Ở tổ dân phố Tế Tiêu, thị trấn Đại Nghĩa (Mỹ Đức - Hà Nội), có phường rối lâu đời, khá nổi tiếng.
Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp, rối cạn có thời kỳ tưởng chừng như không thể tồn tại. Bằng niềm đam mê nghệ thuật, gia đình anh Phạm Công Bằng đã phục dựng thành Câu lạc bộ rối đầy triển vọng.
Lai lịch làng rối
Anh Bằng chia sẻ: Phường rối Tế Tiêu ra đời cùng thời điểm lập làng, cách đây hơn 400 năm. Rối đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa thường niên của làng, nhất là dịp lễ hội hay việc làng.
Năm 1930, do cuộc sống vô cùng khó khăn, một số cụ phải bỏ làng, bỏ con rối đi mưu sinh nơi khác, chỉ còn cụ Lê Năng Nhượng mang theo một số con trò rối cạn xuống Hải Phòng đi biểu diễn cho các làng và trường học để mưu sinh và giữ nghề.
Năm 1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra, phường rối tạm ngừng hoạt động. Năm 1956 - 1962, niềm vui được nhân đôi khi phường rối hoạt động trở lại. Đang lúc phường rối “nổi đình nổi đám” thì cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra, những nghệ sĩ rối nông dân ở phường rối lại phải tạm rời xa những tích trò biểu diễn, lên đường chiến đấu.
Sau khi đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Phạm Văn Bể, bố anh Bằng, trở về quê và gặp cụ Nhượng học thêm về cách tạo hình và các tích trò biểu diễn con rối. Thấy ông Bể có năng khiếu, nhiệt huyết, cụ Nhượng đã truyền nghề. Từ đây, ông cùng với cụ Nhượng tạo hình các con rối để diễn theo tích cổ nhằm phản ánh cuộc sống lao động sản xuất, chiến đấu của quân dân huyện nhà.
Cái hay của phường rối Tế Tiêu là các tiết mục do chính nông dân dàn dựng, như một thú vui tiêu khiển lúc nông nhàn. Nghệ sỹ cũng chính là nông dân nên rất hấp dẫn du khách. Qua biểu diễn của phường rối Tế Tiêu, du khách hiểu được đời sống văn hóa tinh thần của cư dân làm nông nghiệp vùng Đồng bằng Bắc Bộ nói chung và Hà Nội nói riêng.
Trăn trở
Hiện tại, nòng cốt của phường rối chỉ có 14 diễn viên, bao gồm các ông bà Lê Tiết Nhiễu, Lê Sơn Tùng, Nguyễn Thế Lừng, Nguyễn Thế Bảo, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thị Chín, Phạm Văn Chuông và một số thanh niên.
Tháng 5/2010, Câu lạc bộ múa rối Tế Tiêu được thành lập, gồm 20 thành viên, với 1 chủ nhiệm, 1 phó chủ nhiệm, 1 nhạc công, 3 thoại hát, 12 diễn viên. Hai bố con anh Bằng cùng với Câu lạc bộ thường đi biểu diễn phục vụ người dân ở các huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ứng Hòa, TP Hội An (Quảng Nam ), Kon Tum...
“Những bài học đạo đức trong trường học thường rất khô khan, giáo điều, khi được biến tấu thành các tiết mục múa rối với nhạc điệu sôi động, hình tượng con rối với cử động ngộ nghĩnh đáng yêu lại rất thu hút các bạn nhỏ. Cứ sau mỗi buổi diễn, các bạn nhỏ lại vây quanh tò mò sờ nắn con rối, hỏi han đủ thứ. Những ánh mắt ngây thơ, háo hức của các em là niềm tin để tôi sống trọn vẹn với nghề”, anh Bằng chia sẻ.
Chứng kiến sự góp mặt của nhiều các bạn trẻ và người nước ngoài quan tâm đến bộ môn nghệ thuật này sau mỗi lần đi lưu diễn, anh Bằng xúc động kể: “Để người xem cảm nhận được cái hay của múa rối thì ta phải cho cái hồn vào con rối. Mình cảm nhận được những bài hát hay, hát như thế nào, làn điệu nó ra làm sao thì người biểu diễn phải sinh động, cử chỉ, hoạt động ra sao. Thí dụ như là, hát những câu như thế nào thì tay nên dùng như thế nào”.
