Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 27 tháng 11 năm 2020 | 14:32

Giải quyết, xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường ở các làng nghề

Làng nghề ở Hà Nội đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập, cho người dân. Tuy nhiên, mặt trái của phát triển kinh tế trong thời gian qua là tình trạng xả chất thải ra môi trường tại các làng nghề vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Hơn 47% làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo chương trình số 02-CTr/TU Thành ủy Hà Nội, Thành phố hiện có 1.350 làng có nghề, trong đó có 309 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã. Hiện nay Thành phố có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, trong đó mới có 26 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải. Kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề ở Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020 cho thấy, 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng (chiếm 47,6%), 95 làng nghề ô nhiễm (chiếm 32,5%), 58 làng nghề không ô nhiễm về nguồn nước (chiếm 19,9%), tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%.

Ðối với việc xử lý chất thải chăn nuôi, mặc dù các hầm khí sinh học bi-ô-ga được xây dựng theo quy chuẩn nhưng hệ thống này chỉ phát huy đối với các cơ sở chăn nuôi dưới 100 con. Với các trang trại chăn nuôi lớn, hệ thống bị quá tải, lượng nước thải ra môi trường không đảm bảo, đã và đang gây ô nhiễm nghiêm trọng.

 

0203_giai-quyet-bai-toan-moi-truong-o-lang-nghe-tai-che-phe-lieu.jpg
Các loại rác thải nhựa được chất đống ven sông Nhuệ tại làng nghề tái chế xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa)

 

Để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, Thành phố đã tiến hành xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề với mục đích đưa các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, tập trung lại một chỗ để dễ quản lý. Tuy nhiên với xu thế dịch chuyển hoạt động công nghiệp ra địa bàn nông thôn cũng dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại chính khu vực nông thôn (trong đó cụm công nghiệp và làng nghề là nhóm nguy cơ cao nhất).

Bên cạnh một số làng nghề thuộc danh mục làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng chưa có dự án khắc phục ô nhiễm như làng nghề điêu khắc Thụy Ứng, làng nghề giết mổ gia súc Bái Đô, xã Tri Thủy, làng nghề bún Phú Đô, làng nghề mây tre đan thôn Yên Trường... thì một số cụm công nghiệp, làng nghề trước đây được hình thành, đầu tư xây dựng hạ tầng nhưng chưa xây dựng hạng mục xử lý nước thải hoặc đã xây dựng nhưng xuống cấp và chưa có kinh phí nâng cấp, cải tạo, vận hành, bảo dưỡng.

Theo nhiều chuyên gia đánh giá, giải quyết vấn đề môi trường làng nghề phải bắt đầu từ làng, từ xã và phụ thuộc chủ yếu vào sự chủ động, trách nhiệm, sự linh hoạt của chính quyền địa phương cũng như người dân.

Theo GS.TS Đặng Kim Chi, Chủ nhiệm chương trình môi trường và tài nguyên 01C-09, Sở Khoa học và công nghệ Hà Nội, hiện nay tốc độ đô thị hóa quá nhanh của Hà Nội đã khiến cho rất nhiều làng nghề Hà Nội trở thành “phố nghề”, “phường có nghề”. Tuy nhiên, sản xuất làng nghề vẫn tập trung chủ yếu ở ngoại thành với quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, trình độ thủ công, tổ chức sản xuất phân tán và chủ yếu là hộ gia đình.

Hầu hết các cơ sở sản xuất nghề ở các làng nghề gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất. Tình trạng phổ biến là sử dụng ngay nhà ở để làm nơi sản xuất. Với quy mô sản xuất nhỏ, tự phát, trình độ công nghệ tại các làng nghề đang ở nhiều mức độ khác nhau nhưng chủ yếu đang chuyển từ giai đoạn sản xuất thủ công sang sản xuất cơ giới. Hạ tầng làng nghề còn chưa đồng bộ, đặc biệt là hệ thống thoát nước thải, công tác quản lý, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức.

Đẩy nhanh các dự án xử lý nước thải làng nghề

Trước thực trạng trên, Thành phố đã tích cực triển khai một số dự án đầu tư xử lý nước thải làng nghề quy mô lớn gồm: nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà, cụm làng nghề tại xã Dương Liễu, Hoài Đức công suất 20.000 m3/ngày đêm, đã hoàn thành, quản lý vận hành từ tháng 10/2016; nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng, Hoài Đức công suất 8.000m3/ngày đêm (đã xây dựng xong nhưng chưa hoàn thành hệ thống thu gom nước thải); đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại làng nghề dệt nhuộm xã Phùng Xá, Mỹ Đức (công suất 500m3/ngày đêm)...

