Các tỉnh ĐBSCL đang vào đầu mùa hạn, mặn. Tuy nhiên, năm nay hạn đến sớm và sâu hơn so với những năm trước.
Hậu quả, một số nơi nước biển ngấm sâu vào đất liền gần 100km, nhiều nghìn hecta lúa đứng trước nguy cơ mất trắng, hàng chục nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Nhiều giải pháp đang được các bộ ngành, địa phương triển khai chống hạn, mặn.
Bài 1: Hạn, mặn đến sớm bất thường
Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (SIWRR), dòng chảy mùa khô năm 2019-2020 từ thượng lưu sông Mê Kông về ĐBSCL ở mức thấp kỷ lục nên xâm nhập mặn mùa khô của khu vực là rất nghiêm trọng (đến sớm, xâm nhập sâu trên diện rộng và kéo dài), ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt.
Nhiều khả năng hạn lập kỷ lục lịch sử
Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nhận định, đến ngày 16/2, nước mặn sẽ xuất hiện với chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất khoảng 4‰, xâm nhập sâu hơn cùng kỳ năm 2016. Tình trạng hạn mặn đang diễn ra theo chu kỳ nhanh hơn, thay đổi thất thường, đòi hỏi sự chủ động thích ứng cùng các giải pháp ứng phó tốt hơn trước mắt và lâu dài.
Bến Tre là địa phương chịu ảnh hưởng hạn, mặn sớm nhất. Ngay từ những tháng cuối năm 2019, nước mặn đã lấn sâu vào các nhánh sông chính. Theo bản tin dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, trên sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên, xâm nhập mặn rất nhanh và ở mức sâu hơn đợt hạn mặn lịch sử năm 2016.
Độ mặn 4‰ đã xâm nhập vào đất liền cách cửa sông 48-68 km, qua địa bàn các xã: Tân Thạch, Tiên Long (huyện Châu Thành); Long Thới, Tân Thiềng (huyện Chợ Lách). Độ mặn 1‰ xâm nhập vào đất liền cách cửa sông 63-83 km, qua địa bàn các xã Phú Túc (huyện Châu Thành), Vĩnh Bình (huyện Chợ Lách). Hiện, tình trạng mặn xâm nhập đang ở mức rủi ro thiên tai cấp độ 2.
Còn theo ông Lê Văn Hiểu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh đến sớm hơn khoảng một tháng và độ mặn cao hơn so với những năm trước. Hiện, độ mặn cao nhất tại trạm Trần Đề là 21g/lít (l); Long Phú 16,9g/l; Đại Ngãi 11,3g/l; An Lạc Tây 7g/l (so với năm 2016 độ mặn tại Đại Ngãi tăng 0,3g/l; An Lạc Tây tăng 2,2g/l); xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng khoảng 40-55km (so với năm 2016 tăng 10-15km).
Trao đổi với báo chí chiều 06/02, ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết, diện tích lúa bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn tại tỉnh đã hơn 16.000ha, trong đó trên 12.000ha có nguy cơ bị mất trắng bởi khô hạn. Mực nước trên các kênh rạch sụt giảm đang gây ra nhiều vụ sạt lở đất, gần 150 tuyến lộ, với tổng chiều dài khoảng 20km bị sụt lún, nứt, ảnh hưởng giao thông đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.
Lúa vụ 3 của nông dân huyện Long Phú đứng trước nguy cơ mất trắng do thiếu nước tưới. Ảnh Chanh Đa
Theo dự báo, từ tháng 1-2 và đến giữa tháng 3/2020, ranh mặn 4g/l sẽ xâm nhập sâu vào đất liền 55-110km, cao hơn từ 3-7km so với năm hạn mặn lịch sử năm 2015 - 2016.
Theo chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hạn, mặn ở vùng là do hiện tượng El Nino diễn ra trên toàn lưu vực sông Mê Kông từ đầu năm 2019 kéo dài đến khoảng tháng 9, làm cho mưa thấp kỷ lục, dẫn đến tình trạng thiếu nước. Còn thủy điện chỉ làm chậm đường đi của nước.
Không thực hiện theo khuyến cáo
Hai huyện Cầu Ngang và Trà Cú (Trà Vinh) có trên 5.000 hộ dân bị thiệt hại hơn 3.500ha lúa đông xuân do hạn, mặn. Trong đó, 913ha bị thiệt hại trên 70% và hơn 1.200ha bị thiệt hại từ 30-70% diện tích.
Ông Trần Quốc Tuấn, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang, cho biết, trước cảnh báo về tình hình hạn mặn trong mùa khô năm nay, địa phương đã chủ động tạm ngưng sản xuất gần 1.400ha trồng lúa kém hiệu quả, chuyển sang các cây trồng - vật nuôi khác, chỉ xuống giống 5.339ha. Nhưng theo thống kê ban đầu, đã có hơn 1.740ha lúa bị thiệt hại do hạn, mặn, trong đó, 1.110ha bị thiệt hại trên 30% diện tích.
