Ba loại vắc xin mới sẽ được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng
Thông tin này được đưa ra trong hội thảo “Truyền thông về một số loại vắc xin mới sẽ triển khai trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) năm 2018” được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 24/4.
Thông tin này được đưa ra trong hội thảo “Truyền thông về một số loại vắc xin mới sẽ triển khai trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) năm 2018” được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 24/4.
Theo đó, ba loại vắcxin mới được đưa vào TCMR là sởi (Rubella) do Việt Nam sản xuất, vắc xin 5 trong 1 ComBe Five do Ấn Độ sản xuất và vắcxin bại liệt tiêm.
Theo GS.TS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, vắc xin sởi - rubella (MRVAC) do POLYVAC sản xuất được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam. Dây chuyền sản xuất vắc xin MRVAC của POLYVAC đã đạt chứng nhận thực hành tốt sản xuất WHO-cGMP do Bộ Y tế cấp. Vắc xin MRVAC được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành số QLVX-995-17 ngày 27/03/2017.
“Trong tháng 2/2018, vắc xin MRVAC được đưa vào sử dụng trong chương trình TCMR, bước đầu triển khai tại 4 tỉnh Nam Định, Khánh Hòa, Đắk Nông và Bà Rịa - Vũng Tàu. Báo cáo của 4 tỉnh, đã có 7.787 trẻ từ 18-24 tháng tuổi được tiêm vắc xin MRVAC. Không ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin MRVAC tại 4 tỉnh. Kết quả thu được cho thấy tính an toàn của vắc xin MRVAC tương tự như vắc xin sởi - rubella do Ấn Độ sản xuất đã sử dụng như giai đoạn 2014 - 2016. Việc sử dụng vắc xin sởi-rubella sản xuất trong nước sẽ giúp Việt Nam chủ động nguồn cung ứng vắc xin, đảm bảo không thiếu vắc xin sởi-rubella sử dụng trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 18 tháng và tiêm chủng chống dịch”, GS.TS. Đặng Đức Anh chia sẻ.
Từ tháng 4/2018, vắc xin sởi – rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất được triển khai trong tiêm chủng thường xuyên trên toàn quốc. Đến nay đã có 19 tỉnh/TP triển khai. Theo báo cáo của các tỉnh, đã có trên 50.000 trẻ từ 18-24 tháng tuổi được tiêm vắc xin MRVAC, không ghi nhận bất kỳ trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng nào.
Trong năm 2018, Bộ Y tế cũng sẽ đưa vắc xin ComBe Five do Ấn Độ để thay thế cho vắc xin Quinvaxem. “Hiện nay, nhà sản xuất Berna Biotech (Hàn Quốc) đã ngừng sản xuất vắc xin Quinvaxem, số vắc xin Quinvaxem còn lại trong TCMR dự kiến sẽ sử dụng đến hết tháng 5/2018. Bộ Y tế đã có kế hoạch chuyển đổi sử dụng vắc xin Quinvaxem bằng loại vắc xin phối hợp 5 trong 1 tương tự về thành phần và hiệu quả phòng bệnh là vắc xin ComBe Five do Ấn Độ sản xuất. Vắc xin này có thành phần tương tự như vắc xin Quinvaxem, có hiệu quả phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và đã được sử dụng ở hơn 43 quốc gia với hơn 400 triệu liều”, GS.TS. Đặng Đức Anh nói.
Trong năm 2018, vắc xin bại liệt tiêm IPV sẽ được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo các quốc gia đang sử dụng vắc xin bại liệt uống bOPV thì cần sử dụng thêm 1 liều vắc xin bại liệt tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi trong lịch tiêm chủng thường xuyên. Vắc xin IPV sử dụng trong chương trình TCMR là vắc xin của hãng Sanofi, Pháp sản xuất, vắc xin đã được cấp phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Vắc xin do tổ chức Liên minh toàn cầu vắc xin và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ và được cung ứng bởi quỹ Nhi đồng liên hiệp quốc (UNICEF).
Để tiếp tục duy trì thành quả thanh toán bại liệt đạt được, thực hiện khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, cùng với tiếp tục cho trẻ 2,3,4 tháng tuổi uống 3 liều vắc xin bại liệt bOPV (vắc xin bại liệt 2 týp), từ tháng 8/2018 trẻ sẽ được tiêm 1 mũi vắc xin IPV lúc 5 tháng tuổi trong tiêm chủng thường xuyên.
Cũng tại Hội thảo, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cũng đưa ra những lưu ý để các mẹ cần biết khi đưa con đi tiêm chủng. Cụ thể, để các mũi tiêm vắc-xin cho trẻ phát huy tác dụng, mẹ cần chú ý, trẻ dưới 12 tháng tuổi, tất các các mũi vắc xin đều có thể tiêm chung cho trẻ và không quy định thời gian bao lâu, không cần chờ khoảng cách thời gian 2 tháng mới tiêm mũi tiếp theo cho trẻ. Trẻ mắc bệnh nhẹ vẫn có thể tiêm ngừa vắc xin. Mẹ nên mua 2 cuốn sổ tiêm ngừa riêng (sổ tiêm dịch vụ và sổ chính tiêm chủng mở rộng) để tiêm cho trẻ đầy đủ các mũi.
Đối với vùng tiêm vắc xin ở trẻ có dấu hiệu sưng đỏ, mẹ nên chườm mát có thể dùng khăn sạch, dày, quấn cục đá bên trong…. Mẹ chỉ cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi bé sốt, không uống vắc xin ngừa. Lâu ngày vết tiêm còn sưng nhưng trẻ không đau, mẹ chỉ cần xoa nhẹ, vết tiêm sẽ từ từ tan./.