Mưa lớn, ngập khắp nơi, vỡ đê Bùi 2, sẽ cắt giảm 5 “siêu ban”, kỷ luật 60 cán bộ... là những tin nóng nhất tuần qua ở Thủ đô.
Vỡ đê Bùi 2 ở Chương Mỹ
Ngày 12/10, ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, (Hà Nội) cho hay, tối 11/10, nước lũ dâng cao tràn qua đê Bùi 2, thuộc xã Hoàng Văn Thụ. Ngay trong đêm, lãnh đạo TP. Hà Nội đã có mặt chỉ đạo công tác khắc phục đoạn đê bị tràn, di dời người dân đến nơi an toàn. Đến sáng 12/10, một đoạn đê Bùi 2 đã vỡ. Nước tràn vào gây ngập nhà dân. Đê vỡ gây thiệt hại một ít hoa màu của người dân, chưa gây thiệt hại về người”.
Theo ông Trần Ngọc Thông, Chánh Văn Phòng UBND huyện Chương, theo báo cáo của xã Hoàng Văn Thụ, có khoảng 200 nhà dân bị ngập sâu trong biển nước. Toàn bộ người dân ở trong nhà đã được di dời lên các vị trí cao. Hiện tại, các lực lượng vẫn đang khẩn trương khắc phục, giúp đỡ bà con.
Sáng 12/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã đi kiểm tra tình hình ứng phó với mưa lũ tại huyện Chương Mỹ, trực tiếp nắm tình hình và thăm hỏi đời sống, tặng quà một số hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở thị trấn Xuân Mai.
Theo báo cáo của UBND huyện Chương Mỹ, mưa lớn đã làm ngập khoảng 92ha lúa mùa chưa kịp thu hoạch; khoảng 842,4ha cây vụ Đông bị hư hỏng; 9.900m đê bị ngập, bao gồm các địa bàn: Thị trấn Xuân Mai và các xã: Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Mỹ Lương, Hoàng Văn Thụ, Tốt Động, Thanh Bình và Đông Sơn…
Chính quyền cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân đội, công an kịp thời di dời 618 hộ với 5.558 nhân khẩu đến nơi an toàn. Hiện nay, các lực lượng ứng trực tại hiện trường vẫn duy trì quân số 100%, bảo đảm an ninh trật tự, hướng dẫn, hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn.
Tuy nhiên, trong buổi họp báo thông báo về tình hình mưa lũ hôm qua (13/10), khi phóng viên hỏi đê Chương Mỹ (Hà Nội) có vỡ hay không, thì ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục đê điều và phòng chống thiên tai, sau một hồi mô tả, giải thích, đã khẳng định, đoạn đê hữu Bùi "vỡ trong kế hoạch".
Khi sự cố xảy ra, cán bộ xã và người dân khẳng định, đê bị vỡ. Phóng viên nhiều cơ quan báo chí có mặt tại hiện trường cũng không nói khác khi tận mắt chứng kiến đoạn đê dài khoảng 15m bị sạt vỡ, hàng trăm ngôi nhà cùng tài sản, hoa màu phút chốc ngập chìm trong nước.
Cũng không có thông tin nào cho rằng lực lượng có trách nhiệm chủ động cho đê vỡ "theo kế hoạch". Trong khi đó, lãnh đạo huyện Chương Mỹ lại quả quyết, đê không vỡ, đê chỉ bị nước tràn qua.
Hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng cho các địa phương bị thiệt hại do mưa lũ
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP. Hà Nội vừa có thông báo việc hỗ trợ các tỉnh và các địa phương thuộc thành phố Hà Nội vừa bị thiệt hại do thiên tai gây ra.
Những ngày vừa qua, mưa lớn đã gây lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng, làm nhiều người bị chết, bị mất tích và bị thương; nhiều công trình, nhà cửa, hoa màu bị thiệt hại; ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt và cuộc sống của nhân dân một số địa phương, nhất là các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Riêng Hà Nội có huyện Mỹ Đức và Chương Mỹ bị ngập lụt nặng nề gây thiệt hại cho nhân dân ở một số xã.
Trước tình hình đó, để kịp thời hỗ trợ các địa phương và nhân dân vùng bị ảnh hưởng trực tiếp do thiên tai gây ra khắc phục khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, ngày 13/10, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã quyết định hỗ trợ các địa phương số tiền hơn năm tỷ đồng (được trích từ quỹ “Cứu trợ” của TP) để khắc phục hậu quả mưa lũ.
Trong đó, hỗ trợ tỉnh Hòa Bình bị thiệt hại nặng nề nhất 1 tỷ đồng; 6 tỉnh Sơn La, Yên Bái, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh được hỗ trợ mỗi tỉnh 500 triệu đồng.
