Ngay sau khi UBND tỉnh Hà Nam công bố dịch sốt xuất huyết (ngày 1/8), ngành y tế Hà Nam đã phối hợp với chính quyền các địa phương quyết liệt triển khai nhiều biện pháp dập tắt dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.
Sốt xuất huyết chỉ lây truyền do muỗi vằn đốt, người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành. Nguy hiểm là loại muỗi này thường đốt ban ngày. Muỗi vằn trú ở nơi ẩm thấp, đẻ trứng vào những nơi có nước. Vì thế, biện pháp tích cực nhất để phòng chống sốt xuất huyết là phun thuốc diệt muỗi, vệ sinh nơi ở thông thoáng, tuyệt đối không để những vật dụng chứa nước không có nắp đậy gần nơi sinh sống.
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế (TTYT) Dự phòng tỉnh Hà Nam, đến thời điểm này số bệnh nhân ghi nhận sốt xuất huyết là 99 trường hợp, trong đó chủ yếu có tiền sử làm ăn, học tập tại Hà Nội sau đó mắc bệnh và về Hà Nam điều trị. TTYT Dự phòng tỉnh Hà Nam đã làm xét nghiệm trên bệnh nhân, kết quả có 10/15 trường hợp dương tính với sốt xuất huyết, trong đó 10/12 mẫu dương tính trong đợt dịch tại tỉnh Hà Nam từ 1/7 đến nay.
Các ca bệnh sốt xuất huyết có ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh. Đến ngày 1/8 toàn tỉnh có 23 xã, phường, thị trấn có chùm ca bệnh sốt xuất huyết. Trong đó huyện Bình Lục 3 địa phương có chùm ca bệnh:Huyện Bình Lục có thị trấn Bình Mỹ, xã La Sơn, xã Bình Nghĩa; huyện Lý Nhân 7 xã: Đức Lý, Bắc Lý, Hòa Hậu, Hợp Lý, Nhân Bình, Nhân Hưng, Văn Lý; huyện Duy Tiên có 5 xã: Châu Giang, Đọi Sơn, Tiên Phong, Mộc Nam, Mộc Bắc; huyện Kim Bảng có 1 chùm ca bệnh ở xã Đồng Hóa; huyện Thanh Liêm có xã Liêm Cần, Thanh Nghị có chùm ca bệnh; thành phố Phủ Lý có 5 địa phương có chùm ca bệnh: phường Hai Bà Trưng, Minh Khai, Liêm Chính, xã Tiên Tân, xã Đinh Xá.
Trong số các chùm ca bệnh trên có 8 địa phương người dân không đi đâu vẫn mắc sốt xuất huyết: xã Hợp Lý, Nhân Hưng (huyện Lý Nhân); xã Châu Giang, Đọi Sơn, Mộc Nam, Mộc Bắc (huyện Duy Tiên); xã Liêm Cần (huyện Thanh Liêm); xã Tiên Tân (thành phố Phủ Lý).
Phun hoá chất diệt muỗi là một trong những biện pháp hữu hiệu phòng chống dịch
TTYT Dự phòng tỉnh đã phối hợp với TTYT các huyện thành phố giám sát điều tra véc tơ. Kết quả cho thấy tại tất cả các địa phương có chùm ca bệnh chưa bắt được muỗi Aedes agypti (Véc tơ chính), nhưng bắt được muỗi Aedes albopictus (Véc tơ phụ) với chỉ số BI >20 (đây là muỗi gây ổ dịch sốt xuất huyết tại tỉnh Hà Nam năm 2016).
Theo ông Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc TTYT Dự phòng tỉnh, đơn vị đã và đang phối hợp với TTYT các huyện, thành phố, chính quyền địa phương chỉ đạo các trạm y tế xã, phường triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết. Các hoạt động tập trung là tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, bọ gậy tại các nơi có trường hợp bệnh chẩn đoán xác định sốt xuất huyết.
Cùng đó cử các đội cơ động phòng chống dịch của đơn vị xuống chỉ đạo, hỗ trợ địa phương trong các hoạt động phòng chống dịch. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện như: hệ thống loa truyền thanh; phát tờ rơi trực tiếp về các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết.
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết ngày 1/8 có 16 ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị. Ngày 2/8, đến cuối giờ sáng có 4 ca tiếp tục nhập viện. Trong Khoa Truyền nhiễm hiện có khoảng 30 bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị. Ngày 1/8 có một bệnh nhân nặng phải chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và hiện tại cũng có một bệnh nhân nặng đang theo dõi tại khoa. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam và TTYT các huyện, thành phố cũng chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, vật tư, cơ sở vật chất phòng số bệnh nhân nhập viện điều trị tăng.
Trung Hiếu