Còn theo ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Trà Vinh, vụ đông xuân 2019-2020, tỉnh có kế hoạch xuống giống 66.000ha lúa. Trước nhận định về tình hình hạn, mặn mùa khô, Sở đã khuyến cáo nông dân ngưng triệt để xuống giống lúa vụ đông xuân kể từ ngày 12/12/2019. Nhưng bà con vẫn bất chấp khuyến cáo, đến nay đã xuống giống hơn 58.220ha. Dự báo, vụ lúa đông xuân này, toàn tỉnh sẽ có hơn 34.000ha bị ảnh hưởng khô hạn, thiếu nước.
Tại tỉnh Sóc Trăng, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng không xuống giống vụ đông xuân muộn (lúa vụ 3) nhưng người dân vẫn xuống lúa. Hậu quả là hàng nghìn hecta lúa đứng trước nguy cơ bị mất trắng, tập trung chính ở 2 huyện Long Phú và Thạnh Trị.
Ông Trần Trí Dũng, Phó chủ tịch UBND thị trấn Long Phú (Long Phú) cho biết, vụ lúa đông xuân muộn năm nay trên địa bàn thị trấn sản xuất hơn 238ha. Thời điểm này, nhiều diện tích đã được hơn 20 ngày đến 30 ngày tuổi xem như mất trắng do xâm nhập mặn đến sớm.
Theo ông Lâm Văn Vũ, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Long Phú, phòng đã tham mưu cho UBND huyện khuyến cáo bà con không sản xuất lúa vụ 3 nhưng nhiều nông dân vẫn chủ quan xuống giống. Đến nay, có hơn 1.500ha bị ảnh hưởng nặng, dự báo thời gian tới diện tích này sẽ tiếp tục tăng, thậm chí là mất trắng toàn diện tích vụ lúa đông xuân muộn của địa phương.
82.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt
Ông Trần Quốc Khánh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ba Tri (Bến Tre), cho biết, tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất đã xảy ra trên địa bàn. Nhà tôi ngay thị trấn Ba Tri nhưng mấy ngày nay phải sử dụng nước sinh hoạt có độ mặn 1,8‰. Nước này chỉ để tắm giặt, còn nấu nướng thì dùng nước mưa. Nhà nào không có điều kiện trữ nước mưa phải mua nước từ những xe bồn với giá cao ngất ngưởng, khoảng 70.000 đồng/khối.
Theo thống kê của các địa phương ở ĐBSCL, hiện có khoảng 82.000 hộ dân trong vùng bị thiếu nước sinh hoạt. Trong đó, Sóc Trăng có khoảng 24.400 hộ, Kiên Giang 20.400 hộ, Bến Tre 12.700 hộ, Cà Mau 4.500 hộ, Tiền Giang 2.200 hộ…
Nguyên nhân do nguồn nước có độ mặn vượt ngưỡng cho phép, các hộ dân thiếu dụng cụ trữ nước ngọt để sử dụng. Đặc biệt, tới đây khi vào cao điểm mùa khô, dự báo ở ĐBSCL có tới 158.900 hộ thiếu nước sinh hoạt, trong đó có 24.000 hộ ở vùng của công trình cấp nước tập trung, 134.800 hộ ở vùng cấp nước nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình.
Những ngày qua, các tỉnh ĐBSCL hỗ trợ hơn 20.000 bồn trữ nước cho người dân với các dung tích khác nhau. Tại Sóc Trăng, tỉnh này đã tiến hành kéo dài 719.688m đường tuyến ống cấp nước tập trung, đối với công trình còn dư công suất; tỉnh Trà Vinh đã đắp nhiều đập tạm giữ nước ngọt; tỉnh Kiên Giang tiến hành thổi rửa hơn 1.200 giếng khoan nhằm tăng khả năng cấp nước; tỉnh Bến Tre trang bị thiết bị lọc nước nhiễm mặn tại các trạm cấp nước...
Trước thực trạng trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tổng thể cấp nước sinh hoạt trong suốt mùa khô với phương châm không để người dân thiếu nước sinh hoạt; chủ động bố trí ngân sách thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống hạn mặn và cấp nước sinh hoạt nông thôn.
Kêu gọi các tổ chức quốc tế, tư nhân hỗ trợ bồn nhựa trữ nước, thiết bị xử lý nước cho người dân bị ảnh hưởng, ưu tiên hộ nghèo, hộ sống phân tán, ven sông, ven biển chưa được tiếp cận nguồn nước sạch; tính toán đầu tư bồn nhựa loại 10m3, túi nhựa dẻo từ 15-30m3 đặt tại địa điểm tập trung (UBND xã, nhà văn hóa…) để cung cấp nước cho người dân.
Trong buổi làm việc mới đây tại Vĩnh Long, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo, các địa phương phải làm ngay các công trình cấp nước có thể, tuyệt đối không để hộ nào thiếu nước, cần thiết dùng biện pháp cơ học, chuyển nước ngọt từ nơi khác tới. Về lâu dài thì làm các hồ nhân tạo, nạo vét kênh mương để trữ nước.
Bài 2: Đồng bộ các giải pháp ứng phó
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.