Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 11 năm 2020 | 10:58

"Chìa khóa" thành công của Ngành nông nghiệp Nga: Áp dụng công nghệ tự động

Ngành nông nghiệp Nga gặt hái nhiều thành tựu lớn, giúp giải quyết bài toán khó, không chỉ bù đắp lượng lương thực nhập khẩu, mà còn gia tăng cung cấp cho thị trường thế giới.

nn.jpg
Người dân Nga vận hành máy gặt đập liên hợp. Ảnh: TASS

Nông sản trở thành một trong những mặt hàng “mũi nhọn” của “xứ sở bạch dương” trong các dự án quốc gia về hợp tác quốc tế và xuất khẩu hàng hóa.

Các con số kỷ lục

Người Nga từng trải qua quãng thời gian chứng kiến cảnh đất đai bị bỏ hoang, thiếu thốn máy móc phục vụ canh tác. Thậm chí, nhiều người còn bi quan đến mức, nếu ngừng nhập khẩu lương thực, quốc gia rộng nhất thế giới không thể tránh khỏi “nạn đói”. Vậy mà, nhiều năm trở lại đây, Nga trở thành một trong những nhà cung cấp ngũ cốc lớn nhất cho thị trường thế giới. 

Trong một cuộc họp chuyên ngành, Tổng thống Nga V.Putin cho biết, sản lượng ngũ cốc của Nga trong 6 năm liên tiếp vượt mức 100 triệu tấn. Vụ mùa 2018 - 2019, Nga xuất khẩu khoảng 43,3 triệu tấn ngũ cốc. Con số này của năm nay được dự đoán khoảng 43 triệu tấn, năm tới có thể vượt 47 triệu tấn, qua đó Nga có thể lập kỷ lục mới về xuất khẩu ngũ cốc. Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp ngày càng hấp dẫn người dân “xứ sở bạch dương”, song để ổn định thị trường trong nước, Bộ Nông nghiệp Nga đưa ra hạn ngạch xuất khẩu và đề xuất gắn quy mô xuất khẩu với sản lượng thu hoạch. Tức là, doanh nghiệp muốn xuất khẩu càng nhiều, thì phải thu hoạch càng nhiều. Trong khi đó, dự án quốc gia “Hợp tác quốc tế và xuất khẩu” dự kiến giúp tăng giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp lên 45 tỷ USD vào cuối năm 2024. 

Nhờ máy móc “không tốn sức người”

Những kết quả nêu trên có được nhờ nhiều yếu tố, trong đó có nỗ lực của chính phủ đầu tư vào khoa học - kỹ thuật. Đơn cử, ở tỉnh Rostov phía Tây Nam, một trong những vùng sản xuất ngũ cốc hàng đầu nước Nga, hai công ty đã cùng đưa máy gặt đập liên hợp được trang bị hệ thống điều khiển tự động xuống đồng. Công nghệ “không người lái” vừa giúp giảm chi phí nhân công, vừa giảm thất thoát sản phẩm, nhờ khả năng thu hoạch với độ chính xác cao. 

Các khu vực phía Nam vẫn thường dẫn đầu nước Nga về sản xuất và xuất khẩu ngũ cốc. Ngoài sự xuất hiện của hàng nghìn trang trại, các công ty sản xuất máy móc nông nghiệp lớn cũng tập trung ở những khu vực kể trên. Tận dụng chính sách chung của chính phủ hỗ trợ sản xuất, Công ty hàng đầu Rostselmash thông báo “sống sót” qua đại dịch Covid-19, tiếp tục tăng sản lượng sản xuất máy móc, đồng thời triển khai các mẫu sản phẩm mới. 

Theo người đứng đầu các dự án công nghệ sáng tạo của Rostselmash, máy gặt đập liên hợp có cơ chế phức tạp, di chuyển khắp cánh đồng và thực hiện liên tục khoảng 10 nhiệm vụ khác nhau. Về mặt lý thuyết, sản phẩm mới do công ty nghiên cứu phát triển có thể tự điều khiển. Rostselmash hy vọng, những phát minh mới sẽ thúc đẩy tiến trình tự động hóa nông nghiệp. Công ty cũng tiến hành nghiên cứu số lượng máy cần thiết trên một diện tích cụ thể để đạt hiệu quả tốt nhất, đồng thời phát triển hệ thống xác định năng suất trên đất trồng. Hệ thống còn nghiên cứu cơ chế tiết kiệm phân bón, bằng cách lập bản đồ thực địa sau thu hoạch. 

Tháng 7 vừa qua, cũng tại tỉnh Rostov, một loại máy gặt đập liên hợp do Công ty Cognitive Pilot phát triển, đã được thử nghiệm trên thực địa. Tại buổi ra mắt phát minh mới, người dân tỏ ra lạc quan về khả năng cạnh tranh của các khu liên hợp công nông nghiệp Nga, nơi những loại máy móc “không tốn sức người” sẽ đảm nhận vai trò chính.

Theo các chuyên gia, những sản phẩm máy gặt đập liên hợp mà các công ty Nga phát triển và sản xuất có tiềm năng lớn về xuất khẩu. Nỗ lực cải tiến công nghệ đang là một trong những "chìa khóa" thành công cho ngành nông nghiệp Nga..

 

 

Thanh Thể – ND
Ý kiến bạn đọc
  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top