Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 9 tháng 8 năm 2019 | 14:3

Chiến tranh đi qua, nỗi đau ở lại

Chiến tranh đã lùi xa 44 năm, song hàng triệu người dân Việt Nam và những thế hệ thứ ba, thứ tư sinh ra trong hòa bình vẫn hằng ngày phải mang trong mình di họa của cuộc chiến ấy - phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin do Mỹ rải xuống chiến trường miền Nam.

tr9.jpg
Phó chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm (Long Biên - Hà Nội)  Nguyễn Văn Tiến  (ngoài cùng bên phải)  thăm gia đình ông Vượng.

Nỗi đau da cam

Trong căn nhà tập thể ẩm thấp, anh Đặng Văn Vượng đã chia sẻ những khó khăn vất vả mà hơn 40 năm qua anh phải gánh chịu, do di chứng của chất độc  da cam lên những đứa con của mình.

Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Gia Lâm (Hà Nội), nơi có con đường huyết mạch dẫn qua cầu Long Biên để vào trung tâm TP. Hà Nội, năm 1973, theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh Vượng lên đường nhập ngũ, trong khi đất nước đang bước vào giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sau một thời gian huấn luyện, anh Vượng được điều về công tác tại đơn vị 671 vận tải, thuộc Trung ương Cục mặt trận B2.

Đường Trường Sơn là con đường quen thuộc của anh và đồng đội vẫn thường đưa vũ khí, quân tư trang và các thiết bị khác vào chiến trường  miền Nam phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Anh không biết rằng, trong những năm tháng lái xe phục vụ chiến trường, anh bị nhiễm chất độc da cam/dioxin mà quân Mỹ đã rải xuống khắp cánh rừng của Trường Sơn.

May mắn hơn nhiều đồng đội, sau 1 năm khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành thắng lợi, anh Vượng trở về với thị trấn nơi anh sinh ra và lớn lên.

Anh chuyển ngành về công tác tại Công ty vận tải số 2 từ năm 1976, cũng năm đó anh xây dựng gia đình nhỏ của mình. Niềm vui đón đứa con nhỏ chào đời cũng là niềm vui của tất cả mọi người trong gia đình anh, nhưng những đứa con của anh sinh ra không được như những đứa trẻ khác cùng trang lứa.

4 đứa con của anh với 2 người vợ, khi sinh ra đều bình thường, nhưng chỉ sau một thời gian đều phát bệnh, có cháu không lớn, người cứ còi cọc, có cháu chậm phát triển trí tuệ, có cháu mang dị tật, có cháu thì bại liệt suốt hơn 30 năm, mọi sinh hoạt đều do người vợ thứ hai của anh chăm sóc.

Năm 1995, sau 19 năm gắn bó với công việc lái xe tại Công ty vận tải số 2, anh về chế độ 176 để có điều kiện chăm sóc các con và mong muốn thoát khỏi khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, điều làm anh day dứt nhất là những đứa con của anh sẽ không bao giờ lành lặn như những đứa trẻ bình thường khác

Anh Vượng nói với chúng tôi, năm 2007, Nhà nước có chế độ chính sách đối với quân nhân chiến đấu trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, lúc đó tôi đi khám thì được biết mình bị nhiễm chất độc da cam tại chiến trường và di chứng của chất độc da cam đã để lại trên những đứa con của mình.

Người vợ đầu của anh thấy các con sinh ra đều mang tật nguyền nên đã không cùng anh chăm sóc,  bỏ anh và những đứa con ra đi. 

Sự quan tâm của chính quyền là động lực cho hội viên

Cùng đi với chúng tôi vào thăm anh Vượng có ông Nguyễn Xuân Ngát, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường Ngọc Lâm.

 

tr9a.jpg
Ông Vượng bên đứa con trai nhiễm chất độc da cam.

 

Ông Ngát cho biết, năm 2016, Hội được thành lập với 26 hội viên tham gia.

Được sự lãnh đạo và chỉ đạo của cấp ủy phường và quận Long Biên, Hội đã từng bước vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Đối với trường hợp của anh Vượng, Hội đã vận động một hội viên hỗ trợ suốt đời một đứa con với số tiền 1 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Hội còn kêu gọi từ các nguồn xã hội hóa khác để hỗ trợ thêm  trong những dịp lễ, Tết…

“Biết là còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng tất cả hội viên chúng tôi đều chia sẻ và động viên nhau vượt qua. Đến nay, Hội đã có Quy chế hoạt động và có được một chút kinh phí để thăm hỏi, động viên hội viên lúc ốm đau và tang gia của tứ thân phụ mẫu”, ông Ngát nói.

