Tăng trưởng xuất khẩu nông sản mạnh mẽ trong năm 2024 đã làm nổi bật các cơ hội đầu tư đáng kể vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam.
Năm 2024 đang chứng kiến bước ngoặt lớn đối với ngành xuất khẩu nông sản Việt Nam, đặc biệt là rau quả.
Sự bứt phá ngoạn mục
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2024 đang chứng kiến bước ngoặt lớn đối với ngành xuất khẩu nông sản Việt Nam, đặc biệt là rau quả. Trong 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã đạt 6,4 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây không chỉ là cột mốc ấn tượng mà còn vượt qua mức kỷ lục 5,7 tỷ USD của năm 2023. Ngành này đang hướng tới mục tiêu đạt 7 tỷ USD vào cuối năm, vượt xa kỳ vọng ban đầu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Thành công này chủ yếu nhờ vào nhu cầu tăng cao từ thị trường quốc tế, đặc biệt là sản phẩm sầu riêng - chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu với giá trị 3,1 tỷ USD. Tổng Thư ký của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên kỳ vọng, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng có thể đạt tới 3,5 tỷ USD trước khi kết thúc năm, khẳng định vị thế của loại trái cây này trên thị trường toàn cầu.
Trên thực tế, vị trí chiến lược của Việt Nam gần với Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ trái cây lớn nhất thế giới - đã mang lại lợi thế quan trọng về chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng. Trong năm nay, Trung Quốc đã nhập khẩu tới 4,2 tỷ USD rau quả từ Việt Nam, tăng 38% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, các thị trường như Thái Lan, Hàn Quốc, Đức và Canada cũng đóng góp đáng kể. Đặc biệt, Thái Lan đã vượt Mỹ để trở thành thị trường lớn thứ hai, minh chứng cho sự đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Sự tăng trưởng xuất khẩu vượt bậc của ngành nông sản không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn mở ra nhiều cơ hội đầu tư, trong đó bao gồm các lĩnh vực như chế biến và đóng gói nông sản, công nghệ nông nghiệp, chuỗi cung ứng logistics và thương mại điện tử.
Nhu cầu xây dựng các cơ sở chế biến hiện đại giúp kéo dài thời gian bảo quản và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế đang ngày càng tăng cao. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ quan trọng này.
Bên cạnh đó, để tăng khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần áp dụng công nghệ như canh tác chính xác, giám sát cây trồng và kiểm soát dịch bệnh bền vững. Đây là lĩnh vực đầu tư đầy hứa hẹn cho các công ty công nghệ và quỹ đầu tư.
Koina, một startup trong lĩnh vực AgriTech tại Việt Nam, đang xây dựng hệ sinh thái kỹ thuật số cho nông dân. Theo đồng sáng lập, ông Phạm Ngọc Anh Tùng, vấn đề mấu chốt là giúp nông dân giải quyết đầu ra sản phẩm trước khi khuyến khích họ áp dụng công nghệ mới. Koina đã triển khai thí điểm với hơn 2.000 hộ nông dân trồng cam tại Vĩnh Long, sử dụng dữ liệu để dự báo sản lượng và giá cả, đồng thời kết nối họ với thị trường tiêu thụ lớn.
Thêm vào đó, việc xuất khẩu trái cây và rau quả cũng phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng hậu cần hiệu quả. Các nhà đầu tư vào chuỗi lạnh, kho bãi và hệ thống vận chuyển hiện đại đóng góp tích cực vào chất lượng và giá trị hàng hóa xuất khẩu.
Tại Hải Phòng, một số các doanh nghiệp logistics nhấn mạnh rằng, việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng là yếu tố sống còn. Nhiều công ty đang đầu tư vào kho lạnh, phương tiện vận chuyển chuyên dụng, và hệ thống theo dõi thời gian thực để giảm hao hụt và cải thiện hiệu quả vận chuyển nông sản.
