Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 4 tháng 12 năm 2024  
Thứ ba, ngày 6 tháng 2 năm 2024 | 9:26

Xuân mới trên huyện nông thôn mới Mỹ Xuyên

Phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, đổi mới tư duy và hành động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, điều hành, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu năm 2023, góp phần đưa kinh tế - xã hội địa phương ngày càng khởi sắc.

Khu hành chính mới của huyện Mỹ Xuyên.

Ông Đặng Văn Phương, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên, cho biết: Năm 2023, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song với quyết tâm chính trị cao, Huyện ủy – UBND huyện Mỹ Xuyên đã tập trung lãnh đạo thực hiện hoàn thành 19/19 chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, lĩnh vực kinh tế - xã hội có sự chuyển biến rõ nét. 

Huyện đã tập trung chỉ đạo cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp; vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, đẩy mạnh chuyển giao khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm. Tổng diện tích trồng lúa 26.146,4/24.200 ha, đạt 108,4% kế hoạch,  tăng 1.176,7ha so với năm trước; năng suất 6,2 tấn/ha, đạt 104,2% kế hoạch, sản lượng 161.973 tấn/145.200 tấn, đạt 111,6% kế hoạch,  tăng 7.719 tấn, trong đó sản lượng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao là 148.982 tấn, chiếm 92%; liên kết tiêu thụ được 3.809 ha, chiếm 14,57% diện tích,... Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, các mô hình liên kết sản xuất được mở rộng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp được nâng lên. Duy trì mô hình tôm - lúa; diện tích gieo trồng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm tỷ lệ cao, góp phần làm tăng giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản, đạt 226/220 triệu đồng, đạt 102,74% kế hoạch, tăng 19 triệu đồng so năm 2022.

Diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer của huyện Mỹ Xuyên.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả. Huyện tranh thủ tối đa nguồn lực từ trên và huy động trong dân thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới được trên 324,7 tỉ đồng (Trong đó, vốn chương trình trên 12,5 tỉ đồng; vốn lồng ghép trên 68,2 tỉ đồng; vốn tín dụng trên 218,2 tỉ đồng; vốn doanh nghiệp trên 9,8 tỉ đồng; vốn huy động sức dân trên 15,8 tỉ đồng). Từ đó, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống người dân được nâng cao. Đến nay, toàn huyện có 8/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm: Ngọc Đông, Hòa Tú 1, Tham Đôn, Hòa Tú 2, Ngọc Tố, Đại Tâm, Gia Hòa 1 và Gia Hoà 2. Riêng xã Đại Tâm, có trên 86% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2024, huyện phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Thạnh Phú, Thạnh Quới, nâng tổng số 10/10 xã của toàn huyện. 

Bên cạnh đó, Mỹ Xuyên còn thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; thực hiện tốt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã. Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động…, góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.
Toàn huyện có 26 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, trong đó có 13 sản phẩm được lên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Sóc Trăng. Giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện được 3.762 tỷ đồng, tăng 1.192 tỷ đồng so năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội thực hiện được 16.775 tỷ đồng, tăng 2.295 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, huyện luôn quan tâm tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thông thoáng cũng như tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Trong năm, số doanh nghiệp, cơ sở đăng ký thành lập mới tăng. Toàn huyện hiện có 608 cơ sở, 26 doanh nghiệp và 2 hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; 6.176 cơ sở và 192 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ; có 7 chợ, và 12 tụ điểm kinh doanh, đảm bảo phục vụ tốt tiêu dùng của người dân. Tổng thu ngân sách được 74,55/77,5 tỷ đồng, đạt 96,2% kế hoạch; ước thực hiện đến cuối năm, tổng thu ngân sách được 83,272/77,5 tỷ đồng, đạt 107,4%.

Đường về 6 xã vùng căn cứ của huyện Mỹ Xuyên hôm nay.

