Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 15 tháng 11 năm 2021 | 11:5

CPTPP, một “bệ phóng” phục hồi kinh tế và tăng cơ hội cho nông sản vươn xa

Với lợi ích mà Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại, xuất khẩu (XK) của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Các mặt hàng xuất khẩu nông sản có thêm nhiều cơ hội vươn xa.

Phục hồi kinh tế

Sau hơn 2 năm chính thức có hiệu lực với Việt Nam (từ ngày 14/1/2019), CPTPP được đánh giá là “bệ phóng” cho kinh tế phục hồi, tác động tích cực tới xuất khẩu của  doanh nghiệp (DN), giúp chúng ta có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất - nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn.

Hiệu quả lớn nhất là hoạt động thương mại xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam với 10 nước thành viên còn lại của CPTPP, đặc biệt là những nước mà Việt Nam chưa từng có hiệp định thương mại tự do trước đây (FTA) ở khu vực châu Mỹ như Canada, Mexico…

Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, song với cánh cửa mở CPTPP, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên đều có tăng trưởng mạnh, đặc biệt là XK của Việt Nam tăng rất rõ rệt.

Riêng với Mexico và Canada, hai nước lần đầu tiên nước ta có FTA, kim ngạch cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) trong năm 2020 ở mức khá cao, lần lượt là 867,3 triệu USD và 402 triệu USD, chiếm khoảng 27,45% và 9,2% trong tổng kim ngạch XK sang hai thị trường này.

Đơn cử, XK của Việt Nam năm 2020 sang Canada đạt 4,3 tỷ USD, tăng 12%; sang Mexico đạt 3,1 tỷ USD, tăng 11%; sang Chile đạt 1 tỷ USD, tăng 8,3%...

Kim ngạch XK của Việt Nam sang các đối tác trong CPTPP cũng đạt mức tăng trưởng cao trong quý 1 năm 2021, như: Canada tăng 13,7%, Australia tăng 17%, Chile tăng 25,6%, Mexico tăng 12,7%, New Zealand tăng 35,1%...

Với những lợi ích mà CPTPP mang lại, XK của Việt Nam tăng trưởng khá mạnh. CPTPP hiện bao phủ thị trường 495 triệu dân và đóng góp 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại hơn 10.000 tỷ USD. CPTPP được đánh giá là hiệp định thương mại tự do hấp dẫn. Gần đây, Vương quốc Anh và Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập hiệp định này, hứa hẹn mang đến nhiều cơ hội mới trong hoạt động xuất - nhập khẩu từ các thị trường tiềm năng.

 

123.jpg
Trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu tôm Cà Mau vào các nước thành viên CPTPP tăng 9,8% so với cùng kỳ 2020. Ảnh: Huỳnh Anh.

 

Tạo đà nông sản vươn xa

Các FTA thế hệ mới mở ra cơ hội mới, đặt Việt Nam trước sân chơi mới với những thay đổi mang tính chiến lược nhằm nâng cao khả năng hợp tác kinh tế, gỡ bỏ những rào cản thuế quan trước đây từng cản trở quá trình giao thương giữa các quốc gia.

Với CPTPP, hàng loạt nông sản xuất khẩu của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, sẽ được giảm thuế như: Tại thị trường Canada, Việt Nam đạt được thỏa thuận 100% kim ngạch XK gỗ được xóa bỏ thuế quan; được xóa bỏ thuế quan 78% kim ngạch XK nông sản, 91% kim ngạch XK thủy sản và 97% kim ngạch XK gỗ tại thị trường Nhật Bản; Chile sẽ xóa bỏ thuế đối với hầu hết các mặt hàng nông sản, thủy sản có thế mạnh XK của Việt Nam…

Một cơ hội khác lớn hơn mở rộng thương mại là hoạt động đầu tư xuyên quốc gia đi kèm với khoa học - công nghệ và nâng cao trình độ kỹ năng lao động. Tham gia CPTPP, một số nước không có lợi thế về nông nghiệp có thể sẽ chuyển nguồn đầu tư sang Việt Nam. Khi có đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, điều quan trọng nhất là nền nông nghiệp Việt Nam sẽ hấp thụ khoa học kỹ thuật mới, thay đổi cách làm truyền thống, nâng cao hiệu quả.

