Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2019 | 15:39

Chuyện thoát nghèo ở các huyện 30a Hà Giang

Hà Giang là một trong những tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ nguồn vốn của Agribank, nhiều người nghèo nơi đây đã có cơ hội phát triển kinh tế, giải quyết việc làm  và vươn lên thoát nghèo.

tr26a.jpg
Anh Vàng Thống Cáo được nhận quà tặng Nông dân sản xuất giỏi của Agribank Quản Bạ.

Thoát nghèo không một mình

Quản Bạ là một trong 6 huyện nghèo của Hà Giang được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, do vậy, việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng của bà con nơi đây còn nhiều hạn chế. 

Xác định mục đích chính trị trên địa bàn, Agribank Quản Bạ đã khắc phục khó khăn, cố gắng tiếp cận các nguồn khách hàng tiềm năng để trở thành một trong số những chi nhánh thực hiện tốt việc phát triển các dịch vụ Agribank, nhất là cho vay những gói tín dụng ưu đãi đến bà con dân tộc thiểu số.

Chị Lệnh Thị Ngọc Huệ, cán bộ Agribank Quản Bạ, cho biết: “Là huyện 30a, địa hình đồi núi phức tạp, do vậy, cán bộ của chi nhánh không thể đến từng xã để tư vấn cho khách hàng. Tuy nhiên, thuận lợi là người dân tin tưởng vào uy tín của ngân hàng nên thường xuyên tới trụ sở giao dịch. Qua đó, chúng tôi chủ động tư vấn cho khách hàng về các dịch vụ, chương trình khuyến mại của Agribank nhằm tăng số lượng người dùng”.

Anh Vàng Thống Cáo (dân tộc Phù Y) ở xã Quyết Tiến  là tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu bằng trồng nấm và sản xuất rau với vốn vay khởi nghiệp 200 triệu đồng. Anh Cáo tâm sự, năm 2013, chị Trần Thị Sinh (một người bạn dưới Hà Nội của anh Cáo), khi lên thăm Quản Bạ, thấy nơi đây có điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi để cây nấm phát triển nên  thuê 200m2 đất nhà anh để trồng. Sau một thời gian đầu tư nhưng không quản lý được nên mô hình bị bỏ không. Thấy tiếc, anh Cáo tiếp quản và đầu tư phát triển.

Năm 2014, anh cùng vợ cải tạo, mở rộng mô hình trồng với hơn 10.000 bịch nấm, giá trị gần 200 triệu đồng. Vừa làm, anh chị vừa chịu khó học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm. Sau 2 tháng, cây nấm cho thu hoạch mẻ đầu tiên, tuy tiền lãi không lớn nhưng cũng đủ để anh Cáo quay vòng vốn. Từ nền tảng đó, tháng 9/2014, gia đình anh đưa ra thị trường sản phẩm nấm đóng gói với thương hiệu “Nấm Cáo Tuyên”. Sản phẩm nấm nhà anh từng bước tạo được uy tín trên thị trường.

Một năm trồng nấm cho thu hoạch 2 vụ, mỗi vụ cho sản lượng 12 tấn nấm, với giá bán 35 - 45 nghìn đồng/k g. Hiện, sản phẩm của gia đình anh làm ra không đủ cung cấp cho thị trường địa phương. Nhờ nguồn thu từ nấm, anh Cáo tiếp tục thuê đất, thuê người trồng các loại rau, củ, quả trái vụ cung ứng cho thị trường, mỗi năm thu về hơn 200 triệu đồng.

Đầu năm 2016, anh Cáo tiếp tục đầu tư thêm 300m2 đất xây dựng mô hình trồng nấm có hệ thống phun sương, trồng 14.000 bịch nấm, thị trường được mở rộng ở thành phố Hà Giang và một số huyện vùng thấp.   

Không chỉ làm giàu cho mình, Vàng Thống Cáo còn sẵn sàng giúp đỡ với những ai cùng chí hướng, từ đó cùng nhau xây dựng thương hiệu rau Quyết Tiến ngày một phát triển. Thoát nghèo và vươn lên làm giàu là chặng đường dài nhưng Vàng Thống Cáo không nản chí. Đó cũng là cái mà bà con vùng cao cần phải có để thành công. “Phải thay đổi tư duy, thoát nghèo vươn lên làm giàu phải tự mình thực hiện, Nhà nước chỉ hỗ trợ chính sách, chứ không thể làm thay,” anh Cáo chia sẻ. 

Đạp đá để xóa nghèo  

Đồng Văn là một trong những huyện 30a của Hà Giang. Phần lớn người dân là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí chưa cao, tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún… Đây là khó khăn lớn khi chính quyền bắt tay vào xây dựng nông thôn mới.

 

tr26b.jpg
Gương sản xuất giỏi Vàng Thống Cáo.

 

Tuy nhiên, bằng sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là Agribank Đồng Văn, nơi đây xuất hiện nhiều  bạn trẻ có khát vọng làm giàu trên quê hương. Dinh Mí Lử, sinh năm 1990 (thôn Sà Lủng, xã Lũng Táo) là người như thế.  

