An toàn thực phẩm mùa lễ hội còn thiếu chế tài mạnh
Nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý và của những du khách đến tham quan cho rằng, phải có những chế tài xử phạt thật nặng đối với các cửa hàng kinh doanh ăn uống, không đảm bảo vệ sinh ATTP.
Sau 2 năm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các lễ hội không được phép tổ chức thì đến nay các địa phương có những địa danh tâm linh, thắng cảnh…'đã được phép mở cửa đón khách trở lại.
Đi cùng với việc mở cửa đón khách trở lại tham quan, hàng loạt các dịch vụ khác cũng hoạt động để phục vụ cho nhu cầu của du khách, trong đó các dịch vụ ăn uống không thể thiếu vắng tại các địa danh này.
Do lượng du khách về các địa danh này đông, nhu cầu ăn uống tăng nên việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm không thể đảm bảo.
Mặc dù Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế một số tỉnh, thành phố về việc tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm mùa lễ hội xuân 2022. Các địa phương cũng lên kế hoạch để kiểm tra các hoạt động dịch vụ ăn uống tại các lễ hội, khu du lịch, danh lam thắng cảnh, nhưng nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn luôn hiện hữu.
Nguy cơ hiện hữu mất an toàn VSTP tại các đình, chùa
Nếu du khách đầu năm đi lễ về một số danh lam thắng cảnh trên địa bàn cả nước, sẽ không khó khăn để bắt gặp cảnh tượng những cửa hàng ăn uống, phục vụ cho du khách hành hương không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đền Đức Thánh Cả (Ứng Hòa, Hà Nội) những ngày đầu năm mới luôn tấp nập du khách đến lễ, cầu may, du xuân. Khu vực phía ngoài Đền, hàng quán mọc lên như nấm, từ những quán khang trang đến những gánh hàng rong tạm bợ. Đặc điểm chung của những quán ăn ở khu vực này là thực phẩm không được che đậy hay bảo quản kỹ càng, tất cả đều được “phơi” ra để mời gọi du khách.
Đền Quán Thánh, phủ Tây Hồ (Hà Nội) xuất hiện nhiều quán ăn vặt bán rong hai bên đường như kẹo bông, bò bía, bánh tráng trộn, bánh mì… bày bán ngay trên vỉa hè, trước cổng đền, chùa.
Tại Chùa Hương (Mỹ Đức) một địa danh nổi tiếng, hàng năm thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách ở các tỉnh, thành trên cả nước, thậm chí cả du khách nước ngoài đổ về đây để lễ Phật và thưởng ngoạn cảnh núi non hùng vĩ. Hiện tượng các cửa hàng ăn uống bày bán các loại thực phẩm để chế biến thức ăn không được bảo quản trong tủ để tránh côn trùng, mặc dù đã được các lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở nhưng vẫn như “nước đổ lá khoai”.
Không thể thống kê ra được hết, nhưng ở tất cả các địa danh tâm linh, khu danh lam thắng cảnh đều có những hiện tượng mất vệ sinh ATTP, nguy cơ hiện hữu này chính là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe của du khách.
Ý thức kém nếu không có chế tài xử mạnh
Cần phải nói thẳng là ý thức của những người kinh doanh ăn uống tại các địa điểm tâm linh, khu danh lam thắng cảnh là rất kém, chỉ vì mục tiêu lợi nhuận khi số lượng thực khách đến quá đông, không đủ nhân viên phục vụ, họ bất chấp đến các quy định về vệ sinh ATTP.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, qua công tác thanh tra, kiểm tra, nhìn chung, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các lễ hội năm nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do tính chất thời vụ, nên việc kinh doanh mặt hàng ăn uống tại các lễ hội vẫn thể hiện sự tạm bợ, lộn xộn, công tác vệ sinh chưa đảm bảo.
Do vậy, Bộ Y tế đã yêu cầu các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở bán hàng ăn trong mùa lễ hội phải ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm và đáp ứng những điều kiện bắt buộc, đó là khu vực chế biến và dụng cụ chế biến thực phẩm phải sạch sẽ; có nguồn nước hợp vệ sinh để rửa bát đũa; có tủ bảo quản thực phẩm; thực phẩm phải chứng minh được nguồn gốc.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, cơ quan này sẽ tập trung kiểm tra, giám sát các cơ sở cung cấp thực phẩm, chế biến phục vụ ăn uống, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, nguồn nước, dụng cụ, trang thiết bị, lưu mẫu thức ăn, lấy mẫu thực phẩm phân tích các yếu tố nguy cơ gây bệnh đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm và công tác vệ sinh của các nhân viên phục vụ.
PGS-TS. Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh, đã đến lúc người dân cần có thêm quyền tham gia giám sát nguồn gốc thực phẩm, nhưng chỉ giám sát thôi thì chưa đủ. Người tiêu dùng cần có thêm các kênh mạnh mẽ hơn để sử dụng quyền lựa chọn, hay tẩy chay sản phẩm, hơn là chỉ phản ứng giận dữ trên mạng xã hội.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý và của những du khách đến tham quan, thưởng ngoạn phong cảnh tại các địa điểm trên cũng đều cho rằng, việc tuyên truyền chỉ là một trong những hình thức nhắc nhở, nhưng muốn đảm bảo được an toàn sức khỏe cho người dân khi đến đây, nhất thiết phải có những chế tài xử phạt thật nặng đối với các cửa hàng kinh doanh ăn uống, không đảm bảo vệ sinh ATTP.
Mùa lễ hội đầu năm đang diễn ra, những bất cập về an toàn thực phẩm rất cần được các cấp, ngành liên quan chỉ đạo, kiên quyết xử lý để khắc phục, thiết thực tạo ra những lễ hội vui tươi, an toàn.