việt Nam bảo trợ cho việc thành lập và hoạt động.
Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực, tổ chức các hoạt động nghiên cứu, điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu, các dự án góp phần xã hội hóa hoạt động, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản trị tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Ông Lương cũng thừa nhận, vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ. Trừ Liên hiệp Hội Việt Nam còn các đơn vị khác do không có nguồn kinh phí thường xuyên từ ngân sách nhà nước, chủ yếu từ nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế nên hoạt động mang tính chất thụ động, thiếu ổn định. Việc tiếp nhận, phê duyệt dự án và triển khai thực hiện hết sức khó khăn. Nhiều đơn vị xin được phê duyệt dự án thì đã quá thời hạn giải ngân
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy nguồn lực của Nhân dân
Phát biểu tại hội thảo, TS. Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, cần biến khát vọng xanh của Bác Hồ thành hiện thực sinh động trong huy động nguồn lực của nhân dân tham gia bảo tồn đa dạng sinh học.
Ông Miều cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lý luận, một triết gia, triết học, nhà giáo dục, nhà hoạt động môi trường, nhà hoạt động xã hội vĩ đại. Người có những quan điểm minh triết, sáng tạo về mối quan hệ giữa hai yếu tố môi trường sống của con người được thể hiện qua câu nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Toàn cảnh hội thảo.
Quan điểm trên là sự kết tinh có chọn lọc từ nhận thức, thái độ và hành vi của Người đối với sự phát triển bền vững đất nước. Chính từ sự sát sao, luôn học hỏi, suy ngẫm, triêm nghiệm, mà Bác Hồ đã tìm ra quy luật bất biến về mối quan hệ giữa môi trường thiên nhiên trong lành với môi trường xã hội lành mạnh. Trong nhiều bài viết, bài nói chuyện, Người thường xuyên kêu gọi Nhân dân phải trồng cây vì môi trường thiên nhiên xanh tươi.
Khi nói chuyện với thanh niên trong buổi trồng cây tại vườn hoa Thanh niên (Hà Nội), Bác Hồ khuyến khích thanh niên: “Nếu mỗi cháu thanh niên một năm trồng ba cây, chăm sóc cho thật tốt, thì tám triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây. Năm năm liền, các cháu sẽ trồng được 120 triệu cây” và Người nói lên khát vọng xanh của mình: "Nếu các cháu đem 120 triệu cây ấy trồng trên đường nối liền Hà Nội - Mát-xcơ-va thì con đường từ chủ nghĩa xã hội đến chủ nghĩa cộng sản thêm xanh tươi".
Từ khát vọng xanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng tổ chức phong trào “Tết trồng cây”. Trong toàn bộ những tác phẩm của mình, Người đã nhắc tới cụm từ “trồng cây” 147 lần, “Tết trồng cây” với 46 lần; đặc biệt 5 năm liền Bác Hồ viết 5 bài cùng tên “Tết trồng cây”, với những tư tưởng đặc sắc về lợi ích của việc trồng cây làm cho đất nước xanh tươi.
Thực hiện khát vọng xanh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày nay, trên khắp mọi miền của đất nước, sau những ngày Tết cổ truyền của dân tộc là “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Tết trồng cây đã trở thành một phong tục đẹp của dân tộc, mở đầu cho một năm trồng cây, theo đúng ý nguyện của Bác Hồ. Tết trồng cây sẽ góp phần quan trọng vào phong trào thi đua thực hiện kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Bài học từ dự án phục hồi rừng Sông Gianh và sông Thạch Hãn
Tại hội thảo, TS. Ngô Văn Hồng, Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên vùng cao (CEGORN) đã đưa ra bài học từ dự án phục hồi rừng Sông Gianh và sông Thạch Hãn.
Theo TS Hồng, lưu vực Sông Gianh và Sông Thạch Hãn có diện tích trên 450.000 ha nằm trên sườn Đông của dãy núi Trường Sơn. Nhiều năm qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau, diện tích rừng tự nhiên ở trong khu vực đã bị giảm dần cả chất lượng và số lượng. Dự án Trồng và Phục hồi rừng Sông Gianh, Sông Thạch Hãn được thiết lập với mục tiêu góp phần giảm thiểu các tác động xấu do mất rừng ở khu vực.
Hội thảo thu hút nhiều hội, hiệp hội (thuộc LHHVN) và các cơ quan chức năng tham gia.
Dự án do Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam (VARS), hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, vận động các nguồn lực xã hội và cộng đồng trồng và khôi phục rừng tự nhiên với thông điệp “Góp 1 cây để có rừng”. VARS kêu gọi đóng góp mỗi cây rừng trị giá 50.000 đồng. Theo công bố của VARS, đến ngày 15 tháng 6 năm 2023 đã có 1924 lượt đóng góp với số tiền trên 14 tỷ đồng.
Thông qua khoản ngân sách huy động,VARS hỗ trợ cây giống, kỹ thuật, phân bón và một phần chi phí tiền công chăm sóc năm đầu và hai năm tiếp theo trên diện tích hỗ trợ. Kinh phí tài trợ sẽ được báo cáo theo từng năm dựa trên các quy định pháp luật, nhu cầu của từng bên và thực tiễn trồng và phục hồi rừng tại địa phương. Sau hai năm hoạt động, VARS đã trồng được 382.993,919 cây với các loại giống cây bản địa như Lim, Dổi, Huỷnh, Vàng Tim, Re, Lát, Xoan tại hai lưu vực Sông Gianh và Sông Thạch Hãn. Trong những năm tới đây, VARS tiếp tục huy động nguồn lực để thực hiện các hoạt động trồng và phục hồi rừng theo kế hoạch đề ra.