Những ngày qua trên nhiều tuyến đường ở các tỉnh, thành phố của ĐBSCL bị ngập trong nước. Riêng, TP. Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long nước ngập cao ở mức lịch sử khiến cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều tuyến đường thuộc phường Cái Khế, TP Cần Thơ bị ngập nặng (Ảnh Chí Công)
TP. Cần Thơ 60 tuyến đường bị ngập
Sáng 30/9, tại TP. Cần Thơ triều cường đạt đỉnh 2,25m. Gần như toàn bộ các tuyến đường ở trung tâm thành phố như: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Ngô Quyền, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Lý Tự Trọng, Cách Mạng Tháng Tám, Mậu Thân... đều bị ngập hơn nửa mét. Riêng tại khu vực Cồn Khương (quận Ninh Kiều) do nước tràn vào từ sông Hậu đã làm vỡ đê, nhấn chìm nhà dân và vườn tược.
Ông Nguyễn Quý Ninh, Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, cho biết, những ngày vừa qua do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với lũ từ thượng nguồn đổ về, khiến cho nhiều tuyến đường thuộc khu vực nội ô TP. Cần Thơ bị ngập nước. Trước đó, theo dự báo của cơ quan chức năng, vào những ngày cuối tháng 9, mực nước cao nhất lên đến 2,2m. Tuy nhiên, mực nước thực tế đo tại Trạm thủy văn trên sông Hậu thuộc TP. Cần Thơ đã là 2,25m.
Ngày 1/10, triều cường tiếp tục dâng cao, nước sông Hậu tràn lên làm TP. Cần Thơ ngập trên diện rộng. Tại thời điểm đỉnh triều có khoảng 60 tuyến đường ở quận Ninh Kiều và Bình Thủy bị ngập với khoảng 100 điểm.
Theo ông Kỹ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, có nhiều nguyên nhân khiến triều cường, ngập lụt như hiện nay như lún đất, nước biển dâng và đặc biệt là biến đổi khí hậu. Tốc độ sụt lún đất hiện nay thay đổi rất nhanh, vì thế ngay từ bây giờ Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung cần có những hoạt động cụ thể để ứng phó với biến đổi khí hậu trước khi quá muộn.
Triều cường dâng cao lịch sử tại Vĩnh Long
Tại các tuyến quốc lộ qua tỉnh Vĩnh Long những ngày qua cũng bị chìm sâu trong nước. Cụ thể, tuyến Quốc lộ 1 đoạn xã Tân Phú của huyện Tam Bình kéo dài đến các xã Thuận An và thị trấn Cái Vồn của thị xã Bình Minh, có chiều dài gần chục cây số bị ngập nước. Nhiều nơi ngập sâu khiến xe máy của người tham gia giao thông bị hỏng máy, phải dắt bộ.
Nhiều tuyến đường ở nội ô thành phố Vĩnh Long ngập nặng.
Tại bến phà Đình Khao nằm trên tuyến quốc lộ 75 đoạn xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, (Vĩnh Long), cũng bị ngập sâu. Từ vòng xoay đến bến phà đều ngập trong nước, khiến cho người dân lên xuống phà gặp rất nhiều khó khăn…
Trong nội ô thành phố Vĩnh Long nhiều tuyến đường như: đường Hoàng Thái Hiếu, đường Hưng Đạo Vương, đường Võ Thị Sáu, đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường 30 tháng 4 ngập sâu. Việc nước ngập, tràn vào nhiều nhà dân khiến cuộc sống người dân nơi đây bị xáo trộn.
Ông Lưu Nhuận, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai Vĩnh Long, cho biết, đợt triều cường kết hợp lũ hai ngày qua làm ngập gần như hoàn toàn nội ô TP Vĩnh Long. Đây là đợt triều cường cao nhất lịch sử tỉnh từng ghi nhận, mực nước đo được hiện tại là 2,18m, cao hơn đợt ngập năm ngoái 31cm.
An Giang: Nhiều tuyến đường bị ngập sâu
Tại An Giang, triều cường lên cao, nước từ hệ thống cống thoát nước và hệ thống thu gom xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Long Xuyên, trào ngược lên khiến nhiều tuyến đường ở thành phố bị ngập sâu, giao thông ùn tắc, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Nước ngập hơn nửa bánh xe gắn máy trên tuyến đường Trần Hưng Đạo (Long Xuyên, An Giang)
Điểm giao nhau giữa đường Trần Hưng Đạo với đường Pham Cự Lượng (thuộc phường Mỹ Quý) nước ngập sâu hơn 50 cm. Bên cạnh đó, các tuyến đường như Phạm Cự Lương (phường Mỹ Quý), Ung Văn Khiêm, Hà Hoàng Hổ (phường Đông Xuyên), đường Nguyễn Hoàng (phường Mỹ Hòa) và Quốc lộ 91 nước ngập gần 50 cm.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu, Châu Đốc và vùng hạ lưu tại huyện Chợ Mới, thành phố Long Xuyên tiếp tục lên nhanh trong 1-2 ngày tới; trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng ở mức 3,65 m (trên báo động I 0,15m); trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 3,25 m (trên báo động I 0,25m); trên sông Ông Chưởng tại huyện Chợ Mới ở mức 3 m (ở mức báo động III); trên sông Hậu tại Long Xuyên ở mức 2,65 m (trên báo động I 0,15m) sau đó biến đổi chậm.
Dự báo trong những ngày tới, mực nước khu vực đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu có khả năng ở mức 3,45 -3,55 m; trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 2,95 -3,05 m; trên sông Ông Chưởng tại huyện Chợ Mới ở mức 2,70 – 2.80 m; trên sông Hậu tại thành phố Long Xuyên ở mức 2,35 - 2,45 m, sau đó mực nước sẽ xuống theo triều.
Khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên, mực nước tiếp tục lên chậm và có khả năng đạt đỉnh vào ngày 1 - 3/10, trên kênh Vĩnh Tế tại Xuân Tô có khả năng ở mức 3,40 m (dưới báo động II 0,10m); trên kênh Tri Tôn tại Tri Tôn ở mức 2,00 m (ở mức báo động I).
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.