Sớm có niềm đam mê với văn hóa truyền thống cộng với mỗi lần theo cha đi lưu diễn ở các nơi từ nhỏ, năm 12 tuổi, anh Bằng được cha giao cho điều khiển truyền hồn vào những chú rối. Từ ngày ông Bể mất (năm 2015), anh Bằng chính thức thay cha làm chủ nhiệm phường múa rối Tế Tiêu cho đến nay.
Khác với nhiều phường rối ở vùng đồng bằng sông Hồng, dù có thể biểu diễn cả rối nước song Tế Tiêu nổi tiếng hơn cả với các trò rối cạn. Xem các con rối chuyển động uyển chuyển, nhịp nhàng tưởng đơn giản nhưng thực tế để điều khiển được chúng không hề dễ dàng, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có độ tinh tế rất cao từ khâu tạo hình các nhân vật rối cho đến sự phối hợp “ăn ý” với bạn diễn trong từng tích trò, bởi khán giả rất dễ dàng “bắt lỗi” khi rối được biểu diễn không phải dưới nước.
Theo anh Bằng, riêng đối với những con rối, dù là rối dây, rối que hay rối sào thì khi sáng tạo cũng phải đặc biệt chú ý tới việc đẽo gọt, chăm chút phần gương mặt và các khớp chi của con rối, giúp rối cử động linh hoạt dưới bàn tay điều khiển của người nghệ sĩ. Để làm ra được “chú rối”, phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo của những người nghệ nhân.
Qua năm tháng biểu diễn phục vụ, các tích trò rối cạn được khán giả yêu thích là: “Lý Thường Kiệt đọc hịch”, “Leo dây ảo thuật”, “Thợ cấy hát ví với thợ cày”, “Múa rồng mừng ngày hội”…
Anh Bằng tâm sự: “Rối cạn có cái khó là mình làm sao thổi hồn vào con rối, làm sao cho ra đúng nhân vật thiện thế nào, ác thế nào. Người không biết diễn, có thể con rối nó cứng đơ, không cử động được. Cái đó đòi hỏi làm sao mình nhập tâm được vào vai diễn, trò diễn”.
Chị Nguyễn Thị Hường, vợ anh Bằng chia sẻ: “Thời gian đầu, thấy anh ấy (anh Bằng) vừa buôn bán đồ điện tử, vừa tham gia đi múa rối phục vụ các lễ hội liên miên, rồi tự bỏ kinh phí trang trải cho những chuyến đi nên tôi và các con phản đối, phàn nàn nhiều lắm. Nhưng sau này, hiểu được ý nghĩa lưu giữ nghề truyền thống của gia đình và quê hương nên tôi cũng thông cảm và động viên anh ấy nhiều hơn”.
Hoài tưởng về nghề rối ở Tế Tiêu, anh Bằng vẫn còn nhiều điều day dứt. “Cái khó nhất bây giờ là hầu hết những người theo đoàn múa rối Tế Tiêu đều đã có tuổi. Còn thanh niên thì không mặn mà với nghề dân gian truyền thống của cha ông nữa. Chúng tôi mong các cấp chính quyền huyện Mỹ Đức và TP. Hà Nội sớm có chính sách thu hút và đào tạo thanh niên, các cháu trẻ tuổi tham gia với múa rối để bảo tồn lưu giữ nét đẹp của cha ông”, anh Bằng trăn trở.
Anh Bằng tâm sự, những nghệ nhân của phường múa rối Tế Tiêu luôn đau đáu nỗi niềm tìm người có tâm, có tình với rối cạn để “truyền lửa”, giữ nghề dân gian truyền thống của địa phương.
Ông Phạm Văn Quân, Tổ trưởng tổ dân phố Tế Tiêu cho biết: “Nét hồn quê lưu đọng lại trên những con rối, trên các nhân vật nó gắn với cuộc sống thường ngày của những người nông dân, gắn với sự tích, những câu chuyện cổ dân gian của cha ông để lại. Do vậy, những tiết mục múa rối của phường rối Tế Tiêu luôn được sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả, đặc biệt là các em nhỏ”. |
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.