Sau sự cố xả thải gây hiện tượng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, Formasa tiếp tục có hành động khiến người dân khó có thể “thông cảm”, đó là chôn lấp hàng trăm tấn rác thải công nghiệp. Và điều đáng nói hơn là khối lượng lớn rác thải này được chôn lấp ngay trong một trang trại gần khu dân cư của thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Cơ quan chức năng nói gì?
Vụ việc Công ty CP Tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh chôn chất thải rắn của Formosa đang khiến dư luận hết sức bức xúc.
Sau sự cố thảm họa môi trường biển làm xáo trộn cuộc sống ngư dân 4 tỉnh miền Trung mà Chính phủ công bố, phía Formosa đã cúi đầu xin lỗi và hứa sẽ không để xảy ra ô nhiễm, đồng thời cũng đã chịu trách nhiệm bồi thường phần nào thiệt hại. Thế nhưng, chưa đầy hai tuần sau, Formosa lại khiến dư luận bức xúc khi xả hàng trăm tấn rác thải công nghiệp ra môi trường.
Liên quan đến chủ trang trại có số lượng bùn thải chôn lấp nói trên, ông Trần Anh Đàn, Chủ tịch UBND phường Kỳ Trinh, cho biết, trang trại này là của ông Trần Quang Hòa, Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh. Trả lời báo chí, ông Hòa khẳng định là đã nhượng lại quyền sử dụng cho một chủ khác trước đó và việc chôn lấp bùn thải là để cải tạo đất.
Về việc vận chuyển chất thải từ Fomosa đến trang trại, hợp đồng giữa Công ty CP Tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh ký với Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Fomosa Hà Tĩnh cho thấy, mỗi tháng doanh nghiệp này sẽ vận chuyển tối đa 10 tấn chất thải bánh bùn từ xưởng nước thải sinh hoạt cho Fomosa với thời hạn hợp đồng trong 1 năm, bắt đầu từ tháng 04/2016 đến tháng 4/2017.
“Qua kiểm tra thấy, việc Formosa ký hợp đồng vận chuyển xử lý bùn thải với Công ty CP Tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh là đơn vị không có chức năng xử lý chất thải công nghiệp là vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường”, ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi Trường Hà Tĩnh (Sở TN&MT) khẳng định.
Một vấn đề khác cũng được Giám đốc Sở TN&MT chỉ ra là, theo hợp đồng đã ký kết giữa hai bên thì Công ty Formosa phải giám sát vị trí mà Công ty CP Tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh xử lý bùn thải nhưng đơn vị này chưa thực hiện.
“Công ty CP Tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh không chuyển giao số bùn thải đã tiếp nhận từ Công ty Formosa cho đơn vị có chức năng xử lý mà tự chôn lấp chất thải không đúng nơi quy định là vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường”, ông Đinh nhấn mạnh.
Ông Võ Tá Đinh cho biết thêm, Công ty CP Tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh cũng từng vi phạm về xử lý chất thải. Cuối năm 2015, doanh nghiệp này đưa rác thải sinh hoạt về chôn lấp mà không qua xử lý. Chúng tôi đã lập biên bản, mời doanh nghiệp ra làm việc, báo cáo rõ, và yêu cầu chuyển lượng chất thải này về để xử lý. Nhưng để xảy ra sự việc như lần này cũng đáng tiếc”.
Để chấn chỉnh việc vận chuyển và xử lý bùn thải đã tiếp nhận từ Formosa, Sở TN&MT yêu cầu Formosa chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động; chấm dứt hợp đồng vận chuyển, xử lý bùn thải đã ký với Công ty CP Tư vấn Xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh; Hợp đồng với đơn vị có chức năng để xử lý bùn thải phát sinh tại công ty theo đúng quy định của pháp luật. Yêu cầu Công ty CP Tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh chấm dứt việc đổ thải, giữ nguyên hiện trạng tại khu vực đã chôn lấp chất thải, sau khi có kết quả phân tích mẫu bùn thải thì các cơ quan chức năng sẽ thống nhất phương án xử lý đối với lượng bùn thải đã chôn lấp không đúng quy định.
Hiện tại, bánh bùn thải tại nơi chôn lấp đã được lấy mẫu đưa đi xét nghiệm để xác định có độc hại hay không. Tuy nhiên, với những dấu hiệu khuất tất liên quan đến chức năng, quyền hạn, hành vi chôn lấp lén lút của Công ty CP Tư vấn xây dựng quản lý môi trường Đô thị Kỳ Anh đang làm dấy lên nhiều mối nghi ngờ từ dư luận.
Nguy hại khôn lường
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh giai đoạn 1, trong quá trình hoạt động, Formosa thải ra một lượng cực lớn chất thải rắn, gồm chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp và chất thải rắn nguy hại.
Riêng với nhóm chất thải rắn công nghiệp có khối lượng thải ra lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm với môi trường. Đáng lưu ý là chất thải từ hệ thống xử lý nước thải cốc, phân xưởng nung vôi. Theo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án, lượng bùn này sẽ được tuần hoàn một phần, phần còn lại đem đi chôn.
Một chuyên gia về xử lý nước thải cho biết, do nước thải của quá trình luyện cốc chứa nhiều tạp chất như phenol, xyanua và thành phần chất hữu cơ khá nhiều nên phải lợi dụng phương thức sinh hóa để xử lý. Sau khi xử lý nước thải luyện cốc, qua lắng cô đặc và máy khử nước, bùn thải sẽ được chế thành các bánh bùn.
Theo quy định của Nghị định 38/2015 về quản lý chất thải và phế liệu, chất thải rắn công nghiệp phải được phân định, phân loại và lưu giữ đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý. Chủ nguồn thải (ở đây là Formosa), nếu không phải tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng thì phải ký hợp đồng chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường.
Việc xử lý chất thải rắn công nghiệp phải được thực hiện bởi công ty do Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc UBND tỉnh cấp phép hoạt động.
Ngoài đầu độc biển và xả 267 tấn chất thải tại Kỳ Anh thì theo nguồn tin mới nhất từ ông Hoàng Bá Tình (trú xóm Hoàng Hoa, thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), có gần 20 xe chở chất thải của Formosa Hà Tĩnh cũng đã đổ bùn thải tại đây. |
Nhóm PVHT
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.