Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 8 tháng 9 năm 2019 | 14:16

ATTP trong trường học: Cần phối hợp để kiểm soát chặt chẽ

Năm học 2019-2020 đã bắt đầu, trong niềm vui sướng hân hoan của các em học sinh thì cũng là nỗi lo lớn của các cơ quan chức năng và nhà trường, trong việc kiểm soát để bảo đảm cho một năm học không có những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra đối với các em.

 
Mặc dù công tác bảo đảm vệ sinh ATTP trong các cơ sở giáo dục đã được cơ quan chức năng chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm theo quy định. Nhưng một số cơ sở giáo dục, vẫn để xảy ra tình trạng học sinh bị ngộ độc thực phẩm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, uy tín của nhà trường và gây bức xúc trong dư luận xã hội.
 
Còn đó những vụ ngộ độc thực phẩm
 
Vào trưa 5/4, gần 1.700 HS trường Tiểu học Nguyễn Thị Định ăn món lagu bò bánh mì và gần 20 HS ăn cháo thịt bò.
 
Sau đó, vài HS có biểu hiện đau bụng, ói nên được đưa lên phòng y tế trường chăm sóc. Một số HS khác cũng có triệu chứng tương tự nên cô giáo báo gia đình đến về. Những HS còn lại không có biểu hiện bất thường được cha mẹ đến rước sau giờ tan học.
học-sinh-trươgf-nguyễn-thị-định.jpg
Các em học sinh trường Nguyễn Thị Định đang được kiểm tra sưc khỏe

 

Sau đó, lần lượt 61 HS bị đau bụng, tiêu chảy được cha mẹ đưa tới một bệnh viện gần đó chăm sóc.
 
Qua chẩn đoán ban đầu, các bác sĩ ở đây xác định các em bị rối loạn tiêu hóa. Các bác sĩ đã tiến hành truyền nước, điện giải và điều trị triệu chứng. Đến ngày 8/4, toàn bộ 66 học sinh trên đã được xuất viện.
 
Khoảng 11h25 ngày 15/3, Bệnh viện Đa khoa Phú Bình, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) tiếp nhận 24 học sinh đang học tại trường tiểu học Nhã Lộng trong tình trạng đau bụng, buồn nôn và đi ngoài.
 
Các bác sỹ đã tiến hành thăm khám, làm các kết quả xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy, các học sinh trên bị ngộ độc do sữa gây nên.
 
Theo lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Phú Bình, đến thời điểm hiện tại tình trạng sức khỏe của các học sinh đã ổn định.
 
Trước đó ngày ngày 5/10/2018, có tới 352 học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP. Ninh Bình) phải nhập viện sau bữa trưa; theo kết quả xét nghiệm, 352 học sinh ngộ độc do ăn món ruốc gà có nhiễm khuẩn tụ cầu vàng…
 
Ngày 14/11/2018, tại Trường mầm non Xuân Nộn (Đông Anh, Hà Nội) tổ chức liên hoan, có 223 trẻ và 3 giáo viên bị ngộ độc thực phẩm phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh và Bệnh viện Bắc Thăng Long.
 
Kết quả xét nghiệm 13 mẫu thức ăn cho thấy, có một mẫu bánh ngọt do Công ty Cổ phần Sản xuất và thương mại Nguyên Cát (Bắc Ninh) cung cấp dương tính với vi khuẩn Salmonella.
 
Quy trình kiểm tra còn nhiều bất cập
 
Theo kết quả kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm của đoàn kiểm tra liên ngành y tế - giáo dục tại các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội trong năm học 2017-2018 cho thấy, quy trình kiểm soát thực phẩm còn nhiều bất cập.
 
0829_dtan_toan.jpg
Quy trình kiểm tra thực phẩm cho các nhà trường còn nhiều bất cập.
Cụ thể, tại nhiều trường học mới chỉ kiểm tra được hợp đồng, giấy phép kinh doanh của công ty cung ứng và kiểm tra thực phẩm bằng cảm quan. Do đó, nếu các công ty dùng thủ đoạn trộn lẫn thực phẩm bẩn với thực phẩm sạch để đưa vào nhà trường và có hóa đơn chứng minh nguồn gốc thực phẩm đó thì nhà trường rất khó phát hiện.
 