Công tác chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng bảo trợ xã hội cũng được huyện chú trọng. Theo đó, huyện xây dựng hoàn thành 120/120 căn nhà ở cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở với tổng số tiền trên 7,5 tỷ đồng (Bộ Công an và Công an tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ trên 6,7 tỷ đồng; huyện đối ứng gần 800 triệu đồng). Ngoài ra, huyện còn xây dựng mới 51 căn, sửa chữa 3 căn nhà đại đoàn kết với tổng số tiền trên 2,6 tỷ đồng. Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được quan tâm đúng mức... Năm 2023, huyện Mỹ Xuyên chỉ còn 362 hộ nghèo, chiếm 0,88%, là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp của tỉnh.

Nói về mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, ông Đặng Văn Phương cho biết: Đảng bộ, chính quyền huyện Mỹ Xuyên phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế bền vững, xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân… với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, chú trọng phát huy mạnh mẽ thế mạnh của địa phương về lĩnh vực nông nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế. Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chuyển đổi sản xuất, cơ cấu lại mùa vụ, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; chú trọng nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất, giá trị gia tăng gắn với liên kết tiêu thụ.

Tiếp tục phát triển nuôi thủy sản theo hướng bền vững, sản xuất sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất; đồng thời, duy trì mô hình tôm - lúa bền vững. Xây dựng và mở rộng các mô hình sản xuất lúa hiệu quả, phát triển lúa đặc sản, lúa chất lượng cao và hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn. Nâng cao hiệu quả trồng màu, phát triển mô hình trồng màu an toàn, vận động nhân dân ưu tiên trồng các cây màu chủ lực của địa phương, kết hợp đa dạng hóa các loại màu đáp ứng thị trường tiêu thụ và khả năng cạnh tranh. Huyện phấn đấu sản lượng lúa đạt 145.200 tấn; trong đó, sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm 91%; Sản lượng thủy sản đạt 49.000 tấn; Diện tích trồng màu 6.800 ha; Tổng đàn gia súc 47.500 con; tổng đàn gia cầm 1.100.000 con. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 240 triệu đồng. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chương trình OCOP; phát triển, quảng bá các sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Huy động, lồng ghép các nguồn vốn, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh. Tiếp tục thực hiện mạnh mẽ cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào thi đua “Mỹ Xuyên chung sức xây dựng nông thôn mới”. 

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng thăm trại sản xuất lúa giống ST của ông Hồ Quang Cua ở thị trấn Mỹ Xuyên.

Bên cạnh đó, huyện tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình về giảm nghèo; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, nhất là chính sách ưu đãi đối với người có công, người nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội. Huy động tốt các nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo, tạo mọi điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay, vốn hỗ trợ sản xuất, các mô hình kinh tế hiệu quả. Định hướng phát triển ngành nghề phù hợp với người lao động thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Khuyến khích hộ nghèo phát huy nội lực, kết hợp với sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững… Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,05%/năm (tương đương giảm 24 hộ); trong đó, giảm tỷ lệ hộ Khmer nghèo 0,1%/năm (tương đương giảm 14 hộ).

“Đảng bộ và nhân dân Mỹ Xuyên đặt mục tiêu trong năm 2024, toàn huyện có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số 10/10 xã, đạt 100% (trong đó, có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu) và hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao. Để hiện thực hóa mục tiêu này, huyện đang tập trung chỉ đạo các địa phương tranh thủ mọi nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông tuyên truyền và vận động nhân dân tiếp tục đồng hành cùng huyện thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu thông qua tham gia phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày Chủ Nhật lao động xã hội chủ nghĩa”… nhằm chỉnh trang cảnh quan môi trường. Cùng với đó, huyện tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn như: Đề án 1 triệu hécta, dự án chăn nuôi bò thịt, dự án VnSAT, dự án phát triển lúa đặc sản, dự án phát triển thủy sản bền vững, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình nông thôn mới, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP)… Phát huy hơn nữa vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội huyện trong tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu”, ông Đặng Văn Phương cho biết thêm. 

 

Cao Xuân Lương
Ý kiến bạn đọc
Top