Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 1 năm 2016 | 1:42

Gia đình nhiều đời “thổi hồn” cho đá

80 tuổi nhưng cụ Nguyễn Văn Củng ở thôn Long Châu Miếu, xã Phụng Châu (Chương Mỹ - Hà Nội) đã có “thâm niên” hơn 70 năm làm bạn với nghề chế tác đá. Đặc biệt hơn là, gia đình cụ đã 4 đời theo nghề này và đều thành công.

Theo nghề từ 10 tuổi

Trong buổi chiều giá rét, chúng tôi hỏi đường tìm về thôn Long Châu Miếu, đến thăm gia đình cụ Nguyễn Văn Củng, gia đình có tới bốn đời theo nghề điêu khắc chế tác đá. Kiên nhẫn chờ đợi đến khi nhà nhà đã le lói ánh điện, cụ Củng mới trở về nhà trong niềm vui khôn xiết khi vừa hoàn thiện xong tác phẩm chế tác. Suốt cuộc trò chuyện, cụ luôn khiến chúng tôi thán phục vì lối nói chuyện hào sảng và thực tâm.

“Dân làng tôi biết ơn núi Trầm nhiều lắm. Cách đây chừng 200 năm, nghề chế tác đá đã giúp chúng tôi biến những mảnh đá vô tri thành cơm trắng để vượt qua cơn bĩ cực”, cụ Củng bắt đầu kể về cái nghiệp của gia đình. Từ nhỏ cụ đã học cha cách cưa, đục, đẽo đá. Đến năm 10 tuổi, cụ được cha đưa đi theo ra phố Hàng Mắm (Hà Nội), vừa chế tác đá, vừa bán hàng. “Ngày ấy, gia đình tôi làm được sản phẩm gì là cha mẹ lại mang ra phố Hàng Mắm để bán hoặc mẹ cho vào đôi quang gánh đi bán dạo. Mẹ gánh nặng lắm, đòn gánh trên vai lúc nào cũng trĩu nặng”, cụ bồi hồi khi nhớ về tuổi thơ khốn khó và gánh hàng của mẹ.

Cụ Củng bên tượng Bác.

Sản phẩm ngày ấy của gia đình cụ Củng chỉ là cối xay ngô, xay đậu, cối giã cua, giã giò, giã gạo hay những tấm bia mộ, cột nhà, bức phù điêu... Sau này, khi đời sống của người dân được cải thiện, người ta mới có nhu cầu trang trí nhà cửa. Hiện, sản phẩm của gia đình cụ khá phong phú như: tượng Phật, bức phù điêu, chân dung các danh nhân văn hóa,...

Để làm ra được một sản phẩm hoàn chỉnh, theo cụ Củng, người thợ chế tác đá phải trải qua bốn khâu. Đầu tiên là chọn mua nguyên liệu. Nếu làm những vật dụng đơn giản, phục vụ đời sống thì có thể tận dụng đá ở địa phương; còn những pho tượng lớn, công trình tâm linh đồ sộ, đòi hỏi chất lượng đá tốt thì phải nhập từ nơi khác về. Khâu thứ hai là làm phôi, tạo hình cho sản phẩm. Quá trình làm ra phôi được thực hiện bài bản như tìm mặt phẳng để tạo chân đế, xác định điểm chuẩn tạo hình. Khi đã xác định được mặt phẳng và các điểm, người thợ tiến hành vẽ phác thảo trên giấy, sau đó vẽ lên mặt đá hoặc in trực tiếp lên tảng đá. Với những sản phẩm có tính nghệ thuật cao, người thợ phải vẽ phác thảo và làm phôi bằng đất sét trước, khi nào đạt yêu cầu mới làm chính thức. Khâu thứ ba đi vào chi tiết. Khâu thứ tư là đánh bóng, hoàn thiện như chạm nét hình, trang trí hoa văn, mài...

Cụ Củng cho biết thêm, trước đây, người dân làm nghề hoàn toàn bằng thủ công với các dụng cụ: xà beng, búa tạ để khai thác đá; con vọt, con chạm để bóc tách các lớp đá, dùng đục để phác thảo, mũi bạt dùng để chặt đường thẳng hay cạnh góc vuông, mũi ve để tạo các chi tiết trên sản phẩm... Ngày nay, nhờ áp dụng máy móc, đã góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Để tạo ra những sản phẩm phong phú, phù hợp với nhu cầu thị trường, cụ Củng không ngừng học hỏi những thế hệ đi trước, miệt mài đi đến những cơ sở chế tác đá trong và ngoài tỉnh để học hỏi.

Gia đình có bốn đời theo nghề chế tác đá

Cụ Củng có 5 người con: 3 trai, 2 gái thì cả 3 người con trai đều theo nghề của cha ông và rất thành công. Cụ hãnh diện cho biết: “Cả ba thằng con trai của tôi đều theo nghề điêu khắc chế tác đá và đã có xưởng riêng. Con trai cả giỏi nhất về điêu khắc bia mộ, xưởng của nó ở ngay chân núi Trầm. Con trai thứ hai và thứ ba thì đa tài hơn, chuyên chế tác các bức phù điêu, chân dung, nghê, hạc.... Các cháu nội, cháu ngoại cũng vừa tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội và quyết định theo nghiệp gia đình”.

Công nhân tại xưởng đang hoàn thiện một sản phẩm.

Nói về xưởng chế tác của gia đình, cụ Củng cho biết: “Vào dịp cao điểm, cả ba người con trai của cụ tạo việc làm cho 60 - 70 lao động với mức lương 6 - 10 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm làm ra tới đâu được khách hàng mua hết đến đó và được xuất bán đi nhiều tỉnh, thành khắp cả nước. Những công trình mà cụ tâm đắc nhất như: bia tổ họ Ngô ở Bắc Ninh, bia rùa sao chép lại ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Nội tặng Bảo tàng TP.Hồ Chí Minh..., đều được khách hàng khen ngợi”.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Trường, con trai thứ ba của cụ Củng, cho biết: Có lẽ do được tiếp xúc với nghề từ bé nên nghề chế tác điêu khắc đá vận vào cuộc đời anh em chúng tôi lúc nào không biết. Càng may mắn hơn khi đến đời con tôi, các cháu cũng rất yêu nghề và quyết tâm duy trì nó.

“Chúng tôi làm nghề bằng tâm huyết, trách nhiệm và tự ái nghề nghiệp. Trước đây, làm bằng thủ công, tuy vất vả nhưng tay nghề được rèn giũa. Bây giờ phụ thuộc quá nhiều vào máy móc, tay nghề sẽ dần bị mai một, trong tương lai, nghề chế tác đá ở thôn Long Châu Miếu sẽ khó còn thợ giỏi. Ý thức được điều đó, tôi càng khát khao về một công trình trong đó những tác phẩm đá nghệ thuật sẽ được làm hoàn toàn bằng thủ công. Đây sẽ là nơi thể hiện tài năng của những người thợ thực sự”, anh Trường ấp ủ.

Trần Toản

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top