Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 29 tháng 6 năm 2022 | 12:1

Chuyển đổi đất lúa thành khu dân cư, cần tính toán hợp lý

Làm giàu từ cây lúa không phải là cách khả thi, thế nhưng trong quan niệm thì người nông dân sẽ luôn cảm thấy an tâm khi có hạt lúa trong nhà. Chính vì vậy, việc ồ ạt chuyển đổi đất lúa thành khu dân cư cần có những tính toán hợp lý.

Những dự án “bội thu” trên đất lúa…

Đã qua rồi cái khoảng thời gian mà dọc tuyến Quốc lộ qua địa phận các huyện của Quảng Nam là màu xanh ngát của những cánh đồng lúa bao la. Giờ thay vào đó là màu đỏ của đất san lấp, màu nhựa đường và màu bụi bặm của nhiều dự án.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, để hình thành nên cánh đồng lúa phải trải qua hàng trăm năm. Cấu trúc của đất lúa cũng có sự khác biệt với các loại đất khác.

Đất lúa khó khăn để hình thành là vậy nhưng khi “cơn bão” phân lô bán nền tràn qua, nhiều doanh nghiệp đã chọn đất lúa để thực hiện dự án.

Theo ông Phạm Bê, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Quảng Nam, doanh nghiệp thích làm dự án trên đất lúa vì giá bồi thường thấp, thủ tục giải tỏa nhanh. Thi công dự án trên đất lúa cũng dễ hơn trên các loại đất khác.

Những cây cột phân lô bên cánh đồng lúa.
Những cây cột phân lô bên cánh đồng lúa.

 

Trên thực tế, với giá bồi thường và các khoản hỗ trợ khác, 1m2 đất lúa nông dân nhận được khoảng 200 nghìn đồng. Nhưng sau khi san lấp hình thành khu đô thị, chủ doanh nghiệp có thể bán đất với giá 15 - 20 triệu đồng/m2. Chỉ trong vài năm qua, tại Quảng Nam, có hàng chục dự án mọc trên đất lúa khiến nhiều người lo ngại. Và nếu không có sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, có lẽ con số sẽ không chỉ dừng lại ở vài chục.

…Và hệ lụy về sau không lường trước được

Mặc dù nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nguồn thu ngân sách chủ yếu là công nghiệp - dịch vụ nhưng Quảng Nam không thể xem nhẹ ngành nông nghiệp khi còn 70% dân số của tỉnh sống ở nông thôn và gắn bó mật thiết với nông nghiệp. Về lâu dài, việc san lấp đất lúa tràn lan sẽ kéo theo nhiều hệ lụy.

Việc san lấp đất lúa để làm dự án kéo theo nhiều vấn đề phát sinh. Nông dân nhận tiền một lần sau đó mất tư liệu sản xuất.

Theo ông Võ Hồng, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, với nông dân, khi mất đất sản xuất, việc chuyển đổi ngành nghề rất khó khăn. Đây là nỗi lo đối với nhiều địa phương.

Ông Đặng Bốn, người dân thị xã Điện Bàn, chia sẻ: “Gia đình tôi mấy đời làm nông, sau này dự án về phường nên đất hoa màu của gia đình đem bán chuyển đổi hết cho người ta xây nhà ở. Đến nay, qua mấy năm, tiền đền bù thì gần hết rồi, mà cả nhà vẫn chưa có công việc khác ổn định cuộc sống. Đi làm phụ hồ, họ cũng kêu bữa đực bữa cái, có đều đặn đâu”.

Hình ảnh một dự án khu dân cư đã được hình thành.
Hình ảnh một dự án khu dân cư đã được hình thành.

 

Bên cạnh đó, một phần những cánh đồng lúa còn là khu vực chứa nước tạm thời, điều hòa mưa lũ. San lấp đất lúa trên diện rộng đã làm thay đổi địa hình tự nhiên, dẫn đến ngập lụt trầm trọng thêm.

Dự án Khu phố chợ Chiên Đàn (xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh) là một minh chứng. Gần 10ha đất lúa bị san lấp, nhiều khu dân cư lân cận thường xuyên bị ngập. Vài năm nay, TP.Tam Kỳ thường xuyên bị ngập lụt kéo dài, nguyên nhân một phần do san lấp đất nông nghiệp, trong đó có đất lúa để làm dự án.

Xin đừng xem nhẹ ngành nông nghiệp!

Tuy đóng góp nhỏ nhưng trong 2 năm dịch bệnh vừa qua, nông nghiệp được xem là trụ đỡ của nền kinh tế, nông thôn là hậu cứ an toàn để nhiều người lánh dịch. Lúc khó khăn do dịch bệnh, những cánh đồng lúa lại dang tay đón nhận những đứa con thất nghiệp từ thành phố trở về. Đây là thời điểm hạt lúa chứng tỏ được vai trò quan trọng, nông nghiệp thể hiện vị thế “bệ đỡ” trong nền kinh tế địa phương.

Hiện nay, tỉnh Quảng Nam tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Năm 2021, quy mô nền kinh tế của tỉnh hơn 100 nghìn tỷ đồng, ngành nông nghiệp chỉ chiếm 13,8% trong GRDP.

Hình thành nên cánh đồng lúa là cả một quá trình được tính bằng cuộc đời con người nhưng san lấp đất lúa thì chỉ chóng vánh, được tính bằng ngày. Xu thế đô thị hóa có lẽ đang dần khiến những đồng lúa đứng trước nguy cơ teo tóp.

Chính vì vậy, cần phải bảo vệ những cánh đồng lúa, có cơ chế khuyến khích mạnh hơn nữa để nông dân sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, áp dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Ngoài ra, địa phương cần ban hành nghị quyết bảo vệ đất lúa, tăng cường vai trò “gác cổng” trong việc thẩm định các dự án sử dụng đất lúa, siết chặt việc chuyển đất lúa sang đất phi nông nghiệp. Hơn thế nữa, việc bảo vệ những cánh đồng lúa cũng là công việc cần thiết để đảm bảo an ninh lương thực, phòng trừ những biến cố bất ngờ có thể xảy ra trong tương lai.

 

 

Anh Vũ
Ý kiến bạn đọc
Top