KTNT - Tổng kết các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2017 về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Việc tổ chức ra quân, huấn luyện cùng với những khởi sắc trong vụ đông xuân là những tin tức nổi bật tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
KTNT - Tổng kết các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2017 về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Việc tổ chức ra quân, huấn luyện cùng với những khởi sắc trong vụ đông xuân là những tin tức nổi bật tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong tuần qua.
Tổng kết các chương trình mục tiêu quốc gia
Chiều ngày 28/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2017. Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả thực hiện 02 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trong năm 2017 vừa qua, các chỉ tiêu hoàn thành vượt mức đặt ra, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Cụ thể, theo báo cáo, đến cuối tháng 12/2017, cả nước có hơn 3.000 xã chiếm 34,4% tổng số xã của cả nước, trong khi chỉ tiêu năm 2017 là 31% được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 712 xã so với cuối năm 2016. Có 43 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 13 huyện so với cuối năm 2016.
Về chương trình giảm nghèo bền vững cũng được các Bộ, địa phương quan tâm thực hiện và vượt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 6,72% (giảm 1,51%, chỉ tiêu giao giảm từ 1,3 – 1,5%). Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện cho hơn 2.000 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Qua đó, giúp gần 400.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, hỗ trợ tạo việc làm cho trên 205.000 lao động, giúp trên 62.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, xây dựng trên 1,2 triệu công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn.
Đồng Tháp: Tổ chức lễ ra quân huấn luyện năm 2018
Sáng 1/3, Trung đoàn Bộ binh 320, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức lễ ra quân huấn luyện năm 2018. Theo đó, nhiệm vụ huấn luyện năm nay được Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh xác định đó là tiếp tục huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, gắn với yêu cầu “nhanh, mạnh, chính xác”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, lấy thực hành là chính. Bên cạnh đó cũng đổi mới tổ chức, phương pháp huấn luyện các cấp, lấy huấn luyện, rèn luyện cán bộ, chỉ huy, cơ quan là trọng tâm, huấn luyện sát thực tế chiến đấu với địa hình sông nước và đối tượng tác chiến, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tổ chức biên chế và trang bị vũ khí của đơn vị.
Sau huấn luyện, kết quả kiểm tra phải có 100% đạt yêu cầu và 75% khá, giỏi trở lên. Cũng trong lễ ra quân này, nhằm thể hiện ý chí quyết tâm, đại diện các Cụm thi đua thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã ký kết giao ước thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện năm 2018.
Khu vực ĐBSCL khởi sắc vụ đông xuân: Được mùa trúng giá
Hiện nay, nông dân khu vực ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 200.000 ha lúa đông xuân sớm và dự kiến đến hết tháng 2/2018, ĐBSCL sẽ thu hoạch khoảng 300.000 ha trên tổng diện tích 1,5 triệu ha gieo sạ. Cùng với đó, những tin vui khi những vùng lúa nguyên liệu đang có hướng chuyển biến tích cực, cả nông dân và doanh nghiệp đều tập trung sản xuất lúa chất lượng cao, lúa thơm để gia tăng giá trị của hạt gạo.
Theo số liệu của Bộ NN - PTNT, vụ đông xuân 2017 - 2018 khu vực ĐBSCL dự kiến xuống giống hơn 1,53 triệu ha lúa. Hiện các tỉnh trong vùng đang củng cố, thực hiện các hợp đồng bao tiêu lúa đông xuân trên diện tích khoảng 200.000 ha. Ở vụ đông xuân năm nay, người nông dân phấn khởi hơn khi vừa được mùa lại vừa được giá. Cụ thể, các giống lúa thơm đang được thương lái thu mua với giá 7.200 đồng/kg, đay là mức giá cao nhất trong nhiều năm qua. Ngoài ra, thương lái đặt cọc mua lúa của nông dân với giá cao cũng khá phổ biến. Với giá lúa thường đang bán trên 6.000 đồng/kg, lúa thơm khoảng 7.200 đồng/kg trừ cho giá thành sản xuất lúa đông xuân khoảng 4.000 đồng/kg, nông dân sẽ đạt lợi nhuận vượt xa mức 30% lợi nhuận.
Bến Tre: Kỳ vọng quả nhãn sẽ được xuất khẩu sang Australia
Trong chuyến khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia để tiếp tục đánh giá về quy trình trồng nhãn và kiểm tra, đánh giá thực tế vùng trồng, sơ chế, đóng gói trái cây tại một số địa phương của Việt Nam trong đó có tỉnh Bến Tre. Đoàn công tác đã đi thăm vùng trồng nhãn và đánh giá có khả năng nhãn của Việt Nam sẽ được cấp phép xuất khẩu sang Australia từ đầu năm 2019.
Kết thúc đợt công tác, Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia sẽ có báo cáo đánh giá và dự thảo các điều kiện nhập khẩu đối với mặt hàng này, đây là thông tin tốt cho ngành trái cây Việt Nam. Mặc dù Australia là một nước nông nghiệp nhưng trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Australia là trái mùa nên có khả năng tiêu thụ với giá cao tại thị trường này.
Trước đó, Australia đã chính thức cho phép 3 loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu vào nước này gồm vải thiều, xoài và thanh long. Năm 2017, xuất khẩu trái cây của Việt Nam đi các nước đã đạt một năm kỷ lục với hơn 3,5 tỷ USD giá trị kim ngạch./.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.