Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 30 tháng 11 năm 2021 | 15:42

“Điểm tựa” cho môi trường từ những mô hình

Mô hình "Phụ nữ sống xanh" hay “Phân loại rác tại nguồn”... thời gian qua đã tạo sức hút cộng đồng cùng tham gia, trở thành "điểm tựa" cho công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh.

Nhiều hoạt động cải thiện chất lượng môi trường 

Xuất phát từ thực tế xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các xã miền núi, nông thôn, việc hoàn thiện các tiêu chí là vô cùng khó khăn, đặc biệt là tiêu chí môi trường. Trăn trở làm sao để thay đổi nhận thức số đông người dân vốn sống theo thói quen, chưa chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường trở nên cấp thiết, cần có sự tận tâm, tận hiến của người “chỉ lối”.

Nói về những ngày đầu xây dựng NTM của địa phương, ông Lê Văn Lợi- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đức Hương, huyện Vũ Quang cho biết: Năm 2010, bước vào xây dựng NTM với 95 % dân số sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, năm nào cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai nên việc “bắt đầu từ đâu” trở thành bài toán cần lời giải, đặc biệt là vấn đề môi trường.

anh-1-nang-cao.jpg
Hội Nông dân Hà Tĩnh trao tặng dụng cụ đựng rác, tuyên truyền bảo vệ môi trường biển

 

Từng bước tháo gỡ những khó khăn, thông qua các tổ chức Hội, như: Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên... được cán bộ chuyên môn tập huấn nâng cao nhận thức về tác hại của ô nhiễm môi trường đến cuộc sống con người, tác động của con người đến môi trường để từ đó hướng dẫn giải pháp bảo vệ.

Cũng chính từ các tổ chức Hội, nhiều phong trào, mô hình về bảo vệ môi trường được gây dựng, duy trì hoạt động vừa mục đích để tuyên truyền đến người dân, đồng thời trực tiếp thu hút cộng đồng cùng tham gia thực hiện. Bước đầu có thể ghi nhận những mô hình như: “Phụ nữ sống xanh”, “Nói không với rác thải nhựa”, “Phân loại rác tại nguồn” do Hội Phụ nữ làm nòng cốt; “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh” của Đoàn Thanh niên; “Xanh - sạch - đẹp” trong các trường học... đã từng bước cải thiện chất lượng môi trường.

Áp dụng hiệu quả đã giúp Đức Hương giải được bài toán cho môi trường, hoàn thiện các tiêu chí vào năm 2016 và trở thành đơn vị dẫn đầu toàn huyện Vũ Quang, đồng thời tạo nên “cú hích” lớn làm thay đổi toàn diện, cảnh quan, vệ sinh đường làng ngõ xóm, chỉnh trang nhà cửa, môi trường ngày một xanh - sạch - đẹp.

Hơn thế nữa, những kinh nghiệm thực tế của địa phương, các mô hình bảo vệ môi trường như ở Đức Hương được các tổ chức Hội được nhân rộng. Từ đó, ý tưởng thành lập các Tổ liên gia để đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện các mô hình ra đời, thực tế phát huy được hiệu quả và trở thành phong trào rộng lớn.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Phòng TN&MT huyện Vũ Quang, cho biết: “Tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng NTM luôn khó thực hiện. Thế nhưng, việc phát huy hiệu quả từ những mô hình bảo vệ môi trường được thực hiện ở Đức Hương trở thành hình mẫu - một xã có xuất phát thấp nhưng với nỗ lực đã đạt chuẩn NTM thì việc tiếp theo là nhân rộng mô hình trên toàn huyện”.

Tương tự, có thể ghi nhận những thành công ban đầu của mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn” được triển khai hiệu quả tại huyện Thạch Hà, các cấp, cách ngành và các tổ chức đoàn thể đã vào cuộc tuyên truyền nhân rộng, phổ biến trong nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Thúy Lan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thạch Hà, cho biết: “Với lợi thế diện tích đất nông nghiệp còn nhiều, vườn tược của người dân rộng nên thích hợp để triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn, qua đó góp phần thành công rất lớn trong việc thu gom, đặc biệt là giảm được rác thải rất nhiều trong quá trình xử lý tại các nhà máy xử lý.

Được biết, trong tổng số 22 xã trên địa bàn huyện Thạch Hà, đến nay 13 xã có trên 70 % số hộ dân đồng ý tham gia phân loại rác tại nguồn, trong đó có những xã đạt trên 80 %. Với mục tiêu cuối cùng là giảm rác thải đưa đi xử lý, các hộ dân có thêm rác hữu cơ để làm phân bón cho cây trồng.

Theo Sở TN&MT Hà Tĩnh, cách làm hiệu quả của một số mô hình bảo vệ môi trường, đặc biệt là mô hình phần loại rác tại nguồn đang được đơn vị phối hợp với các ban, ngành, địa phương đẩy mạnh hướng dẫn thực hiện nhân rộng. Theo lộ trình phấn đấu, đến năm 2025, Hà Tĩnh thực hiện đồng loạt phân loại rác tại nguồn ở tất cả các địa phương, tăng cường chất thải thu hồi để tái chế hoặc chế biến chất thải hữu cơ ở đô thị là 10% và ở nông thôn là 30% và tăng cao hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Thay đổi thói quen xả rác, tạo cảnh quan xanh- sạch – đẹp là một trong những yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ môi trường. Thực tế xây dựng NTM tại Hà Tĩnh cho thấy, không quá sớm khi nói rằng đóng góp từ những mô hình đang dần khẳng định là “điểm tựa” bền vững cho công tác bảo vệ môi trường.