 

0848_751c72b39df074ae2de1.jpg
Làng nghề rèn Đa Sỹ (Hà Đông) đem lại thu nhập cho người dân nhưng cũng phải đối mặt với ô nhiễm

 

Cùng với đó các huyện có làng nghề trên địa bàn Thủ đô đã triển khai nhiều giải pháp kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Điển hình như huyện Thường Tín, trên địa bàn hiện có 11 cụm công nghiệp đang hoạt động, trong đó có 5 cụm công nghiệp làng nghề gồm: cụm công nghiệp làng nghề bông len, chăn ga gối đệm Tiền Phong; cụm công nghiệp làng nghề sơn mài Duyên Thái; cụm công nghiệp làng nghề mộc Vạn Điểm; cụm công nghiệp làng nghề mây tre đan Ninh Sở; cụm công nghiệp làng nghề mộc, cơ khí Văn Tự.

Các cụm công nghiệp có 126 doanh nghiệp, 343 hộ kinh doanh thuê đất, hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, huyện có 126 làng có nghề, trong đó được Ủy ban nhân dân Thành phố công nhận 48 làng nghề truyền thống.

Toàn huyện hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp, hàng chục nghìn hộ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 30.000 lao động. Tuy nhiên, kinh tế làng nghề phát triển mạnh mẽ cũng gây ra nhiều hệ lụy xấu đến môi trường nông thôn. Công tác bảo vệ môi trường các làng nghề được các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn tích cực thực hiện, nhờ đó tình hình ô nhiễm môi trường tại các làng nghề được giải quyết, khắc phục, môi trường làng nghề được cải thiện và có chuyển biến rõ rệt.

Theo đó, huyện đã thực hiện tốt công tác quy hoạch và xây dựng xong 5 cụm công nghiệp làng nghề và di chuyển được trên 400 cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư các làng nghề đến thuê đất để hoạt động sản xuất kinh doanh tại các cụm công nghiệp tập trung. 8/11 cụm đã có hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung, 1 cụm đã được Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống nước thải và 2 cụm có lượng nước thải nhỏ dưới 50m3 đều có hệ thống thu gom nước thải chung của cụm.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các xã có làng nghề lập phương án bảo vệ môi trường và xây dựng quy ước tại các làng nghề; đầu tư xây dựng hạ tầng về bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống tiêu thoát nước thải, cải tạo các ao hồ, kênh mương, các địa điểm tập kết, trung chuyển rác thải và thực hiện kịp thời công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trong ngày tại các làng nghề, tỷ lệ đạt trên 98%.

Tương tự, tại huyện Đan Phượng có 6 làng nghề truyền thống hoạt động tại xã Liên Hà, Liên Trung, Song Phượng, Hồng Hà, Hạ Mỗ, trong đó có 3 khu làng nghề tập trung chế biến gỗ, sản xuất đồ gỗ tập trung, tổng diện tích 20,8ha. Các chất thải rắn tại các làng nghề như đầu mẩu, bìa gỗ, mùn cưa, bã bào, bụi chà nhám được tái sử dụng làm nhiên liệu lò đốt, ván ép công nghiệp. Thành phố đã xây dựng trạm xử lý nước thải tại xã Liên Hà, Liên Trung.

Làng nghề Mỹ Đồng và bài toán xử lý ô nhiễm môi trường

Làng nghề đúc và cơ khí Mỹ Đồng (xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) có truyền thống hơn 100 năm nay, nổi tiếng với những sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp trong và ngoài nước. Những năm gần đây, làng nghề được mở rộng, số lượng doanh nghiệp tăng lên, trong khi sự đầu tư, quy hoạch chưa đồng bộ đã kéo theo những hệ lụy về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Xã Mỹ Đồng nằm ở phía Tây Bắc huyện Thủy Nguyên. Đi theo tỉnh lộ 352, đến đầu xã, mùi khét lẹt, khó thở đã xộc thẳng vào mũi. Chỉ cần đứng ngay vỉa hè, đầu ngõ, tiếng động cơ máy, tiếng hàn xì, tiếng đe búa… ình ình nhức tai. Khói, bụi đặc quánh và ngột ngạt.  

