Tô Lịch được biết đến là dòng sông gắn liền với lịch sử đầy hào khí của Thăng Long - Hà Nội, là con rồng nước nằm trong lòng Thủ đô ngàn năm văn hiến. Những năm gần đây, do quá trình đô thị hóa nhanh cùng với việc cải tạo, phục hồi chỉ mới dừng lại ở mức tạm thời, không triệt để đã và đang khiến dòng sông bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Nước thải sinh hoạt xả trực tiếp xuống sông Tô Lịch là nguyên nhân chính khiến dòng sông ngày một ô nhiễm.
Đừng để dòng sông chết
Sông Tô Lịch dài khoảng 14km, cùng với một số hệ thống sông khác như: sông Kim Ngưu, sông Lừ và sông Sét tạo nên hệ thống tiêu thoát nước chính của TP. Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều năm nay, dưới sức ép của quá trình đô thị hóa, quy hoạch xây dựng không đồng bộ cùng với sự thiếu ý thức của người dân sống ven sông đã làm cho lòng sông bị thu hẹp, dòng nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Có mặt tại sông Tô Lịch đoạn chảy qua địa phận quận Cầu Giấy, phóng viên thấy nhiều đường ống thải nước sinh hoạt đang xả ra sông một dòng nước màu trắng đục, nhờn nhợt kèm theo đó là nhiều loại rác ở các khu dân cư đổ thẳng xuống sông tạo thành bọt trắng xóa. Dưới sông chỉ có lác đác vài mảng bè cây xanh - có thể đây là giải pháp lọc nước và cải tạo môi trường cho sông Tô Lịch. Tuy nhiên, những mảng bè cây xanh kia dường như quá bé nhỏ, không thể lọc hết một khối lượng nước quá lớn mà hàng ngày người dân xả ra. Theo khảo sát của phóng viên, ở các quận, huyện mà sông Tô Lịch chạy qua, nguồn nước dưới sông cũng đang chịu cảnh ô nhiễm tương tự.
Chị Thủy, ở phường Yên Hòa, (Cầu Giấy), ngán ngẩm: “Đoạn sông chảy qua địa bàn phường dường như mỗi ngày bùn đen lại bồi đắp dày thêm. Khổ nhất là sau trận mưa to, trời nắng lên như hôm nay, nước sông bốc mùi hôi thối rất khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ tới những hộ dân, quán ăn ven sông”.
Kết quả quan trắc nước sông Tô Lịch của Trung tâm Quan trắc và Phân tích tài nguyên môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) gần đây cho thấy: Lượng ôxy hòa tan (DO) thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn; lượng ôxy hóa học trong nước (COD), ôxy sinh học trong nước (BOD5), khuẩn coliform trong nước, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), tổng dầu, mỡ, hàm lượng amoni (NH4+)… đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Đặc biệt, nước sông đã chuyển thành màu đen, có váng, cặn lắng và mùi hôi thối nồng nặc.
Theo PGS.TS.Vũ Thị Vinh, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam, những năm gần đây, TP.Hà Nội có những dự án lớn để cải tạo hệ thống thoát nước, trong đó có sông Tô Lịch, khiến cho bộ mặt các dòng sông thay đổi tốt hơn. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy tất cả các sông nội đô Hà Nội đã bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo bà Vinh, Hà Nội có khoảng 120 ao hồ, nhưng điều đáng buồn là nguồn nước đã ở mức báo động ô nhiễm cao. Dòng chảy bị thu hẹp, một số đoạn sông vẫn bị lấn chiếm, quy hoạch chưa đồng bộ, bắt nhịp chậm so với tốc độ đô thị hóa, gia tăng dân số cao… là những nguyên nhân sâu xa khiến sông nội đô bị ô nhiễm nặng nề. Bên cạnh đó, thiếu kinh phí và do nhiều nguyên nhân khác như công tác quản lý và quy hoạch chưa đồng bộ nên kết quả cải tạo chưa được như mong muốn.
Cần giải pháp hữu hiệu
Dưới lòng sông có lác đác vài mảng bè cây xanh để lọc nước và cải tạo môi trường.
Để giải cứu sông Tô Lịch, nhiều hội thảo, đề án nghiên cứu đã được TP.Hà Nội tổ chức, nhưng dường như tất cả vẫn dừng lại ở giải pháp tạm thời.
Được biết, từ năm 2010, UBND TP.Hà Nội đã giao các sở, ngành thực hiện 2 biện pháp: Bổ sung nước sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng, giúp duy trì cân bằng nước, giảm nồng độ ô nhiễm và xây dựng các trạm xử lý nước thải kết hợp với xử lý nước thải ngay tại nguồn. Đồng thời kiểm kê các nguồn thải dọc sông và tiến hành phát chế phẩm vi sinh, hóa sinh miễn phí cho người dân để xử lý nước thải sinh hoạt tại nguồn trước khi thải ra sông.
Đặc biệt, thời gian qua, Hà Nội đã tiến hành triển khai Dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường bờ sông Tô Lịch kết hợp với xử lý các nguồn nước thải trước khi đổ vào sông. Bên cạnh đó, giao các quận/huyện tổ chức quản lý, thu gom rác thải để chấm dứt tình trạng đổ rác bừa bãi xuống hai bờ sông; mời chuyên gia nước ngoài khảo sát, nghiên cứu, hỗ trợ công nghệ xử lý ô nhiễm phù hợp; lập quy hoạch toàn tuyến sông Tô Lịch để tách nguồn nước thải sinh hoạt đang đổ trực tiếp vào sông đưa về các nhà máy xử lý tập trung Phú Đô và Yên Xá.
Ngoài ra, Hà Nội đang tăng cường trồng cây xanh, tu sửa kè bờ, các vườn hoa, bãi cỏ, đường dạo ven sông và thường xuyên nạo vét lòng sông, vớt rác… Nhưng thế vẫn chưa đủ, bởi nó chỉ dừng góc độ giải pháp tạm thời, do đó vẻ đẹp của sông Tô Lịch - dòng sông gắn liền với lịch sử Thăng Long - Hà Nội khó có thể trở về với vẻ đẹp vốn có của mình.
Theo bà Vinh, để các dòng sông nội ô trở lại trong xanh như ngày xưa cần phải tách hệ thống nước thải và nước mưa riêng, lúc đó các dòng sông nội ô chỉ là những dòng sông thoát nước mưa. Đây là vấn đề rất phức tạp, tốn nhiều kinh phí và không thể chỉ trong một vài năm, đặc biệt đòi hỏi sự quyết tâm và bền bỉ của lãnh đạo, của các cơ quan và của người dân.
Để dòng sông Tô Lịch nói riêng, hệ thống các sông nội thành của Hà Nội nói chung không còn phải mang trên mình cái tên sông thối, sông “chết”, hơn lúc nào hết, TP. Hà Nội cần phải có giải pháp hữu hiệu cải tạo, nâng cấp, trả lại vẻ đẹp vốn có cho các dòng sông.
Hoàng Văn
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.