 

Trồng 100.000 cây xanh vì môi trường đô thị

Trong điều kiện thời tiết, khí hậu đang diễn biến ngày một phức tạp, cực đoan, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân; môi trường sống ngày càng ô nhiễm, việc trồng cây tại thành phố Hà Tĩnh được xem là bước mở đầu cho những không gian xanh trong tương lai, hướng đến việc xây dựng một đô thị sạch, thông minh, hiện đại, nâng cao chất lượng đời sống cho Nhân dân.

Với mục tiêu đó, UBND thành phố Hà Tĩnh đã phối hợp với các đơn vị địa phương có liên quan, thời gian qua tổ chức rà soát hiện trạng quỹ đất lâm nghiệp trên địa bàn, mức độ che phủ của cây xanh, lựa chọn các loài, giống cây phù hợp để triển khai trồng cây. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch về trồng cây, trồng rừng đảm bảo sát với thực tế, khả thi nhất.

Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh, cho biết: Năm 2020, thành phố Hà Tĩnh đã phát động chương trình 100.000 cây xanh đô thị, đồng thời phát động phong trào xã hội hóa nguồn lực, toàn dân cùng tham gia trồng cây xanh. Nhờ vậy, nhiều không gian đô thị đã từng bước được phủ kín cây xanh, nhiều tuyến đã được trồng cây mới đồng đều gắn với quy hoạch chung, tạo điểm nhấn về cảnh quan đô thị.

anh-3-cay-xanh.jpg
Người dân thành phố Hà Tĩnh đã đóng góp bằng những việc làm thiết thực tăng hiệu quả của việc trồng và bảo vệ cây xanh

 

Bên cạnh đó, tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân thực hiện các bước khảo sát, thiết kế, lựa chọn cây trồng có giá trị, phù hợp điều kiện sinh thái của từng vùng. 

Được biết, để phong trào trồng cây xanh đạt hiệu quả, thành phố đã chia ra các đợt cao điểm ra quân. Thông qua các đợt cao điểm đã vận động, khuyến khích được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia trồng cây. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cụm dân cư chủ động mua cây xanh và tổ chức thực hiện trồng cây, trồng rừng đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả. 

Theo đó, đợt 1 từ cuối tháng 10-11/2021 và đợt 2  từ đầu tháng 1-2/2022. Đến nay, sau một năm phát động, toàn thành phố Hà Tĩnh đã trồng thêm được gần 41.000 cây xanh.

Mạnh tay với những sai phạm trong lĩnh vực môi trường

Bên cạnh những mô hình ý nghĩa đang được địa phương xây dựng, thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra được ngành tài nguyên và môi trường tỉnh Hà Tĩnh triển khai đồng bộ, qua đó, đã phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm.

Cụ thể, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Khánh Giang 1,25 tỉ đồng do có nhiều lỗi vi phạm tại dự án chăn nuôi bò cao sản nhưng tự ý nuôi lợn ở xã An Dũng (huyện Đức Thọ).

cong-ty-khanh-giang-2-8090-1638248754.jpg
Chất thải từ bể biogas tràn ra ngoài được lực lượng liên ngành đánh giá gây ô nhiễm. Ảnh: Đức Hùng

 

Theo kết quả xác minh của đoàn kiểm tra liên ngành, Công ty TNHH Khánh Giang (do ông Đậu Tiến Sỹ làm giám đốc, trụ sở chính tại số 121, đường Quang Trung, phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) đã có 11 lỗi vi phạm tại dự án trang trại chăn nuôi bò sữa cao sản Bắc Hà.

Cụ thể, Công ty này không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường toàn bộ dự án. Không thực hiện quan trắc chất thải định kỳ.

Thực hiện không đúng một trong các nội dung của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường. Không thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại. Không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ.

Xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường (Colifom) vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 5 lần đến dưới 10 lần. Xả nước thải tại vị trí hố thu gom, chứa nước thải bằng đất sau 2 chuồng nuôi phía Đông trang trại (ngoài quy hoạch chăn nuôi) có chứa các thông số môi trường thông thường (BOD5) vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên.

Không thực hiện báo cáo hoạt động khai thác, sử dụng nước dưới đất. Không lắp đặt thiết bị (đồng hồ) quan trắc, giám sát theo quy định. Không thực hiện đúng nội dung quy định của giấy phép khai thác nước dưới đất.

Ngoài xử phạt 1,25 tỉ đồng, Công ty TNHH Khánh Giang còn bị đình chỉ hoạt động tại dự án trang trại chăn nuôi bò sữa cao sản Bắc Hà trong 6 tháng để khắc phục vi phạm.

Công ty TNHH Khánh Giang thực hiện dự án trang trại chăn nuôi bò sữa cao sản Bắc Hà tại thôn Ngoại Xuân, xã An Dũng trên diện tích hơn 27 ha, đi vào hoạt động từ năm 2015.

Tuy nhiên, gần đây công ty tự ý chuyển từ chăn nuôi bò sang nuôi 1.646 con lợn thương phẩm trái phép. Hệ lụy là làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhân dân bức xúc, nhiều lần tập trung phản đối, gửi đơn thư đến các cấp yêu cầu xử lý vi phạm.

 

 

 

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

  • Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Thường trực Tỉnh Hội, Đội Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi vừa trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk 180ml cho 35 cháu học sinh điểm trường thôn Tà Vay thuộc trường mầm non Đăk Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây.

Top