Tầm 9h sáng và 13h30 -14h giờ chiều, khi các lò đúc trong làng bắt đầu nổi lửa là “đỉnh điểm” của khói bụi và mùi khét. Các cơ sở đúc đồng chỉ cách trường Mầm non Mỹ Đồng chưa đầy 100m; trên mái không có ống khói, mỗi khi xưởng xả thải, khói bụi phát tán, lan rộng ra xung quanh.

Chị Nguyễn Thị Hương, một người dân trong làng có con học tại trường Mầm non và Tiểu học Mỹ Đồng kể: “Tầm hơn 1h, các cô không dám mở cửa sổ. Khói xanh lè, mùi kinh lắm. Nhất là ra Giêng trở ra, khói kín đen đặc. Đúc gang này, trong gang có dầu mỡ thải, gây ra khói. Dầu gang gây khói xanh, ảnh hưởng đến sức khỏe rất nhiều. Hầu như cháu nào cũng ho, sổ mũi kéo dài, uống thuốc không khỏi. Nhưng ngày nắng nóng, có gió to thì bay được lên cao, còn những ngày mùa nồm với mùa mưa thì khói quẩn ở dưới, khó tan, rất khó chịu”. 

Bà Lương Thị G., làng Đồng Lý, xã Mỹ Đồng cho biết, bà con trong làng đã nhiều lần kiến nghị về tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương, nhưng đến nay vẫn không được cải thiện, với lý do “làng nghề đúc, không thể không có tiếng ồn và khói bụi”.

 

3_167.jpg
Nhiều cơ sở diện tích nhỏ, sản xuất kinh doanh ngay tại gia đình, không có điều kiện, địa điểm để đầu tư các công trình xử lý rác thải, khí thải…

 

“Sống gần quen rồi nhưng nhiều lúc khó chịu lắm. Phản ánh cũng nhiều rồi nhưng vẫn thế thôi. Ô nhiễm, mùi khét khẹt. Có ngày thì nặc mùi, phải đóng kín cửa lại. Bụi thì lúc nào cũng đầy nhà, lau lúc nào cũng đen sì. Trường học mầm non rồi cấp 2, người ta kêu ca nhiều, chán rồi. Bây giờ nói ra thì người ta bảo làng nghề, trong khi mình làm nghề khác, rất khó” - bà G. nói.

Xã Mỹ Đồng hiện có khoảng 160 hộ làm nghề đúc đồng, cơ khí, tập trung tại 2 thôn Đồng Lý và Phương Mỹ. Tuy nhiên, chỉ gần một nửa trong số này đáp ứng quy chuẩn sản xuất công nghiệp và vệ sinh môi trường; số còn lại nằm xen kẽ trong khu dân cư. Nhiều cơ sở diện tích nhỏ, sản xuất kinh doanh ngay tại gia đình không có điều kiện, địa điểm để đầu tư các công trình xử lý rác thải, khí thải…

Bà Bùi Thị Lơ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Đồng cho biết: “Chính quyền địa phương có trách nhiệm với các hộ sản xuất kinh doanh để làm sao từng bước khắc phục, đáp ứng yêu cầu của 2 bên và giữ được truyền thống địa phương. Mình cũng từng bước đáp ứng nguyện vọng cho nhân dân, hướng cho các doanh nghiệp sản xuất nhưng phải đảm bảo môi trường tối thiểu nhất để giữ môi trường chung và một phần phải duy trì và phát triển làng nghề”.

Hiện nay, tại Mỹ Đồng đã có một cụm công nghiệp làng nghề đúc, cơ khí giai đoạn 1 nhưng quy mô nhỏ, khoảng hơn 5ha và mới quy tụ được gần 40 doanh nghiệp tại địa phương. Cụm công nghiệp cơ khí và đúc Thủy Nguyên (còn gọi là làng nghề Mỹ Đồng giai đoạn 2) đã được đề xuất cách đây hơn 10 năm nhưng mãi đến cuối năm 2019 mới chính thức được quy hoạch, với quy mô 20 ha và hiện đang được Sở Công thương Hải Phòng trình UBND thành phố xem xét để quyết định chủ trương đầu tư. 

Đại diện Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Thủy Nguyên cho biết: Trong khi chờ Cụm công nghiệp cơ khí và đúc Thủy Nguyên hoàn thành, đơn vị sẽ phối hợp với các phòng chức năng và UBND xã Mỹ Đồng tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất kinh doanh cam kết đảm bảo vệ sinh công nghiệp, giảm thiểu khí thải, bụi; kiên quyết không để phát sinh những cơ sở sản xuất mới trong khu dân cư.

 

 

 

PV (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top