Ngoài ra, việc xây dựng các nền tảng thương mại điện tử chuyên biệt cho nông sản cũng sẽ thúc đẩy quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường. Những nền tảng này cũng giúp đơn giản hóa giao dịch và cung cấp khả năng truy xuất nguồn gốc minh bạch. Đồng thời, việc đầu tư vào các khu sản xuất đạt chuẩn VietGAP và GlobalGAP không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tạo sự tin cậy từ phía người tiêu dùng và đối tác quốc tế.
Đối mặt với sự cạnh tranh
Mặc dù vậy, ngành nông sản Việt Nam vẫn đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia nhiệt đới khác như Thái Lan, Philippines và Indonesia. Các nước này cũng sở hữu lợi thế tương tự về khí hậu và chủng loại sản phẩm. Ngoài ra, việc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và vượt qua các rào cản thương mại kỹ thuật cũng là một thách thức lớn. Để giữ vững vị thế, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ tiên tiến, xây dựng thương hiệu mạnh và đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Chanh leo là loại trái cây thứ 5 của nước ta sau xoài, nhãn, vải thiều và thanh long vừa được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Australia.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam mới đây đã đề xuất xây dựng các vùng sản xuất chuyên biệt và kêu gọi chính phủ hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng như vận chuyển, kho bãi và chế biến. Bên cạnh đó, đầu tư vào chuyển đổi số và thương mại điện tử sẽ giúp nâng cao giá trị thương hiệu nông sản Việt Nam. Thực tế, việc duy trì sự tăng trưởng bền vững đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức ngành nghề. Chỉ khi vượt qua các rào cản hiện tại và tận dụng tốt các cơ hội mới, ngành nông nghiệp Việt Nam mới có thể vững bước trên con đường khẳng định vị thế toàn cầu.
Nhìn chung, sự bùng nổ xuất khẩu nông sản năm 2024 được coi là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, đồng thời khẳng định tiềm năng to lớn của ngành này. Để tiếp tục đạt được thành công, ngành nông sản cần tập trung vào đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu mạnh và tận dụng lợi thế chiến lược của mình. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp toàn cầu.
Nhiều cơ hội thâm nhập thị trường mới
Thị trường các quốc gia Hồi giáo (Halal) hiện đang là thị trường tiềm năng của các ngành hàng xuất khẩu, đặc biệt là các ngành hàng thực phẩm và nông nghiệp.
Với số lượng 2,2 tỷ người tiêu dùng từ thị trường này, các ngành hàng nông sản Việt Nam như được rộng cửa giao thương thế giới.
Với năng lực sản xuất và xuất khẩu hiện nay của ngành nông nghiệp Việt Nam, việc đáp ứng các tiêu chí của nhà nhập khẩu đều được doanh nghiệp thực hiện tốt và mang lại nhiều kết quả khả quan. Trong những năm qua, ngành nông, lâm, thủy sản đã thành công trong việc thâm nhập nhiều thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và thị trường gần nhất là Trung Quốc. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030".
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp Việt Nam có những tăng trưởng đáng kể trong nhiều năm qua. Dự báo trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành là 62 tỷ USD, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra là 15%. Đây đều là sự nỗ lực của cả hệ thống nông nghiệp.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, mặc dù nông sản, thủy sản đã xuất khẩu đi nhiều thị trường và xúc tiến thương mại đã có hiệu quả nhưng Việt Nam phải bước chân vào những thị trường khó tính, mang tính đặc thù như thị trường Halal. Qua đó, để các sản phẩm nông sản của Việt Nam có được nhiều phân khúc, nhiều thị trường, kim ngạch xuất khẩu được nhiều hơn.
Trong năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng đã chịu nhiều tác động từ biến động chính trị thế giới, giá cước vận tải tăng, cũng như sự thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng, nhưng với chất lượng và đặc thù riêng trong từng sản phẩm, ngành nông nghiệp cũng đã có thành tích xuất khẩu đáng mừng.
Là một doanh nghiệp xuất khẩu thành công vào thị trường các nước Hồi giáo (Halal) nhiều năm nay, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định (Bidifisco) cho biết, trong những năm qua, xuất khẩu cá ngừ của Bidifisco sang châu Âu bị ảnh hưởng bởi thẻ vàng IUU, nên đơn vị đã đa dạng hóa thị trường, chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường Halal, với đơn hàng ngày một tăng. Hiện sản phẩm của Bidifisco đã đáp ứng các tiêu chuẩn, đạt chứng nhận Halal và chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, đang được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, đặc biệt các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE).