Hỗ trợ gia đình của 7 tỉnh trên có người chết do thiên tai gây ra mỗi gia đình 10 triệu đồng; người bị thương 5 triệu đồng.
Đối với huyện Mỹ Đức và Chương Mỹ, Hà Nội hỗ trợ mỗi huyện 1 tỷ đồng; hỗ trợ gia đình của 2 huyện trên có người chết do thiên tai gây ra mỗi gia đình 10 triệu đồng; người bị thương 5 triệu đồng.
Sẽ cắt giảm 5 "siêu ban" người nhiều hơn việc
Tại hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội ngày 13/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nói về vấn đề 5 “siêu ban” quản lý dự án, với 984 người, trong đó có 5 công chức, 706 viên chức và 273 lao động hợp đồng.
Theo Chủ tịch Hà Nội, bước đầu các ban quản lý dự án hình thành trên cơ sở nhập tất cả các ban quản lý dự án của các sở lại. Đến giai đoạn 2, TP sẽ xây dựng đề án vị trí việc làm của tất cả các ban quản lý dự án này.
Ông Chung nói: “Sắp xếp theo đề án vị trí việc làm thì chắc chắn sẽ giảm các ban quản lý dự án này".
Theo ông Chung, cùng với việc xây dựng đề án vị trí việc làm, TP. Hà Nội cũng đang rà soát khoảng 400 dự án các ban quản lý dự án đang tiếp nhận.
Trên cơ sở đó, nếu dự án nào không nằm trong chương trình đầu tư công, TP. sẽ yêu cầu dừng lại. Dự án nào đã hoàn thành, sẽ tập trung thanh quyết toán, kiểm toán. Với dự án có chủ trương đầu tư, TP sẽ đôn đốc sớm triển khai.
Trước đó, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội có báo cáo tình hình triển khai các nhiệm vụ của 5 ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình chuyên ngành của thành phố gồm: Ban Quản lý dự án dân dụng và công nghiệp, Ban Quản lý dự án giao thông, Ban Quản lý dự án NN&PTNT, Ban Quản lý dự án văn hóa xã hội, Ban Quản lý dự án cấp nước, thoát nước và môi trường.
Đại diện HĐND TP Hà Nội đánh giá, các Ban Quản lý dự án còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động (kinh phí hoạt động trích theo tỉ lệ trên kế hoạch vốn được giao).
Đặc biệt, một số ban quản lý dự án chưa đủ kinh phí để trả lương cho cán bộ, người lao động năm 2017. Do vậy, Ban Quản lý dự án phải trình UBND TP Hà Nội ứng trước ngân sách. Trong đó, Ban Quản lý dự án NN&PTNT đã được TP hỗ trợ 1,4 tỷ đồng và tạm ứng ngân sách TP 6,2 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án giao thông dự kiến chỉ đủ chi phí hoạt động đến hết quý 3/2017.
Nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trên được Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP. Hà Nội chỉ rõ là do số lượng cán bộ, người lao động nhiều hơn so với khối lượng công việc tương ứng số lượng dự án, kế hoạch vốn được giao triển khai. Ngoài ra, thành phố chưa kịp hướng dẫn, quy định về phân công, phân cấp, ủy quyền trong quyết định phê duyệt dự toán chi phí quản lý của ban quản lý dự án.
Mở rộng không gian phố đi bộ Hồ Gươm
Lãnh đạo Hà Nội vừa đồng thuận với kiến nghị của UBND quận Hoàn Kiếm bố trí thêm đoạn phố Cầu Gỗ để mở rộng không gian đi bộ tại khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có phương án tổ chức giao thông khu vực này. Theo đó, toàn bộ phương tiện bị cấm lưu thông vào Hàng Gai, Cầu Gỗ (đoạn từ Lương Văn Can đến Đinh Liệt) từ 19h đến 24h các ngày thứ 7 và chủ nhật hàng tuần.
Ngoài ra, để giảm lưu lượng phương tiện khu vực lân cận khi phố đi bộ hoạt động, các loại ôtô bị cấm trên phố Hàng Bài (đoạn Lý Thường Kiệt đến Hai Bà Trưng); taxi bị cấm trên phố Hàng Bài (từ Trần Hưng Đạo đến Lý Thường Kiệt). Biển báo hướng dẫn, phân luồng đã được hoàn thành trước ngày 13/10.
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, trung bình ban ngày có khoảng 3.000 người đến 5.000 người, buổi tối khoảng 15.000 đến 20.000 người ở không gian đi bộ Hồ Gươm.
Tàu trên cao Cát Linh-Hà Đông vận hành
Sáng nay 13/10, nhiều người dân đi đường bất ngờ khi thấy cả đoàn tàu đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) được kéo bởi xe công trình chạy dọc tuyến trên đường Nguyễn Trãi.