Anh Vàng Mí Sùng, cán bộ tín dụng Agribank Đồng Văn, cho biết, năm 2016, khi gặp Lử lần đầu, anh rất bất ngờ về mô hình nuôi lợn sinh sản mà chàng trai trẻ này đang muốn thực hiện. Qua thực tế học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi lợn sinh sản trên mạng, Lử muốn đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố để đảm bảo tránh dịch bệnh, thời tiết khắc nghiệt trên cao nguyên đá. Để thực hiện điều này, cần có vốn lớn, trong khi với điều kiện gia đình thì Lử chưa thể tự mình thực hiện được. Trước phương án thuyết phục của Lử, anh đã hướng dẫn làm thủ tục cho Lử vay 100 triệu đồng để thực hiện mô hình.

Mới đầu, Lử còn gặp nhiều khó khăn để bắt tay vào nuôi lợn sinh sản, lĩnh vực mà Lử chưa từng làm. Nhưng để an toàn, Lử đặt ra phải xây dựng khu nuôi tập trung và xa dân cư. Đây là điều mà trước đó chưa ai trong bản của Lử làm. 

Dinh Mí Lử quyết định xây bể nước tích trữ nước mưa để phục vụ chăn nuôi tại chỗ, với quy mô 20m3 nước, đủ để phục vụ nuôi lợn sinh sản quanh năm. Giải quyết được khó khăn trước mắt, Lử bắt đầu nuôi 4 con lợn cái, sau 4 tháng, đẻ được 27 con lợn con. Không lâu sau, Lử bán 20 con lợn con được 30 triệu đồng, 7 con còn lại anh nuôi lớn cho sinh sản. Hiện, anh có 8 con lợn nái đang chuẩn bị đẻ và 19 con lợn con.

Có thể nói, trong vòng 2 năm, Lử đã có số tiền lãi từ nuôi lợn sinh sản đủ để trả tiền vay 100 triệu đồng của ngân hàng. Từ  chàng trai không có vốn nhưng bằng niềm tin, sự nỗ lực và sáng tạo, cộng thêm sự hỗ trợ vốn của Agribank, Lử đã có bước khởi đầu thành công ngay trên mảnh đất quê hương.

Còn với Giàng Mí Nô (thôn Thài Phìn Tủng, xã Thài Phìn Tủng) lại là câu chuyện thoát nghèo khác. Năm 2017, anh Vàng Mí Sùng, cán bộ tín dụng Agribank Đồng Văn đến thôn Thài Phìn Tủng công tác, thấy nhà anh Nô có diện tích cỏ khá lớn so với bà con địa phương nhưng lại chỉ nuôi 2 con bò. Lượng cỏ còn lại bỏ đi. Đây là sự lãng phí rất lớn bởi có được diện tích trồng cỏ như vậy là điều ít người có ở địa phương này.

Biết là như vậy nhưng do không có vốn nên Nô không thể mua thêm được bò để tận dụng hết nguồn thức ăn sẵn có. Anh Sùng đã thuyết phục Nô vay vốn ngân hàng để đầu tư nuôi thêm 5 con bò. Sau khi nghe anh Sùng phân tích về hiệu quả của nguồn tín dụng ưu đãi, Nô quyết định vay 100 triệu đồng. Sau 3 tháng đầu tư nuôi thêm 5 con bò, Nô bán 3 con, thu lãi 30 triệu đồng. Số tiền còn lại, Nô tiếp tục đầu tư mua thêm 3 con bê để chăn nuôi.

Đến nay, đàn bò của Nô có 7 con, trong đó có 3 con đã có người trả 50 triệu đồng nhưng anh chưa bán. Cứ 3 tháng anh lại bán vài con bò lấy lãi gửi tiết kiệm ngân hàng, rồi lấy chính nguồn tiền này để trả nợ ngân hàng khi đến hạn. Số tiền vốn còn lại anh tiếp tục đầu tư nuôi lứa mới. Từ khách hàng, Giàng Mí Nô trở thành người đồng hành cùng Agribank Đồng Văn trên con đường đưa cuộc sống của bà con trên cao nguyên đá ngày một khấm khá hơn.

“Chúng tôi, những người làm tín dụng trên mảnh đất này, thấy rất vui khi đời sống khách hàng của mình ngày càng được nâng cao. Và còn nhiều người như Giàng Mí Nô nữa đã và đang nỗ lực từng ngày vươn lên làm giàu ngay tại quê hương”, anh Vàng Mí Sùng chia sẻ.

 

 

 

 

Thi nhân
Ý kiến bạn đọc
  • Chiến dịch hành động vì động vật hoang dã

    Chiến dịch hành động vì động vật hoang dã

    UBND thành phố Huế vừa phối hợp cùng với Dự án “Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học” (VFBC, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên - WWF Việt Nam và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Lễ phát động chiến dịch hành động vì động vật hoang dã (ĐVHD).

  • Hội An tổ chức thành công ngày hội bắp nếp

    Hội An tổ chức thành công ngày hội bắp nếp

    Trong hai ngày 16-17/3 (nhằm mồng 7 và mồng 8 tháng hai âm lịch) đã diễn ra Ngày hội bắp nếp Cẩm Nam – Hội An 2024 tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam với nhiều hoạt động đặc sắc.

  • Chuyển đổi số góp phần xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại

    Chuyển đổi số góp phần xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại

    Ngày 15/3, Đoàn bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thảo Khoa học Thanh niên với chủ đề “Thanh niên ứng dụng chuyển đổi số góp phần xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại”.

Top