Bên cạnh đó, việc các trường thuê khoán và nhà cung cấp chia sẵn suất ăn từ bên ngoài cũng gây khó khăn trong kiểm soát nguồn thực phẩm đầu vào…
 
Theo cán bộ kiểm tra, việc truy xuất nguồn thực phẩm còn gặp khó khăn do các đoàn khi đến kiểm tra, ngoài giấy chứng nhận đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm được cơ quan chức năng cấp phép, chỉ biết dựa vào sổ ghi chép, lưu trữ thu mua thực phẩm từ những nguồn nào.
 
Trong khi đơn vị thu mua thực phẩm từ các nguồn khác nhau gom lại, nên việc kiểm tra cũng chỉ dựa vào lòng tin là chính.
 
Một số trường do không có bếp ăn nên phải nấu nhờ các trường khác rồi vận chuyển đến, gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng
 
Ngoài ra, việc các trường thuê khoán và nhà cung cấp chia sẵn suất ăn từ bên ngoài cũng gây khó khăn trong kiểm soát nguồn thực phẩm đầu vào.
 
Các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn ngày càng phát triển, nhiều cơ sở quy mô nhỏ... nên khó kiểm soát yêu cầu về an toàn thực phẩm (phương tiện, dụng cụ chế biến, bảo quản, thời gian vận chuyển).
 
Đây là những bất cập trong công tác kiểm soát thực phẩm đầu vào cũng như nguồn gốc của thực phẩm khi sử dụng để chế biến cho các em học sinh ăn bán trú tại các nhà trường.
 
Siết chặt quản lý
 
Trước thực trạng rất nhiều vụ ngộc độc thực phẩm đã xảy ra đối với các em học sinh trong các nhà trường, nhiều địa phương đã có những văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng siết chặt công tác kiểm tra quản lý thực phẩm trong các nhà trường.
 
Tại Hà Nội, ngày 19/3, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải họp giao ban với các trường mầm non trong và ngoài công lập trên địa bàn.
 
attp.jpg
Các cơ quan chức năng cần siết chặt công tác quản lý và kiểm tra.
Đơn vị cung cấp thực phẩm, nước uống... cho các trường phải công khai nguồn gốc thực phẩm cho giáo viên, học sinh và phụ huynh biết.
 
Các trường thành lập ban thanh tra chất lượng nguồn thực phẩm đưa vào bếp ăn trường học, với sự tham gia của phụ huynh.
 
Nếu xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngành y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở cần phân tuyến khám và điều trị ngay tại địa phương.
 
Bên cạnh đó, thành phố cũng tăng cường đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát, kiểm tra an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trường học.
 
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền vừa ký quyết định thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học và kiểm soát sữa học đường trên địa bàn, thời gian kiểm tra từ ngày 1-26/4/2019.
 
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, ngành Y tế Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông, phân phối thực phẩm và việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản, chế biến tại bếp ăn tập thể, nhất là đối với trường học, nhưng chưa phát hiện việc cung ứng thực phẩm kém chất lượng vào bếp ăn trong khu công nghiệp hay trường học.
 
Năm 2019, ngành Y tế tiếp tục triển khai kế hoạch công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trường học; phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo trong việc kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm của các bếp ăn bán trú, cơ sở cung cấp suất ăn, cung cấp nước uống cho các cơ sở giáo dục.
 
Đặc biệt, thành phố triển khai mô hình nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể trường học tại một số trường tiểu học trên địa bàn…
 
Theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, vấn đề an toàn thực phẩm luôn được lực lượng chức năng của thành phố quan tâm hàng đầu.
 
Nhất là khi bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xâm nhập vào Việt Nam và sau vụ học sinh ở Bắc Ninh nhiễm sán lợn xảy ra, khâu kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thực phẩm đưa vào các bếp ăn tập thể càng được chú trọng hơn.
 
Để đảm bảo cho các em học sinh có một sức khỏe tốt trong học tập, việc chăm lo bữa ăn đảm bảo ATTP cho các em là hết sức cần thiết, chính vì vậy các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm soát thực phẩm đối với các nhà trường, có như vậy một năm học an toàn sức khỏe cho học sinh mới khả thi.
 
 
Ngọc Thủy (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top