Theo hình ảnh được nhiều người dân chứng kiến ghi lại cho thấy, chiếc xe công trình màu vàng đã kéo đoàn tàu Cát Linh-Hà Đông gồm 4 toa, một xe công trình màu vàng khác chạy theo nhằm khóa đuôi đoàn tàu.
Đoàn tàu chạy với vận tốc chậm, quãng đường di chuyển là từ trung tâm Derpot đến điểm cuối là ga Cát Linh dài 13 km trên cao. Người dân cho rằng đoàn tàu đang được cho chạy thử.
Tuy nhiên, một lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết đoàn tàu được xe công trình kéo đi nhằm phục vụ hoạt động thi công, không phải là hoạt động vận hành chạy thử.
Vẫn theo vị lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt, hình ảnh mà mọi người nhìn thấy sáng nay 13/10 là đoàn tàu được kéo đi để phục vụ thi công, căn chỉnh trên ray, tại các ga, bởi nhiều vị trí thi công đòi hỏi phải có đoàn tàu để đảm bảo chính xác tuyệt đối và đồng bộ với hệ thống thiết bị chạy tàu.
Sau khi được kéo về ga Cát Linh, đoàn tàu sẽ được để lại ga vài ngày để phục vụ thi công. Sau đó, đoàn tàu này tiếp tục được kéo đi các ga khác, các vị trí khác trên dự án để phục vụ thi công.
Theo kế hoạch ban đầu, Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông được vận hành chạy thử toàn hệ thống vào tháng 10/2017. Tuy nhiên, do dự án bị chậm tiến độ, thiếu vốn nên Bộ GTVT đã lên tiếng thừa nhận dự án này không đạt được kế hoạch đề ra.
Hà Nội sẽ kiểm tra những trường hợp nghi ngờ dùng bằng giả
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Quang Cảnh cho biết, tới đây, cơ quan này sẽ có kiểm tra, xác minh những trường hợp nghi ngờ dùng bằng giả.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, thời gian qua, cơ quan này đã kiểm tra 5 Ban Thường vụ quận, huyện, thị uỷ và đưa ra kết luận với 43 thường vụ quận, huyện, thị uỷ, nhiều đảng viên tổ chức liên quan.
Đến nay, trong 4 cuộc kiểm tra đã có kết luận, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã xử lý xong 3 cuộc của Hoàng Mai, Thanh Trì, Hà Đông với 40 cán bộ đã bị kỷ luật. Tại quận Nam Từ Liêm, từ nay đến hết tháng 1/2018, sẽ phải kỷ luật 15 cán bộ. Như vậy, 4 cuộc kiểm tra đã kỷ luật gần 60 cán bộ vi phạm về quản lý trật tự xây dựng, đất đai trên địa bàn thành phố, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Thường vụ Thành uỷ quản lý.
Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Trần Quang Cảnh cho biết thêm, cơ quan này đang tiếp tục kiểm tra tại huyện Thường Tín về công tác cán bộ. Đặc biệt, tuần sau sẽ công bố kiểm tra Huyện ủy Thanh Oai về công tác cán bộ, trong đó có việc xác minh thông tin bổ nhiệm thừa hàng chục phó hiệu trưởng các trường học trên địa bàn.
Đặc biệt, ông Cảnh đưa ra hai khuyến cáo với cán bộ, công chức thành phố về bằng cấp và kê khai tài sản: “Ai sử dụng bằng giả thì khẩn trương báo cáo Ban Tổ chức, Uỷ ban Kiểm tra xin rút lui, thậm chí xin từ chức. Chúng tôi đã có những tài liệu nhất định, còn chờ kiểm tra xác minh nữa thôi. Nếu bằng cấp không chuẩn thì báo cáo ngay và cũng tự giác, có khi xin từ chức cho đàng hoàng”.
Về vấn đề kê khai tài sản, ông Trần Quang Cảnh cho biết, Chủ tịch UBND TP đã ký văn bản yêu cầu cán bộ, công chức thực hiện. Chậm nhất đến ngày 20/4/2018, các cơ quan trên địa bàn thành phố sẽ hoàn thành vấn đề này.
“Các đồng chí lưu ý khi gửi cho Ban tổ chức Thành uỷ đồng thời gửi bản sao cho Ủy ban Kiểm tra Thành uỷ. Chúng tôi có nhiệm vụ giám sát tài sản và kiểm tra tài sản của cán bộ, đảng viên theo thẩm quyền” - ông Cảnh nói thêm.
Liên quan đến vụ việc ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức), ông Cảnh cho biết, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo xử lý điểm nóng bài bản, thận trọng, có lý, có tình, từng bước một. Đến nay, TP đã xử lý xong 14 cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật ở giai đoạn trước là bán đất và làm những việc trái thẩm quyền của cấp huyện, xã.