 

Tính chung 7 tháng của năm 2021, tổng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và thị trường CPTPP đạt 52 tỷ USD, tăng 23,36% so với cùng kỳ năm 2020 và bằng 13,86% tổng kim ngạch thương mại hai chiều của cả nước, giảm nhẹ so với 14,71% của 7 tháng năm 2020.

Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7/2021, Việt Nam xuất siêu 86,28 triệu USD hàng hóa sang thị trường này.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, CPTPP là khối thị trường XK lớn nhất của các doanh nghiệp tôm Việt Nam. Mặt hàng XK rau quả cũng tăng trưởng mạnh sang khối này từ khi CPTPP có hiệu lực.

Là doanh nghiệp hoạt động trong ngành rau quả, bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), cho biết, dù được ưu đãi thuế quan, nhưng muốn gia tăng XK hàng hóa vào các nước thành viên CPTPP, doanh nghiệp Việt cần chuẩn hóa sản xuất, chế biến; mở rộng vùng trồng, cấp mã số cho nhiều loại trái cây và quản lý vùng trồng ngày càng chặt chẽ hơn để có điều kiện gia nhập thị trường, tránh bị rủi ro.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đánh giá, việc tận dụng tính hiệu lực của các FTA thế hệ mới như EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam), CPTPP, UKVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh)… đang giúp mở đường ra cho DN tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả.

Đặc biệt, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay, CPTPP vẫn là khối thị trường XK hàng đầu của các DN tôm Việt Nam. 5 tháng đầu năm nay, giá trị XK tôm sang khối này đạt 383,4 triệu USD, tăng 11,8%, chiếm 28,8% tổng giá trị XK tôm.

Sau khi CPTPP có hiệu lực, XK thuỷ sản của Việt Nam sang khối thị trường này tăng trưởng gần 3% trong năm 2019, trong đó XK sang Nhật Bản, Australia đều tăng 6%, XK sang Bruney 10%, XK sang Malaysia và Peru tăng nhẹ 1%. Sang năm 2020 và 2021, XK sang NewZealand tăng 20% và 18% trong năm 2020, năm 2021. XK sang Mexico tăng vọt 65%, sang Brunei tăng 34% trong năm 2021.

Với kim ngạch 2,2-2,3 tỷ USD/năm, vị thế của khối CPTPP thể hiện rõ hơn khi mà tỷ trọng của khối này trong tổng kim ngạch XK thuỷ sản của Việt Nam tăng từ 25% năm 2018 lên gần 28% năm 2021.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và PTNT trong việc đàm phán, mở cửa thị trường về mặt kỹ thuật để giúp cho các sản phẩm nông sản, đặc biệt là trái cây có thể thâm nhập được thị trường của các nước CPTPP.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đổi mới các hình thức về xúc tiến thương mại để giúp DN có thể đạt được hiệu quả xúc tiến cũng như mở rộng tầm với của DN để vươn đến các thị trường khác trong CPTPP trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

 

Quách Thị Hạnh
Ý kiến bạn đọc
  • The S-Vista “tạo sóng” cho phân khúc căn hộ tại thị trường phía Đông Thủ đô

    The S-Vista “tạo sóng” cho phân khúc căn hộ tại thị trường phía Đông Thủ đô

    Những sản phẩm số lượng giới hạn luôn có sức hút nhờ tiềm năng tăng giá vượt trội so với mặt bằng chung. Cũng vì lý do đó mà ngay sau khi mở bán, tòa căn hộ cuối cùng The S-Vista thuộc phân khu Sapphire - Vinhomes Ocean Park 1 đã khuynh đảo thị trường phía Đông Hà Nội.

  • Agribank tích cực hỗ trợ vốn phát triển nhà ở xã hội

    Agribank tích cực hỗ trợ vốn phát triển nhà ở xã hội

    Phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân thu nhập thấp là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững. Trong bối cảnh việc triển khai các chương trình nhà ở xã hội trong thời gian qua còn nhiều vướng mắc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) với trách nhiệm của NHTM Nhà nước, Ngân hàng vì cộng đồng đã tích cực đồng hành cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp tín dụng ưu đãi để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2030.

  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

Top