Phó chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm Nguyễn Văn Tiến cho biết, gia đình anh Vượng là một trong những trường hợp thuộc đối tượng chính sách đặc biệt, thường xuyên được sự quan tâm của phường cũng như quận Long Biên. Hàng năm, vào dịp lễ, Tết, chính quyền và các tổ chức đều đến thăm hỏi và tặng quà cho hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trong đó có gia đình anh Vượng.

Phường cũng đã xây dựng 2 ngôi nhà tình nghĩa tặng cho các gia đình chính sách trên địa bàn bằng nguồn ngân sách và xã hội hóa, để góp phần chia sẻ những mất mát của các anh đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước và trong cuộc sống hiện tại.

Anh Vượng cho biết, những năm qua, chính quyền quận Long Biên đã quan tâm đến những quân nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin như chúng tôi. Đây là động lực để chúng tôi vượt khó khăn trong cuộc sống.

Cuộc chiến đòi công lý vẫn chưa chấm dứt?

Con đường đi đến công lý của nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin vẫn đang tiếp tục, đến nay đã bước sang năm thứ 16 (2004-2019). Cuộc trường chinh của nạn nhân chất độc da cam lúc thăng, lúc trầm trong các hoàn cảnh kinh tế, chính trị, quan hệ xã hội và đối ngoại khác nhau. Nhưng rõ ràng, dư luận xã hội trong nước,  quốc tế và ngay cả Chính phủ Mỹ cũng đã thừa nhận tác hại của chất độc da cam sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam là nghiêm trọng, tác động đến môi trường, sinh thái và sức khỏe con người Việt Nam.

Sau hơn 7 năm chuẩn bị, kể từ ngày hình thành ý tưởng tháng 7/1996, trước khi đưa ra quyết định khởi kiện vào ngày 30/01/2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã xem xét một cách toàn diện, khoa học và biện chứng cho việc bảo đảm tính khả thi nhằm giải quyết các câu hỏi đặt ra: Kiện hay không kiện? Kiện ai? Ai kiện? Cơ sở pháp lý nào? Kiện ở đâu? Vấn đề tài chính?

VAVA xác định: Công lý là mục tiêu đấu tranh cho công bằng xã hội, là khát vọng chung của nhân loại tiến bộ. Con đường đó đòi hỏi sự bền tâm, bền chí, không phải một sớm, một chiều mà đạt được. Có trường hợp phải suốt cả đời người, thậm chí là nỗ lực của nhiều thế hệ nối tiếp mới có thắng lợi. Trong lịch sử nhiều vụ kiện trên thế giới đã chứng tỏ điều đó. Tin rằng, chân lý sẽ đứng về phía nạn nhân. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, VAVA vẫn khẳng định quyết tâm và kiên trì đến cùng mục tiêu đấu tranh đòi công lý vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Mặc dù vậy, khó khăn, thách thức đang còn rất nhiều, cần rất nhiều sự nỗ lực chung của cộng đồng. Trong đó, việc chuyển từ nhận thức và quyết tâm thành hành động cụ thể có vai trò quyết định.

Cần sự chung tay

Phó chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương cho biết, Quận ủy và UBND quận Long Biên luôn xác định việc chăm lo cho các đối tượng chính sách là việc làm thường xuyên, liên tục. Riêng đối với những trường hợp bị di chứng của chất độc da cam thì có chính sách hỗ trợ để giảm bớt khó khăn, quận giao cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát các trường hợp bị nhiễm chất độc da cam/ dioxin trên địa bàn để có sự hỗ trợ kịp thời.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã qua  44 năm, nhưng nỗi đau mà nó để lại vẫn còn dai dẳng. Nỗi đau đó là những anh hùng, liệt sỹ hy sinh trong chiến tranh vẫn còn nằm lại đâu đó trong những cánh rừng già của đại ngàn Trường Sơn chưa về được với gia đình.

Nỗi đau đó là hàng vạn gia đình quân nhân, những người tham gia phục vụ chiến đấu đã bị nhiễm chất độc da cam/ dioxin và di chứng còn để lại cho những thế hệ sau.

Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách xã hội, giúp đỡ và sẻ chia một phần những mất mát, khó khăn giúp các gia đình chính sách xã hội.

Tuy nhiên, không có sự hỗ trợ, bù đắp nào có thể làm vơi đi được những nỗi đau mất người thân đã hy sinh trong chiến tranh, những gia đình đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề do di chứng chiến tranh để lại.

Cần lắm một sự chung tay của toàn xã hội, của chính quyền các cấp và của những nhà hảo tâm để làm giảm đi phần nào những nỗi đau đó.

 

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top