Hiện nay, thành phố đang tiếp tục xử lý các cán bộ của xã Đồng Tâm có liên quan vì có những lúc bỏ vị trí lãnh đạo, vi phạm tập trung dân chủ, mất đoàn kết nội bộ, sau đó đề nghị Thường trực Thành uỷ kiểm điểm đối với Thường vụ Huyện uỷ Mỹ Đức trong lãnh đạo, chỉ ra những khuyết điểm để làm tốt hơn.
“Thành phố sẽ tiếp tục xử lý nghiêm những đảng viên vi phạm, trong đó có các đảng viên vi phạm liên tục thời gian dài, định biến đất quốc phòng thành đất nông nghiệp”, ông Cảnh nói.
Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội ngày 13/10 đã có thư kêu gọi tự thú và đầu thú đến các cá nhân có hành vi hủy hoại tài sản, bắt giữ người trái pháp luật trên địa bàn thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức.
Một góc thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội
Nội dung Thư kêu gọi nêu rõ: Trong cuộc sống, đôi khi vì sai lầm trong nhận thức, hành động có thể làm cho cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật thậm chí phạm tội.
Điều đáng tiếc, không mong muốn đó ảnh hưởng tiêu cực cho người thực hiện hành vi, gia đình họ và cho xã hội. Đối mặt với tình huống này, người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật cần phải làm gì để được hưởng lượng khoan hồng, giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý với cá nhân mình.
Cha ông ta đã có lời chỉ dạy "đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại". Đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta nghiêm khắc nhưng cũng thật nhân đạo, khoan dung. Theo đó, người có hành vi vi phạm pháp luật nếu thực sự ăn năn, hối lỗi bằng việc tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, góp phần khắc phục hậu quả tiêu cực cho xã hội mà mình đã gây ra luôn được xem xét, giảm nhẹ đáng kể trách nhiệm pháp lý khi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc.
Quán triệt đường lối, chính sách của Đảng, trên cơ sở quy định pháp luật của Nhà nước và từ thực tế tình hình, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội và Viện kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội viết Thư này, đề nghị các cá nhân đã tham gia vào việc hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, bắt, giam hoặc giữ người trái pháp luật trên địa bàn thôn Hoành, xã Đồng Tâm, TP Hà Nội, từ ngày 15 đến ngày 22/4 (vụ việc đã được khởi tố theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 129/PC 44 ngày 13/6 của Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội) không bỏ lỡ cơ hội để được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, hãy dũng cảm, đối mặt với sự thật, nhanh chóng đến Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, Viện kiểm sát Nhân dân TPP Hà Nội, theo địa chỉ số 55 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm; hộp thư điện tử [email protected]; điện thoại 069.2196.420; điều tra viên thụ lý: đồng chí Vũ Đình Duy, số điện thoại, 0984.277.284 và Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, địa chỉ số 7, Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; điện thoại 069.2196. 242; điều tra viên thụ lý đồng chí Trần Cường, điện thoại 0125.71. 99999 hoặc chính quyền, cơ quan Công an nơi gần nhất để tự thú, đầu thú, khai báo, góp phần khắc phục hậu quả đã gây ra.
Công an TP Hà Nội và Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đề nghị cấp chính quyền, gia đình, thân nhân của những người đã có hành vi vi pháp luật nêu trên động viên công dân, người thân của mình có thái độ tích cực trước Thư kêu gọi này và phối hợp với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người tự thú, đầu thú. Đồng thời kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn động viên những người vi phạm ra tự thú, đầu thú; cung cấp những thông tin, tài liệu có liên quan bằng các hình thức tự lựa chọn.
Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội sẽ không bắt, giam giữ người tự thú, đầu thú và bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người tự thú, đầu thú theo quy định của pháp luật. Người che giấu, cản trở người có hành vi vi phạm pháp luật tự thú, đầu thú sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội, Thủ đô của đất nước đang không ngừng đổi mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, đời sống tinh thần của nhân dân. Trong quá trình xây dựng, đổi mới và phát triển của thành phố, nếu các cá nhân, cơ quan, tổ chức có những vướng mắc, chưa đồng thuận thì cần bày tỏ thái độ ứng xử trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Cần nhận thức đầy đủ rằng, pháp luật của Nhà nước ta đủ các quy định để cơ quan, tổ chức, cá nhân bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Từ đó, không có những hành vi vi phạm pháp luật đáng tiếc như vụ việc đã xảy ra tại xã Đồng Tâm thời gian qua, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự của thủ đô./.
Vân Nhi (tổng hợp)
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.