Chế biến cá ngừ phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Cũng theo kinh nghiệm của bà Cao Thị Kim Lan, để vào thị trường Halal buộc phải có chứng nhận Halal. Các nước hồi giáo chiếm 1/3 dân số thế giới. Người Hồi giáo sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm xanh, sạch, đạt chứng nhận Halal. Các doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chí của họ để xuất khẩu bền vững.
Linh hoạt đáp ứng các thị trường Halal
Các chuyên gia ngành nông nghiệp đánh giá, đa số các sản phẩm của ngành nông nghiệp Việt Nam đều có cơ hội thâm nhập vào thị trường các quốc gia Hồi giáo. Cụ thể, các sản phẩm không có bất cứ nguyên liệu nào bị cấm theo luật Hồi giáo. Thêm vào đó, trong suốt các khâu sản xuất, sản phẩm không được tiếp xúc với bất cứ phương tiện, thiết bị nào từ vật liệu luật Hồi giáo không cho phép. Đồng thời trong suốt quá trình sản xuất, sản phẩm không được tiếp xúc với bất cứ thực phẩm bổ dưỡng nào từ nguyên liệu luật Hồi giáo không chấp nhận. Vấn đề này đang được các doanh nghiệp quan tâm khắc phục.
Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư kí Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng đang hoàn thiện các tiêu chí theo yêu cầu của thị trường Halal, để có thể đưa sản phẩm thủy sản vào các thị trường này. Tuy nhiên, thị trường Halal cũng giống như các thị trường khác ở chỗ, mỗi quốc gia có 1 yêu cầu riêng nào đó, doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào thì phải hoàn tất thủ tục các tiêu chí nhỏ này nữa.
Ông Firdauz Bin Othman, Tổng Lãnh sự Malaysia tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, tiêu chuẩn Halal đã được chấp nhận trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc này đã đóng góp tích cực cho sự phát triển và gia tăng nhu cầu về các sản phẩm Halal. Thị trường Halal được tăng trưởng bởi sự phát triển dân số Hồi giáo toàn cầu cũng như nhu cầu về các sản phẩm đạt chứng nhận Halal. Việc này đã mang đến những cơ hội lớn cho nhiều quốc gia bao gồm Việt Nam có thể tiếp cận một cách chủ động đến thị trường Halal.
Còn bà Faiza Shafqat, Tham tán Thương mại và Đầu tư, Đại sứ quán Pakistan tại Việt Nam cho biết, Pakistan có hơn 200 triệu dân, 90% là người Hồi giáo, nên nhu cầu thực phẩm Halal rất lớn, đặc biệt là các sản phẩm thịt. Mỗi năm, trung bình Pakistan nhập khẩu 2,7 tỷ USD thịt gà. Để xuất khẩu sang thị trường này, các doanh nghiệp cần đạt được chứng nhận Halal của Pakistan, với những tiêu chuẩn cụ thể đã công bố trên website của Đại sứ quán.
Những người tiêu dùng tại Pakistan cũng luôn tìm kiếm logo Halal trên các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, vì đó là tiêu chuẩn cơ bản cho thực phẩm của người Đạo hồi. Hiện nay, việc cấp chứng nhận Halal vẫn là một trong những thách thức lớn khi các tiêu chuẩn không đồng nhất giữa các quốc gia Hồi giáo. Mỗi quốc gia lại có những tiêu chuẩn riêng và sẽ cấp chứng nhận theo từng quốc gia hoặc khu vực. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kĩ thị trường trước khi lên kế hoạch sản xuất và xuất khẩu./.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân thu nhập thấp là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững. Trong bối cảnh việc triển khai các chương trình nhà ở xã hội trong thời gian qua còn nhiều vướng mắc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) với trách nhiệm của NHTM Nhà nước, Ngân hàng vì cộng đồng đã tích cực đồng hành cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp tín dụng ưu đãi để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2030.