Hơn 30 năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập tồn tại.
Dòng vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, còn rất khiêm tốn so với tiềm năng quốc gia.
FDI vào nông nghiệp ít nhiều mặt
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, thu hút FDI vào nông nghiệp hiện mới ở những dự án nhỏ lẻ, tập trung vào chế biến thủy sản, hoa quả tại một số địa phương. Chưa có “đại gia” ngoại nào nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp bằng việc bỏ vốn trồng rau quả quy mô lớn tại Việt Nam theo hình thức đầu tư công nghệ cao, hữu cơ.
Trong dự thảo lần 2 Chiến lược thu hút FDI giai đoạn 2018-2030, nâng cao hiệu quả hoạt động thu hút FDI vào nông nghiệp là một trong những giải pháp trọng tâm. Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ tập trung thu hút nhiều hơn các hoạt động đầu tư sử dụng công nghệ cao, kỹ năng và tối đa hoá giá trị gia tăng nhằm “lấp đầy” chỗ trống trong chuỗi cung ứng, tạo ra số lượng lớn việc làm, thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các tỉnh, thành và làm nền cho tăng trưởng đầu tư FDI thế hệ mới.
Theo các chuyên gia, hiện các dự án FDI công nghệ cao cho lĩnh vực nông nghiệp tập trung một số ngành: Trồng hoa, rau, chế biến nông sản. Các ngành khác, chưa có nhiều dự án công nghệ cao, như các ngành nghiên cứu sản xuất giống cây trồng, sản xuất thuốc thú y, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ.
Các dự án FDI cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chỉ mới tập trung ở một vài vùng miền có lợi thế. Ví dụ, dẫn đầu là Lâm Đồng với nhiều doanh nghiệp và dự án nông nghiệp công nghệ cao. Lâm Đồng cũng là địa phương đứng đầu cả nước thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hà Nam là địa phương mới nổi ở phía Bắc về thu hút FDI cho nông nghiệp công nghệ cao với 11 nhà đầu tư, tổng số vốn trên 33 triệu USD. TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã và đang xuất hiện những dự án sản xuất nông nghiệp thông minh, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế, chủ yếu đến từ Nhật Bản. Trong các đối tác đầu tư FDI vào Việt Nam, Nhật Bản là quốc gia có mức đầu tư lớn nhất và nhiều nhất vào lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hiện có khoảng 20 doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam, trong đó có hơn 10 DN đầu tư ở tỉnh Lâm Đồng.
Nhiều DN Nhật Bản đã tìm cơ hội đầu tư vào nông nghiệp như: Mô hình rau nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng; Liên kết xuất khẩu xoài Cát Chu ở Đồng Tháp sang Nhật Bản; Tìm cơ hội đầu tư vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Vĩnh Phúc, phát triển đánh bắt và chế biến cá ngừ ở Bình Định, hay phát triển các mặt hàng nông sản Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam sẽ còn thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm của các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản trong thời gian tới.
Chuyển dịch trọng tâm thu hút đầu tư
Điểm nhấn chính của “Chiến lược Thu hút FDI thế hệ mới” là sự chuyển dịch trọng tâm từ thu hút nhà đầu tư phù hợp cho “sản phẩm” của Việt Nam sang phát triển sản phẩm phù hợp (tức là môi trường kinh doanh và điều kiện đầu tư phù hợp) cho loại hình đầu tư mà Việt Nam cần trong tương lai. Nhờ đó, có thể tăng tối đa hiệu ứng lan toả và giá trị gia tăng của FDI.
Về lĩnh vực trọng tâm ưu tiên đầu tư, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra hàng loạt lĩnh vực ưu tiên mới, đó là: công nghiệp ô tô, xe máy và công nghiệp phụ trợ (sản xuất kim loại/khoáng sản/hóa chất/nhựa phẩm cấp cao và linh kiện công nghệ cao), máy móc, thiết bị công nghiệp, logistics, sản phẩm nông nghiệp mới giá trị cao, công nghệ môi trường, năng lượng tái tạo, dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin. Cùng với đó là các ngành dịch vụ xuyên suốt quan trọng cần tiếp tục mở cửa để tạo điều kiện tiếp tục tăng trưởng, chẳng hạn như dịch vụ tài chính và giáo dục.
Theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB), dù có nhiều ngành cần ưu tiên thu hút FDI trong giai đoạn tới, nhưng Việt Nam cũng không được quên những loại hình FDI cơ bản, những lĩnh vực đã làm nên thành công của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.
“Vẫn còn những tỉnh thu hút được ít vốn FDI, nên định hướng cho các địa phương này thu hút vào những lĩnh vực đầu tư truyền thống, để có được bức tranh đồng đều và cân bằng hơn. Chẳng hạn trong lĩnh vực nông nghiệp, dệt may, da giày, đầu tư vào những khu vực vùng sâu, vùng xa, những nơi vẫn cần giải quyết việc làm...”, đại diện nhóm nghiên cứu WB nhận định.
Chính sách ưu đãi phải dựa trên hiệu quả đầu tư
Theo các chuyên gia quốc tế, hiện nay, Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào chính sách miễn thuế có thời hạn, miễn thuế có thời hạn một phần cũng như các chế độ thuế suất ưu đãi và miễn thuế nhập khẩu để thu hút đầu tư FDI. Tuy nhiên, cơ chế này chưa phải là phù hợp để Việt Nam đẩy mạnh thu hút FDI mang tính đổi mới sáng tạo và sử dụng công nghệ tiên tiến, đòi hỏi lao động có tay nghề cao, có thu nhập cao hơn và thúc đẩy đổi mới và năng lực kinh doanh.
Mặc dù Việt Nam đang thu hút hiệu quả đầu tư từ Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng về dài hạn, phải thu thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư từ các nước khác như châu Âu và Mỹ để đa dạng hóa nguồn vốn FDI. Đồng thời, tận dụng được đầu tư từ khu vực này cho các hoạt động mang lại giá trị gia tăng cao hơn, cũng như tăng cường chuyển giao công nghệ cho khối kinh tế tư nhân trong nước.
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, cho rằng, trong chiến lược thu hút FDI tới đây, không chỉ là tìm “lời giải” đối với Nhật Bản hay Hàn Quốc, mà phải là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
“Làm sao phải kéo được các nhà đầu tư này vào, nếu không, chúng ta sẽ phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư từ châu Á, kể cả từ Trung Quốc - vốn đang có nhiều vấn đề. Bên cạnh hàng rào thuế quan được xóa bỏ thì Việt Nam cũng cần thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư như cải thiện thủ tục hành chính và đồng bộ hoá với phía châu Âu và Mỹ”, GS.TSKH Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia của WB, thời gian tới, Việt Nam cần thay thế chính sách ưu đãi dựa trên lợi nhuận bằng chính sách ưu đãi dựa trên hiệu quả. Cần xem xét lại toàn bộ khung chính sách ưu đãi đầu tư hiện tại và tái thiết lập sự cân bằng giữa các chính sách ưu đãi “dựa trên lợi nhuận” với ưu đãi “dựa trên hiệu quả”. Theo đó, cần chuyển tương ứng các quy định về ưu đãi từ Luật Đầu tư sang Luật Thuế và Luật Hải quan, với sự hỗ trợ của một hệ thống giám sát và đánh giá hiệu quả.
Cần môi trường kinh doanh 4.0
Từ thực tế đó, các chuyên gia của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Ngân hàng Thế giới đưa ra các khuyến nghị Việt Nam cần có một chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, trong đó tập trung vào ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tiêu hao ít năng lượng.
Kết quả sàng lọc những ngành nghề cần chủ động ưu tiên xúc tiến đầu tư nhất và FDI mang lại nhiều giá trị gia tăng nhất trong thời gian tới được kể đến như: Chế tạo chế biến, dịch vụ - Logistics, nông nghiệp, du lịch, giáo dục - y tế. Dù vậy, những ngành then chốt khác như dệt may, da giày, quần áo, dịch vụ gia công thuê ngoài, chế biến sơ cấp kim loại, khoáng chất vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng.
Theo nhóm này, các nhà đầu tư vào Việt Nam đang hoạt động cấp độ 4.0 nhưng thể chế và môi trường kinh doanh chủ yếu vẫn ở cấp 2.0. Lấp đầy sự chênh lệch này chính là mục tiêu chính của lộ trình thu hút FDI thế hệ mới.
Do đó, giới chuyên gia quốc tế khuyến nghị Việt Nam nên thành lập “Cục Đầu tư nước ngoài thế hệ mới”.
Cục Đầu tư nước ngoài thế hệ mới sẽ có đại diện đáng kể của doanh nghiệp; khả năng thu hút nhân lực có kinh nghiệm và kỹ năng từ tư nhân.
Bên cạnh đó, cần sửa đổi toàn diện khung chính sách ưu đãi hiện hành. Cả cấp trung ương và địa phương cần đổi mới tư duy từ quan điểm hào phóng, lãng phí, đua nhau ưu đãi bằng cách giảm chi phí sang quan điểm cạnh tranh dựa trên những lợi thế riêng, các tài sản chiến lược, thế mạnh của Việt Nam.
Nhóm này cũng khuyến nghị Việt Nam cần có môi trường kinh doanh 4.0, mở cửa thị trường các lĩnh vực quan trọng để tạo thuận lợi cho đầu tư FDI thế hệ mới…
Đánh giá cao những khuyến nghị trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, nội dung nghiên cứu và đề xuất của nhóm chuyên gia sẽ được bộ tiếp thu và tổng hợp vào trong báo cáo đánh giá tổng kết 30 năm của Việt Nam. Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng báo cáo tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, dự kiến báo cáo Chính phủ vào tháng 10 tới.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.